đọc tin nhanh

Hôm nay (1/4), Quốc hội sẽ tiến hành bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội, thảo luận về báo cáo của Kiểm toán Nhà nước. Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng.

Bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội bằng bỏ phiếu kín

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, ngày 1/4/2021, buổi sáng, Quốc hội khóa XIV tiến hành các thủ tục bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội.

Sau đó, Quốc hội bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, các đại biểu sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội.

Trước đó, vào chiều 31/3, sau khi thông qua việc miễn nhiệm 3 Phó Chủ tịch Quốc hội đối với bà Tòng Thị Phóng, ông Uông Chu Lưu và ông Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình danh sách đề cử 3 nhân sự để Quốc hội bầu Phó Chủ tịch Quốc hội mới gồm:

– Ông Trần Thanh Mẫn – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

– Ông Nguyễn Khắc Định – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hoà;

– Ông Nguyễn Đức Hải – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.

Thảo luận về công tác nhiệm kỳ của Kiểm toán Nhà nước

Cũng trong sáng 31/3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán Nhà nước.

Báo cáo nhiệm kỳ của Kiểm toán Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, trong 5 năm qua, việc thực hiện kế hoạch kiểm toán đã đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng trong hoàn thiện cơ chế chính sách, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Ngày 1/4, bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội, trình miễn nhiệm Thủ tướng - Ảnh 2.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán Nhà nước vào ngày 25/3 (Ảnh: TTXVN)

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính gần 354.000 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật; báo cáo 2 vụ việc để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý.

Kiểm toán cũng cung cấp gần 500 hồ sơ, báo cáo kiểm toán cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan có thẩm quyền; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Nhiệm kỳ 2016 – 2021, số kiến nghị về xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đã được các đơn vị thực hiện là 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị. Ngoài ra, 136/786 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Chủ tịch nước trình miễn nhiệm Thủ tướng

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe và thảo luận về Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

Cuối buổi làm việc, Quốc hội nghe Chủ tịch nước trình bày Tờ trình về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ và thảo luận ở Đoàn về nội dung này.

Trước đó, trao đổi với báo chí, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.

Do thực hiện quy trình bầu đương kim Thủ tướng làm Chủ tịch nước nên theo tuần tự, ngoài việc miễn nhiệm Chủ tịch nước, còn phải còn miễn nhiệm Thủ tướng.

Nếu miễn nhiệm Chủ tịch nước trước rồi bầu Thủ tướng làm tân Chủ tịch nước thì khi ấy Thủ tướng sẽ phải trình Quốc hội miễn nhiệm chính mình. Vì vậy, Chủ tịch nước phải trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng, sau đó mới tiến hành các bước tiếp theo.

Theo VTV