đọc tin nhanh

Trong không khí trang nghiêm, với tấm lòng thành kính, Đồng hương Thanh Hoá tại Tp.HCM, Hội đồng Họ Lê tại Tp.Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ dâng hương, tưởng nhớ công lao to lớn của Đức Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi, các vị vua triều Hậu Lê, các vị Công thần cùng các anh hùng, nghĩa sĩ Lam Sơn đã có công dựng nước và giữ nước.

 

Lễ dâng hương tưởng nhớ Đức Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi tại chùa Trấn Quốc, Tp. HCM.
Lễ dâng hương tưởng nhớ Đức Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi tại chùa Trấn Quốc, Tp. HCM.

Sáng 24/9 (nhằm ngày 22 tháng 8 năm Giáp Thìn), tại tại chùa Trấn Quốc, Tp. HCM. Đồng hương Thanh Hoá tại Tp. HCM, Hội đồng Họ Lê tại Tp.Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm 606 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 596 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, 591 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Ông Lê Văn Minh - Trưởng Ban tổ chức phát biểu khai mạc.
Ông Lê Văn Minh – Trưởng Ban tổ chức phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc, Ông Lê Văn Minh – Phó Chủ tịch thường trực Đồng hương Thanh Hóa tại Tp.HCM, Chủ tịch Tập đoàn Nam Sông Tiền, Trưởng Ban tổ chức cho biết, Đức Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi sinh ngày 06/8 năm Ất Sửu (10/9/1385) tại vùng rừng núi trung du Thanh Hóa, nay là xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa (Xuân Lam là vùng trung du đồi núi nên còn gọi là Lam Sơn). Ông tạ thế ngày 22/08 năm Quý Sửu (5/09/1433), thọ 48 tuổi.

Cách đây hơn  600 năm, tại vùng đất Lam Sơn, Lê Lợi đã dựng cờ khởi nghĩa, tự xưng là Bình Định Vương, truyền hịch kêu gọi nhân dân đồng lòng đứng dưới cờ nghĩa đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh. Sau 6 năm hoạt động ở rừng núi Thanh Hóa, Lê Lợi đã cùng nghĩa quân Lam Sơn mở rộng địa bàn về phía Nam, giải phóng từ Nghệ An đến Thuận Hóa và mở cuộc tấn công ra Bắc, giải phóng thành Đông Quan, hoàn thành sự nghiệp đánh đuổi giặc Minh xâm lược vào năm 1428.

Lên ngôi Hoàng đế, Lê Thái Tổ tiếp tục xây dựng, củng cố chính quyền, ban hành các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn hòa hảo với các nước láng giềng. Các thế hệ kế tiếp đã kế thừa, xây dựng nên vương triều Hậu Lê thịnh trị, tồn tại dài nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.

Để tưởng nhớ, tôn vinh, tri ân Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vua Lê, các vị khai quốc Công thần cùng các tướng sĩ và nhân dân có công lao đóng góp trong lịch sử dựng nước và giữ nước, khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc. Vào những ngày này, nhân dân cả nước nói chung, Người Thanh Hóa và bà con họ Lê nói riêng ở khắp mọi nơi, đang hướng về Lam Kinh, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, nơi tôn nghiêm phụng thờ để kỷ niệm 606 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 596 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang 591 năm ngày mất của Đức Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi.

Đồng hương Thanh Hóa tại Tp.HCM và các tỉnh phía Nam tại lễ dâng hương tưởng nhớ Đức Thái tổ Cao Hoàng Đế Lê Lợi tại chùa Trấn Quốc, Tp. HCM.
Đồng hương Thanh Hóa tại Tp.HCM và các tỉnh phía Nam tại lễ dâng hương tưởng nhớ Đức Thái tổ Cao Hoàng Đế Lê Lợi tại chùa Trấn Quốc, Tp. HCM.

Nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp đó, tại Tp.HCM, Đồng hương Thanh Hoá; Hội đồng Họ Lê; Chùa Trấn Quốc hằng năm tổ chức lễ dâng hương, tưởng nhớ công lao to lớn của Đức Thái tổ Cao Hoàng Đế Lê Lợi, các vị vua triều Hậu Lê, các vị khai quốc Công thần cùng các anh hùng, nghĩa sĩ đã công lao trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và quá trình xây dựng đất nước.

Đồng thời, đây cũng là dịp để tìm về cội nguồn để tiếp tục khẳng định và tự hào cũng như phát huy những thành quả của những người con Thanh Hóa trên đất phương Nam, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc của người Thanh Hóa nơi đất khách, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.