đọc tin nhanh

Hôm nay (2/4), Quốc hội tiến hành việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Xuân Phúc trước khi miễn nhiệm Chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Phú Trọng.

Miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để giới thiệu bầu Chủ tịch nước

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, sáng 2/4, Quốc hội tiến hành thủ tục miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch nước báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội trước khi Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Do đó, Chủ tịch nước trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng trước, tránh trường hợp bầu Thủ tướng làm tân Chủ tịch nước thì khi ấy Thủ tướng sẽ phải trình Quốc hội miễn nhiệm chính mình.

Ngày 2/4, Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước và Thủ tướng - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp của Chính phủ (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sinh ngày 20/7/1954, quê quán xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Thủ tướng là Uỷ viên Trung ương Đảng các khóa X, XI, XII và XIII; Uỷ viên Bộ Chính trị các khóa XI, XII và XIII; đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII và XIV.

Trước giữ chức Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc từng đảm nhiệm các vị trí như: Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với phương châm “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân,” Chính phủ, Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp.

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc,” toàn Đảng, toàn quân và dân đã đồng lòng nhất trí, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Bỏ phiếu miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Ngày 2/4, Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước và Thủ tướng - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội vào tháng 10/2018. Ảnh VGP

Cũng trong sáng 2/4, Quốc hội tiến hành thủ tục miễn nhiệm Chủ tịch nước đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước. Sau đó, các đại biểu thảo luận ở Đoàn về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu trước khi Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước.

Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước và Quốc hội thảo luận ở Đoàn về nội dung trên.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/4/1944, quê quán xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư khóa XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII, IX, X, XI, XII, XIII; Thường trực Bộ Chính trị (8/1999 – 4/2001); Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa VII (từ 1/1994), VIII, IX, X, XI, XII, XIII; Chủ tịch nước (từ 10/2018); Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII; Bí thư Quân ủy Trung ương; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII, XIV.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ kết quả công tác nhiệm kỳ qua của Chủ tịch nước đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới.

Kết quả công tác nhiệm kỳ qua của Chủ tịch nước đã quan tâm giải quyết có hiệu quả những vấn đề quốc kế dân sinh và những vấn đề bức xúc trong xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; thúc đẩy quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Theo VTV