Ngày 27-5, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại 64 điểm cầu ở 63 tỉnh, thành.
Đề xuất nhiều phương án tổ chức
Là địa phương có tình hình dịch bệnh COVID-19 vô cùng phức tạp, Bắc Ninh đã dự kiến hai phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong điều kiện dịch bệnh.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thế Sơn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh, cho biết năm nay toàn tỉnh có 16.388 thí sinh (TS) đăng ký dự thi với 27 điểm thi dự kiến. Đáng nói, với khối lớp 12, tỉnh có 15 học sinh (HS) diện F0, 125 em F1 và 394 em F2.
Vì vậy, Bắc Ninh đã dự kiến một số phương án tổ chức kỳ thi: Phương án 1, khi kiểm soát được dịch bệnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra theo đúng lịch thi và kế hoạch của bộ cho từng nhóm TS.
Phương án 2, nếu sau ngày 20 đến 25-6, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, nhiều địa phương trong tỉnh áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, Bắc Ninh đề nghị Bộ GD&ĐT tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2.
Tương tự, tại tâm dịch Bắc Giang, lãnh đạo tỉnh cũng cho biết tính đến hết ngày 22-5, toàn tỉnh có 9.147 HS lớp 12 thuộc diện phải cách ly y tế. Do đó, Bắc Giang cũng lên phương án chi tiết cho HS đủ điều kiện tham gia thi tốt nghiệp THPT đợt 1 theo lịch của Bộ GD&ĐT. Số còn lại sẽ thi đợt 2 và xem xét cả phương án tổ chức thi cho HS đang cách ly.
Còn tại TP.HCM, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết TP có 88.774 TS dự thi với 160 điểm thi, 3.868 phòng thi. TP đã chủ động có những phương án thi và giải pháp ứng phó trong mùa dịch.
Trong đó, TP đã đầu tư cấp ngân sách trang bị các phương tiện phòng chống dịch, cung cấp hơn 1 tỉ đồng để trang bị nước rửa tay và khẩu trang. Đồng thời TP cũng nghiên cứu thực hiện các điểm thi dự phòng cho TS thuộc diện F1 tùy tình hình diễn biến dịch cụ thể.
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở GD&ĐT các địa phương cũng đề nghị Bộ GD&ĐT sớm có hướng dẫn cụ thể về thi đợt 2. Đồng thời bộ cần có phương án hướng dẫn việc tổ chức thi trong khu cách ly cho TS thuộc diện F1.
Báo cáo tại hội nghị, PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết đến nay, công tác chuẩn bị thi vẫn được tiến hành đúng tiến độ. Dù vậy, ông thừa nhận việc in sao đề thi có những thách thức do khó khăn bởi dịch bệnh. Bên cạnh giải pháp đảm bảo an toàn, bảo mật đề thi, bộ còn phải chú ý các giải pháp phòng dịch.
Theo ông Trinh, ảnh hưởng của hai đợt dịch trong hai năm liên tiếp nên việc học tập và ôn luyện của HS gặp nhiều khó khăn.
Ông Trinh cho biết những em diện F0, nếu không thể dự kỳ thi này sẽ được xét tốt nghiệp tương tự trường hợp bị ốm đau, tai nạn đột xuất theo quy định. TS F1 sẽ được bố trí thi ở điểm riêng. Với F2, các điểm thi sẽ bố trí phòng thi riêng.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thái Bình (TP.HCM) trong một giờ ôn thi. Ảnh: KHÁNH CHI
Dù đã có kinh nghiệm từ công tác tổ chức thi năm 2020 nhưng các địa phương không được lơ là, chủ quan cũng không quá lo lắng, cực đoan. Kỳ thi phải được tổ chức trên tinh thần đảm bảo nghiêm túc, khách quan, chất lượng nhưng phải đặt mục tiêu ưu tiên là an toàn cho TS và những người tham gia tổ chức kỳ thi. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT NGUYỄN KIM SƠN |
Quyết tâm tổ chức thi đúng kế hoạch
Trước ý kiến của nhiều địa phương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong công tác chuẩn bị, rà soát TS dự thi, lên phương án cho kỳ thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện dịch bệnh.
Thứ trưởng Độ khẳng định Bộ GD&ĐT và các địa phương sẽ cùng quyết tâm để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo đúng lịch là ngày 7 và 8-7. Trừ trường hợp dịch COVID-19 quá phức tạp, nhiều nơi giãn cách xã hội, tùy theo tình hình cụ thể, các địa phương đề xuất bộ điều chỉnh phương án, có thể lùi thời gian thi hoặc thêm đợt thi.
Trong trường hợp nếu phải thi thành hai đợt, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức việc xây dựng đề thi giữa hai đợt để đảm bảo công bằng cho TS.
Để làm được, Thứ trưởng Độ yêu cầu các địa phương phải rà soát số lượng TS F0, F1, F2; bố trí điểm thi dự phòng, mỗi điểm thi bố trí phòng thi dự phòng cho đối tượng nghi nhiễm. Thời gian tới, bộ sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể với TS là F0, kịch bản cụ thể cho TS là F1, F2.
Ông Nguyễn Hữu Độ cũng đề nghị các địa phương xem xét ưu tiên tiêm vaccine cho TS, cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi. Ngoài ra, nếu có điều kiện, các địa phương có thể xét nghiệm cho 100% TS dự thi trước ngày thi để sàng lọc trường hợp có liên quan tới dịch COVID-19.
Bộ cũng sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp, chỉ đạo để đảm bảo công bằng trong đánh giá, chất lượng chấm thi, coi thi, đặc biệt với chấm thi môn văn, chấm thi tự luận.
Hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 9-7. Theo thống kê, cả nước có hơn 1 triệu TS đăng ký dự thi. Trong đó, số TS đăng ký thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT là hơn 222.500 em, chiếm gần 22%. Số TS đăng ký dự thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp vừa tham gia xét tuyển vào ĐH, CĐ là hơn 763.000 em, chiếm gần 75%. Đề xét công nhận tốt nghiệp năm 2021, TS phải dự thi ít nhất bốn bài thi: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một trong hai bài thi là khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Trong đó, chỉ có bài thi ngữ văn thi theo hình thức tự luận, còn lại là trắc nghiệm. |
Theo Báo Pháp Luật