Gặp tôi, A Ngưi phấn khởi khoe: “Từ mồng Một Tết đến giờ em đón tầm 600 lượt khách vào Homestay, đón được hai, ba đoàn đi tour trekking rừng chị ạ! Giờ em mới khai trương thêm dịch vụ cà phê nữa!”.
Rồi như gặp được người có thể trút bầu tâm sự, chàng trai trẻ người Ba Na Đinh Văn Ngưi (A Ngưi) say sưa kể cho tôi nghe về câu chuyện làm du lịch trên chính quê hương Kbang của mình.
“EM ĐẾN VỚI DU LỊCH THẬT TÌNH CỜ. CÓ LẼ LÀ CÁI DUYÊN YANG (ÔNG TRỜI) SE CHỊ Ạ. VÀ KHI CÁI LỖ TAI ĐÃ SAY, CÁI BỤNG ĐÃ ƯNG THÌ ĐÔI TAY CŨNG KHÔNG CHỊU NGHỈ”.
Sinh năm 1982, tốt nghiệp Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, rồi về làm ở Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Kbang, tỉnh Gia Lai quê hương, A Ngưi vẫn chưa có cơ hội làm du lịch. Mặc dù ngày ngày đi về với biết bao cơ hội giao lưu, trải nghiệm, những cung đường mềm mại, tiếng sông suối róc rách và núi rừng ngút ngàn ăm ắp tiềm năng vẫn để lại nỗi lòng đau đáu, cứ rần rật chảy trong huyết mạch trái tim chàng trai trẻ. Và rồi, cơ duyên đến thật tình cờ khi một lần, A Ngưi được giao nhiệm vụ đón đoàn khách từ tận Hải Phòng vào thăm mà khách lại đòi thưởng thức những nét hoang sơ, nguyên vẹn nhất của địa phương. Phải làm sao để vừa lòng du khách, trong khi ở huyện hầu như chưa có dịch vụ gì, từ ăn nghỉ đến chỗ vui chơi giải trí.
Một kế hoạch lên rất nhanh, A Ngưi tham mưu với lãnh đạo thiết kế nhanh một tour “hoang dã” bao gồm đi rừng, thăm thác, tổ chức biểu diễn cồng chiêng và thưởng thức cơm lam, gà nướng bản địa. Tất cả các hoạt động đều do người địa phương trực tiếp thực hiện khiến du khách rất tâm đắc, say sưa. Khi ra về, khách còn khen và thưởng cao cho nghệ nhân cùng các thành viên tham gia phục vụ. Tuy nhiên, A Ngưi lại cảm thấy buồn vì quê hương Kbang vẫn còn rất nhiều tiềm năng lẽ ra có thể níu chân du khách lâu hơn, phục vụ khách được nhiều hơn. Từ sau lần tiếp khách đó, đã tiếp thêm động lực để Đinh A Ngưi đi đến quyết định táo bạo: Đầu tư vào du lịch. Song, vốn ở đâu trong khi thanh niên trẻ mới vào đời chưa có nguồn tích lũy, bố mẹ nghèo bao năm tháng nuôi con vất vả đâu có của để dành? Đành phải tự lực thôi, đầu tư bằng hai bàn tay và khối óc. Tay mình có thể làm ra của cải, vật chất, đầu mình có thể cân nhắc, đắn đo. Nội lực của mình chính là từ nền văn hóa Ba Na còn đậm nét, sự chịu thương chịu khó và kiến thức từ trường đại học cùng thực tiễn cuộc sống. Ngoài ra, còn tận dụng sức mạnh cộng đồng, tận dụng sự đoàn kết của chính đồng bào mình.
Để có thêm kinh nghiệm thực tế, A Ngưi khăn gói vào Nam ra Bắc, lên Đà Lạt (Lâm Đồng), Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), ra tận Mộc Châu (Sơn La) rồi Bản Lác (Hòa Bình), cao nguyên đá Hà Giang, các khu du lịch cộng đồng ở Lai Châu, vào cả trong miền Đông, miền Tây Nam Bộ quan sát, tìm hiểu cách làm du lịch của những người đi trước. Trở về địa phương, A Ngưi quyết định thiết kế tour trekking (đi bộ xuyên rừng) để tạo những đồng vốn ban đầu, lấy ngắn nuôi dài.
A Ngưi tâm sự: “Em hình thành tour đi bộ xuyên rừng chừng hơn chục cây số. Chỉ thế thôi để già trẻ và em bé cũng có thể tham gia với những hoạt động trải nghiệm độc đáo ngắm thác, tắm suối, bắt cá, mò cua, ăn rừng, ngủ lều đêm thưởng thức không gian yên tĩnh với những âm thanh độc lạ của núi rừng”.
Thiết kế tour rồi, A Ngưi lên mạng xã hội (Zalo, Facebook) giới thiệu, mời chào với tình cảm nồng ấm, thân thiện và giá cả phải chăng hấp dẫn, bao tour trọn gói từ đưa đón, ăn ngủ đến vui chơi, giải trí. Ban đầu chỉ vài người bạn thân quen, dần dần “tiếng lành đồn xa”, tour trekking của A Ngưi đã thu hút nhiều đoàn hơn, số người tham gia cũng ngày càng đông hơn. Ai mà cưỡng được lời thì thầm của gió núi mây ngàn đan xen tiếng cười giòn tan của thiếu nữ, tiếng ầm ào thác đổ và vang vọng của cồng chiêng mỗi mùa lễ hội?
Càng làm càng thấy thêm yêu mảnh đất quê hương, yêu nghề du lịch và ngành văn hóa mà mình đang gắn bó, A Ngưi tổ chức nhiều hoạt động phong phú với hình thức chuyên nghiệp hơn. Em tuyển dụng, xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên, tổ chức đội biểu diễn cồng chiêng người bản địa lên đến mấy chục người. Để tạo nên sức mạnh tổng hợp, A Ngưi đưa cộng đồng cùng đồng hành với mình, cùng làm cùng hưởng, phân chia, hướng dẫn bà con nhóm thì trồng rau nuôi cá, nhóm nuôi gà, nuôi heo phục vụ tại chỗ cho nhu cầu ẩm thực ngày càng đa dạng và khó tính của du khách. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vốn thu hút sự quan tâm của du khách bốn phương, A Ngưi quy tụ các nghệ nhân cao tuổi phục dựng lễ hội truyền thống, trình diễn cồng chiêng và tổ chức các nhóm làng nghề dệt vải thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, làm rượu cần… tạo ra những sản phẩm độc đáo, đặc trưng riêng có. Cần mẫn và kiên trì, dần dần, A Ngưi đã kiếm được nhiều tiền hơn, người dân trong vùng thu nhập ổn định, đời sống khấm khá hơn khi tham gia vào chuỗi hoạt động trong tour của A Ngưi.
CÓ TIỀN, A NGƯI NGHĨ ĐẾN VIỆC ĐẦU TƯ VÀO DỊCH VỤ ĂN NGHỈ. ĐẤT CHA MẸ CHO, TIỀN THÌ CÓ ĐẾN ĐÂU LÀM ĐẾN ĐẤY THEO KIỂU CUỐN CHIẾU. ĐẦU NĂM 2019, A NGƯI CHO RA ĐỜI HOMESTAY A NGƯI TẠI LÀNG K’GIANG, XÃ KÔNG LƠNG KHƠNG, HUYỆN KBANG.
Tiền lãi từ các chuyến đi tour, bán đồ lưu niệm, phục vụ ăn nghỉ, A Ngưi lại đầu tư mở rộng, xây mới nhà nghỉ, mua nhạc cụ và các đồ dùng cần thiết phục vụ du khách. Em tự bỏ công mua nguyên vật liệu, tự đi bốc đá, cát sỏi về để hoàn thiện công trình thêm rộng hơn, đẹp hơn. Nhu cầu của khách ngày càng tăng, A Ngưi quyết định vay ngân hàng để phục vụ “nghiệp lớn”. Đến nay, Homestay mang tên A Ngưi đã có 4 nhà sàn lớn, với khu bếp và 2 khu vệ sinh rộng sạch, 3 chòi lá, sân trình diễn cồng chiêng và bao quanh là ao thả cá, ruộng trồng rau trồng lúa nước vừa cung cấp cho nhu cầu ẩm thực vừa tạo cảnh quan sạch đẹp phục vụ kì nghỉ yên tĩnh, thơ mộng của khách vào các dịp lễ tết hoặc cuối tuần. Đến với Homestay A Ngưi, du khách được hòa mình vào thiên nhiên nên thơ hùng vĩ, hòa cùng tiếng cồng chiêng, tiếng đàn T’rưng réo rắt bên ngọn lửa bập bùng và thưởng thức các món ăn tươi ngon, tự nhiên, đậm đà cùng ché rượu cần nồng nàn của đồng bào. Đặc biệt, được nghe các nghệ nhân hát sử thi, thăm các làng nghề dệt thổ cẩm, đan đát, chế tác nhạc cụ, làm cung nỏ… Các hoạt động của A Ngưi cùng cộng sự ngày càng phong phú, hấp dẫn, người chưa đến thì muốn đến, khách đã đến rồi còn lưu luyến chẳng muốn rời xa.
Con tạo xoay vần. A Ngưi như con thoi giữa vòng xoay ấy, vừa lo việc cơ quan, làm tour, điều hành Homestay, phải bỏ đi những sở thích của riêng mình. Không được chơi bóng chuyền, không còn thời gian nhậu nhẹt, la cà như những người đàn ông khác. Con nhỏ cũng nhờ ông bà chăm bẵm, trông nom. Vậy mà cũng có người “ác khẩu”, bảo rằng chẳng biết A Ngưi chịu được mấy hồi, có người cho rằng em điên hoặc quá viển vông… Nhưng cũng từ khó khăn ấy đã A Ngưi mạnh mẽ hơn, những đam mê trong em chưa bao giờ nguội, bởi những chuyến đi, những chương trình mới đang chờ em mỗi ngày.
…Tháng Ba Tây Nguyên, về với A Ngưi Homestay, đi trên con đường gió hun hút thăm thẳm, nắng như rót mật xuống bạt ngàn cao su ngút mắt, ngắm những rừng hoa cà phê trắng muốt, không cảm xúc mới là lạ. Tôi hỏi em: “Dịch Covid có ảnh hưởng nhiều không em?”. “Có chứ chị. Hai năm qua, lượng khách giảm nhiều, có lúc phải giãn cách không hoạt động, chủ yếu là dịch vụ tại chỗ và bán hàng lưu niệm”.
Tôi chia sẻ với em, đây cũng là khó khăn chung của các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ, nhất là hoạt động du lịch trong hai năm qua. Và cũng hi vọng trong nhịp sống “bình thường mới”, du lịch nhanh chóng hồi sinh, để em tôi, Đinh A Ngưi tiếp tục cháy mãi đam mê trong hành trình khai thác tiềm năng bất tận của mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió này.
Em chợt đăm chiêu: “Mùa này mà lên Tây Nguyên tắm suối, bắt cá, hái rau rừng, tối đến đốt lửa trại, uống rượu sâm và ngân nga với cây đàn guitar thì còn gì bằng, chị nhỉ?”. Nhìn vào mắt em, tôi đọc được trong đó nghị lực, quyết tâm và niềm đam mê mãnh liệt của chàng trai trẻ. Bởi với em, chỉ cần còn hơi thở là còn có cơ hội, chỉ cần thật sự cố gắng là còn có hi vọng. Dù có trải qua ngàn lần vấp ngã và thất bại thì ngày mai vẫn tiếp tục cháy hết mình, mặc cho bàn chân giẫm đầy gai góc. Hãy luôn tiến về phía trước, kiên trì và nỗ lực hết mình!
Đinh A Ngưi, khát vọng của em không chỉ làm giàu cho bản thân, cho cộng đồng làng bản nơi em sinh sống. Mà rộng hơn, cao hơn là em muốn men say của rượu cần, sắc màu thổ cẩm và âm vang của tiếng cồng tiếng chiêng mãi mãi là hồn thiêng sông núi, là bản sắc riêng có của vùng đất Tây Nguyên huyền thoại.
Ảnh và trình bày: Thanh Hà
Nguồn: https://ngaymoionline.com.vn/khat-vong-a-ngui-31149-31149.html