Một người bạn tôi gần đây kể, có lần một người quen hốt hoảng gọi điện về việc đã chuyển nhầm 300 nghìn đồng thành 300 triệu đồng cho một đơn hàng online. Người bạn tôi một mặt vừa gọi điện cho ngân hàng nhờ can thiệp, một mặt điện thoại cho chủ trang bán hàng.
Trong khi ngân hàng cho biết chỉ có thể hỗ trợ trong vòng 24h thì người chủ trang bán hàng online cam kết sẽ chuyển lại tiền thừa ngay. Chỉ vài phút sau, tiền thừa đã được gửi trả lại tài khoản của người quen, nhân viên ngân hàng liên quan cũng gọi lại báo tiền đã được người nhận chuyển lại. Mọi việc diễn ra trong 15 phút.
Người quen đó nhắn tin cảm ơn đến người bán hàng online thì nhận được tin nhắn lại: “Đó không phải tiền của em, em không trả thì là lừa đảo ạ, mà em không phải là kẻ lừa đảo”.
Đó là một trường hợp may mắn trong rất nhiều trường hợp tranh chấp không thể ghi nhận được trong hoạt động mua bán online đang bùng nổ ở nước ta.
Gần đây, một chủ cửa hàng bán quần áo cho biết, cô thấy vào một trang bán hàng online thấy có lô quần áo đẹp nên mua về kinh doanh với giá tiền 5 triệu đồng. Chủ trang yêu cầu thanh toán trước toàn bộ số tiền. Cô chủ cửa hàng quần áo tỏ ra hơi ngờ vực vì điều kiện thanh toán đó nhưng một yếu tố khiến cô yên tâm: trang bán hàng đó có 20 ngàn người theo dõi. Vì thế, cô vẫn chuyển 5 triệu trước khi nhận hàng.
Điều đáng tiếc đã xảy ra: 3-4 ngày trôi qua để cuối cùng cô chủ quán nhận được một thùng hàng bên trong toàn giẻ rách. Cô ấm ức cho biết, không biết làm sao để đòi lại tiền vì mọi chuyện diễn ra online.
Mua bán hàng online đã nở rộ như nấm sau mưa ở Việt Nam nhiều năm nay, đặc biệt là từ khi có đại dịch Covid-19. Có hàng loạt các nền tảng tin cậy, nhưng cũng có rất nhiều các trang mạng chẳng ai biết ở đâu. Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020 do Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam chỉ ra rằng, mức tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 15%, đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD, và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2021 cũng như cả giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, sự bùng nổ của các hoạt động kinh doanh trực tuyến trong thời đại dịch đi kèm với nó là những tranh chấp thông qua kênh mua sắm trực tuyến này. Người ta ghi nhận, hành vi lừa đảo mua bán online rất đa dạng như: Lừa đảo mua hàng hóa qua mạng, bán hàng hóa không đúng với chất lượng cam kết, lừa đảo qua các kênh phân phối hàng hóa đa cấp hoặc đầu tư tiền ảo …
Ông Phạm Hoàng Long, Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương kẻ, có những vị khách gọi điện đến cho cục phàn nàn rằng, họ đặt mua điện thoại Iphone thông qua các kênh mua sắm trực tuyến nhưng đến khi nhận được thì chiếc Iphone đó đã hóa “cục gạch” đúng nghĩa. Một số khách hàng khác phản ánh, họ đặt mua hoa quả qua mạng nhưng khi nhận được thì thấy hoa quả đó đã hỏng chứ không thơm ngon như quảng cáo…
Ông Long cho biết, chỉ trong năm 2020 Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng nhận được hơn 11 nghìn cuộc điện thoại với các nội dung kiện cáo xung quanh hoạt động mua sắm trực tuyến. “Đa số người mua hàng online đều băn khoăn, liệu quyền của họ có được luật pháp bảo vệ hay không”, ông cho biết.
Trong bối cảnh đó, ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, một đơn vị của VIAC đã xây dựng nền tảng hòa giải trực tuyến MedUp nhằm cung cấp thêm một mô hình giải quyết tranh chấp hiệu quả về thời gian, chi phí với sự ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số.
MedUp là nền tảng giải quyết tranh chấp trực tuyến được vận hành độc lập bởi Trung tâm Hòa giải Việt Nam. Đây là một trong số ít các nền tảng giải quyết tranh chấp trực tuyến bằng ADR tại Việt Nam tính tới thời điểm này. Với việc phát triển MedUp, theo ông Dương, Trung tâm hòa giải hi vọng có thể cung cấp giải pháp công nghệ đáp ứng và thúc đẩy nhu cầu giải quyết các tranh chấp giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, bao gồm các tranh chấp tín dụng, các tranh chấp thông qua sàn thương mại điện tử,… thông qua hòa giải trực tuyến.
Trên cơ sở đó, ông cho biết, sẽ mở rộng ra trở thành công cụ thu hẹp khoảng cách tiếp cận công lý đối với cả các tranh chấp ngoại tuyến khác – thay vì chỉ giới hạn đối với lĩnh vực thương mại điện tử.
Tuy nhiên, theo ông Dương, cần thêm hỗ trợ của Bộ Tư pháp, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, và các doanh nghiệp nhằm thể chế hóa các trao đổi trên không gian mạng như chữ ký điện tử hay định danh và xác thực điện tử hay định danh và xác thực điện tử.
Theo Vietnamnet