đọc tin nhanh

Có thể thấy khởi nghiệp đang là xu hướng toàn cầu, trong đó ngành nghề được quan tâm nhiều nhất là công nghệ thông tin, các loại hình dịch vụ,… Nhưng có một lĩnh vực mà chưa nhiều người chú ý đến, thậm chí có thể trở thành một lợi thế để tạo nên sự khác biệt, đó là khởi nghiệp từ sản phẩm của làng nghề truyền thống.

Hơn một phần tư thế kỷ hình thành và phát triển, đồ gỗ Mỹ nghệ Hướng Mai đã trở thành thương hiệu “nằm lòng” của các khách hàng ưa chuộng sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ làng Đồng Kỵ, Bắc Ninh. Có được thành công ấy, Tổng Giám đốc Công ty Đồ gỗ Mỹ nghệ Hướng Mai – bà Vũ Thị Mai cùng chồng trải qua biết bao thăng trầm để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của quê hương. “Mệnh tự tâm tạo, tướng tự tâm sinh”, sinh mệnh của mỗi người nằm trong tay chính người đó, khởi nghiệp cũng vậy, không phải cứ có tài chính là làm được, cần hơn cả vẫn là một lãnh đạo có tâm và luôn mỉm cười trước mọi hoàn cảnh để được TÂM AN” – bà chủ Hướng Mai chia sẻ về khởi nghiệp

Đến nay, đồ gỗ Hướng Mai đã có cơ ngơi với 3 xưởng sản xuất, 01 Trung tâm Thương mại Hướng Mai Center tổng diện tích 10.000m2, xây dựng thành 9 tầng để trưng bày các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ theo phong cách truyền thống và hiện đại mang lại sự tiện lợi, chuyên nghiệp đến với khách hàng. Cũng khởi nghiệp từ “hai bàn tay trắng”, mang theo khát vọng gìn giữ và phát triển nghề Tổ của cha ông, đưa thương hiệu đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ đến với bạn bè quốc tế, bà Mai không ngần ngại nói về những trăn trở và bài học “xương máu” với các thế hệ trẻ có khát vọng lập nghiệp từ chính nghề truyền thống của quê hương mình.

Thưa bà Vũ Thị Mai, từ năm 2016, “khởi nghiệp” đã trở thành cụm từ nóng trong giới trẻ, là doanh nhân, bà đánh giá thế nào về tầm quan trọng của khởi nghiệp hiện nay?

Tôi muốn nói đến khởi nghiệp phải đi đôi với sáng tạo là yếu tố cốt lõi để tạo ra thành công của doanh nghiệp, tức là bạn phải làm được cái mới hoàn toàn hoặc là cái mới dựa trên cái cũ. Tôi đánh giá cao tinh thần khởi nghiệp của các bạn trẻ hiện nay, nhiều bạn có sức sáng tạo vô biên (cười). Tôi thực sự khâm phục. Khi bạn làm chủ bạn sẽ có trách nhiệm trước hết với bản thân mình, rồi đến những người đồng hành với bạn và điều đó sẽ trả lời cho câu hỏi: Tôi sẽ là người như thế nào sau này? Mình sẽ trở thành một doanh nghiệp như thế nào?

Là người từng trải trong nghề, theo bà, đâu là khó khăn lớn nhất khi các bạn trẻ chọn con đường khởi nghiệp từ chính làng nghề truyền thông của quê hương?

Có một sự thật đau lòng ở nước ta, đó là làng nghề sản xuất và xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài rất nhiều nhưng những sản phẩm mà họ làm ra lại không mang thương hiệu của chính làng nghề. Đối với nhiều nơi, khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu vốn, thiếu thị trường và công nghệ. Nhất là khi ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng là một thử thách lớn với các làng nghề nói chung hiện nay. Quy mô sản xuất kinh doanh ở nhiều làng nghề còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu vốn khiến cho công nghệ thiết bị ở các làng nghề lạc hậu. Một rào cản nữa trong xây dựng thương hiệu cho các làng nghề là việc chính người trong cuộc cũng chẳng mấy mặn mà bởi tâm lý “dựa dẫm truyền thống” của chính những người làm nghề. Theo họ, vì đã có truyền thống lâu đời nên sẽ có nhiều người biết đến sản phẩm của làng nghề mình, do đó việc xây dựng thương hiệu là… thừa.

2-huong-mai-van-hoa-doanh-nhan

Bài Mai cùng một số cán bộ, nhân viên của công ty

XEM NGAY: Nên học nghề gì để lập nghiệp

Vậy xin bà chia sẻ một vài bài học của đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai đã làm để giải quyết những khó khăn trên và có được thành công như ngày hôm nay?

Tôi nghĩ rằng, Hướng Mai đã xác định được rõ ràng ưu thế của những sản phẩm làm nên thương hiệu làng nghề truyền thống Đồng Kỵ.Bởi các làng nghề có thế mạnh là nghệ nhân chế tác ra những sản phẩm rất tỉ mỉ, nắn nót. Hiện nay, ngoài những sản phẩm mang đậm chất văn hoá dân tộc thì việc kết hợp hài hoà giữa kiểu dáng cổ kính với những yếu tố hiện đại, khắc họa đường nét hoa văn đặc sắc, mềm mại, sinh động, tinh tế đã và đang được in dấu trong tâm trí khách hàng. Hoà nhập nhưng không hoà tan đó chính là thành công mà làng nghề Đồng Kỵ đã và đang làm được. Đồ gỗ Mỹ nghệ Hướng Mai coi trọng cả “tốt gỗ và tốt nước sơn”, các sản phẩm được tạo từ các loại gỗ quý hiếm nhóm 1 như trắc, cẩm lai, mun, hương gụ,… có độ bền rất cao, giá trị còn mãi với thời gian. Những kiệt tác phương Đông theo lối giả cổ và những tác phẩm mang phong cách hiện đại.

Cùng với rất nhiều địa phương tiên phong trong việc phát triển tham quan du lịch để quảng bá hình ảnh, văn hoá làng nghề của mình, Đồ gỗ Hướng Mai cũng đã hiện thực hóa điều đó. Đến nay, làng nghề cũng đã đón hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc… đến tham quan và mua sắm.Thành công mà đồ gỗ Hướng Mai đạt được là mình có hướng đi đúng, tư duy đúng.Làng nghề truyền thốngphát triển để người dân có công ăn việc làm ổn định thì mình phải xuất khẩu được, điều đó không chỉ phát triển cho công ty Hướng Mai, đồ gỗ Đồng Kỵ mà đó cũng là phục vụ cho đất nước.

Chúng tôi tồn tại bằng khát vọng phát triển làng nghề truyền thống ngày càng thăng hoa bền vững. Đó cũng chính là lý do tôi tham gia chương trình CEO – Chìa khóa thành công của VTV1. Đến với chương trình tôi muốn khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp một lần nữa và khi nhắc đến Hướng Mai thì người ta nhớ đến làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ.

3-huong-mai-van-hoa-doanh-nhan

Bà Mai đang được hai chuyên gia trong chương trình CEO – Chìa khoá thành công VTV1 (chương trình do Đài Truyền hình Việt Nam và HoanggiaMediagroup với sự đồng hành của Tập đoàn Novaland thực hiện)

Vậy lời khuyên của bà đối với các bạn trẻ muốn khởi nghiệp theo con đường này?

Con người ta sinh ra đều có mục tiêu để sống và nhất là các bạn trẻ khi lập nghiệp đều nên vạch ra cho mình mục tiêu và vị trí của doanh nghiệp mình trong tương lai, làm thế nào để phát triển thương hiệu làng nghề, làm thế nào để phát triển công ty của mình lên, tạo công ăn việc làm cho những lao động chưa có ngành nghề hay định hướng công việc… Tôi nghĩ, muốn làm tốt thì mình phải đào tạo ngay từ con người và lấy con người làm gốc. Tôi đang ấp ủ xây dựng một trường học vừa dạy nghề, vừa dạy văn hoá và cả phật học bởi ngành nghề của tôi liên quan đến văn hoá, phong thuỷ, sâu về tâm linh, giúp khơi gợi tiềm thức của chính những người trực tiếp làm ra sản phẩm.

“Mệnh tự tâm tạo, tướng tự tâm sinh”, sinh mệnh của mỗi người nằm trong tay chính người đó, khởi nghiệp cũng vậy, không phải cứ có tài chính là làm được, cần hơn cả vẫn là một lãnh đạo có tâm và luôn mỉm cười trước mọi hoàn cảnh để được tâm an. Không làm điều ác, gắng làm điều lành, chỉ cần bạn làm được như thế thì vận may luôn đến với bạn, có thể trong cuộc sống hiện tại bạn gặp đôi chút trắc trở, nhưng hãy vững tin rằng, khi làm việc tốt lành thì tương lai bạn sẽ gặp điều tốt lành.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

PV