đọc tin nhanh

Trong chuyến đi thực tế làm phóng sự, tôi đã tình cơ gặp chị, ấn tượng lần đầu với tôi đó là một người phụ nữ có chút lạ kỳ. Có một sự “thu hút” khiến tôi phải tò mò, từ xa tôi quan sát chị đang tặng quà cho các cháu thiếu nhi trong chuyến thiện nguyện của chị, tiến đến gần tôi đã thật sự kinh ngạc và cảm phục.

Chị rất khác biệt, khác đến nỗi chị đã trở thành tâm điểm trong mắt của tôi, từ giọng nói cho đến khuôn mặt, giọng nói của chị không được rõ ràng, khuôn mặt hơi méo mó và dị dạng, có lẽ đã phẩu thuật rất nhiều lần bởi những vết sẹo to như sợi dây thừng vẫn còn lưu lại dấu tích quấn quanh cổ của chị.

buon-1

Chị Nguyễn Thị Thanh

Bất giác tôi cảm thấy đau nhói nơi cổ họng khi nhìn thấy hình ảnh đó, tôi liền hỏi mấy người bạn đi cùng chị. Chưa kịp dứt lời, ai cũng dành những lời lẽ đẹp nhất, khâm phục nhất khi nói về chị. Tuy có nhiều khiếm khuyết về ngoài hình, nhưng trong mắt mọi người chị luôn ngập tràn tấm lòng lương thiện, luôn xung phong đi đầu trong các chương trình thiện nguyện.

Ngoài dự kiến công việc, tôi đã thật nhanh đến làm quen và xin chị vài phút trò chuyện. Lúc ấy, chị bảo: “Chị nói em có nghe được không, có hiểu được không, vì chị nói ngọng…?”. Tôi từ tốn hỏi chị năm nay bao tuổi, chị làm gì, sao chị lại thích đi từ thiện trong khi chị không được may mắn và bình thường như những người khác…thậm chí tôi cũng tế nhị hỏi chị bị bệnh gì?

buon-5

Chị Thanh đại diện nhóm thiện nguyện ủng hộ tiền cho Chính phủ.

Chị nói: “Năm nay chị 47 tuổi, chị không có chồng, cũng không có con. Chị bị bệnh từ lúc mới lọt lòng. Chị được sinh ra trong một gia đình có bố là thầy giáo, mẹ là kĩ sư nông nghiệp, lúc mang thai chị mẹ không biết nên tự tay pha thuốc trừ cỏ để hướng dẫn bà con và đó chính là điều không may đã mang đến cho chị căn bệnh quái ác này. Đó là bệnh u máu và u bạch mạch sàn miệng. Chị được chính giáo sư Tôn Thất Tùng mổ năm 1976, mổ bóc tách được khối u thì chị hỏng luôn cái lưỡi. Và chị đã lớn lên với khuôn mặt méo mó, cái lưỡi luôn thè ra ngoài, rỉ máu và hôi hám…

buon-7

Chị Thanh trong một chuyến thiện nguyện

Chị Thanh lại tiếp tục kể: “Chị còn nhớ, đến năm 8 tuổi bố mẹ cho đi học, các bạn luôn vây quanh mình, tò mò và xem mình như một người từ hành tinh khác đến. Khi ấy, chị nhận thức được mình là một đứa trẻ dị biệt với bạn bè. Lúc ấy chị cũng chỉ biết khóc và khó thật nhiều. Năm học lớp 1, học được 3 tháng thì gia đình của chị xả ra biến cố, bố mẹ đưa chị về ở với ông bà nội cách nhà 80 km trên miền núi. Thế nhưng hành trình quay trở lại lớp học của chị cũng chẳng hề đơn giản, giáo viên không cho chị vào ngồi học trong lớp, chỉ được đứng ngoài cửa sổ để nhìn vào….mỗi tháng chị được đưa ra Hà Nội để điều trị tia lazer áp lạnh, đau đến đứt ruột, đến giờ mỗi khi nghĩ lại vẫn cảm nhận được cái đau đớn thấu xương ấy.

Cuộc sống cứ thế trôi qua, sống cùng căn bệnh đã trở thành một điều hiển nhiên chị phải chấp nhận, nhưng ý chí trong chị không bao giờ nguôi, chị lúc nào cũng nung nấu trong đầu phải kiếm thật nhiều tiền. Bởi vì chị không muốn tạo áp lực cũng như gánh nặng cho gia đình và xã hội, hơn hết khi có nhiều tiền chị sẽ giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn…

buon-9

Chị Thanh (áo đỏ) tặng quà cho đồng bào vùng cao tại Hoàng Su Phì – Hà Giang

Nghe từng lời nói ấy, chắc chắn không ai kiềm được nước mắt, trong tôi chợt dâng trào một cảm xúc khỏ tả, trái tim bỗng nhói đau, thương dùm cho những đớn đau của chị, muốn san sẻ một chút nhỏ thôi nhưng cũng thấy quặn thắt lòng. Tôi được biết, cho đến nay trong một năm chị Thanh phải đi viện từ 3 đến 4 lần, mỗi đợt trị liệu kéo dài 7 đến 10 ngày, quả thực rất tốn kém và chịu đựng nhiều nỗi đau xác thịt. Thế nhưng hình ảnh bé nhỏ ấy của chị lúc nào cũng toát lên một ánh mắt lạc quan, đầy sức sống và nghị lực. Với tôi, dù khuôn miệng có méo mó thế nhưng khi chị nở nụ cười, đó là nụ cười rất đời, rất tươi và chất chứa nhiều khát vọng.

buon-2

buon-3

Hai cơ sở chế biến hải sản của chị Thanh tại Nghệ An

Hiện tại chị Thanh đã tạo dựng cơ ngơi riêng, có một cơ sở nhỏ thu mua và chế biến hải sản. Cơ sở đã tạo công việc chính thức cho 8 lao động và một số người làm việc theo thời vụ, lúc ấy chị thuê thêm. Có lẽ đây là việc làm “phi thường” của một người vô cùng đặc biệt như chị Thanh. Thay vì xã hội phải nuôi chị, giờ đây ngược lại chị không trở thành gánh nặng, thậm chí còn giúp cho nhiều người có công ăn việc làm.

buon-16

buon-12

buon-4

Các hình ảnh chị ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt

Không chỉ kinh doanh giỏi, chị còn là một người rất yêu thích các công việc thiện nguyện, ngay cả khi bản thân bị khiếm khuyết, bệnh luôn thường trực trong người, nhưng có những nơi mà có thể nói không phải ai cũng đến, thậm chí có nhiều người cũng không biết được sự tồn tại của những vùng đất khó khăn ấy, vậy mà chị vẫn đến tận nơi và trao cho họ những món quà đầy giá trị nhân văn.

buon-8

Chị Thanh trong chuyến từ thiện tại Kỳ Sơn – Nghệ An

Chị đã rong ruổi làm thiện nguyện ở khắp nơi, từ miền Trung lũ lụt chị đi vào tận Phước Sơn, Nam Trà My, cho đến những khu vực miền Tây Bắc xa xôi, hẻo lánh như  Hoàng Su Phì, bản Keng Đu thuộc Nghệ An…nơi nào khó khăn nhất, chị Thanh cũng đã cùng đoàn thiện nguyện vượt qua và đến tận nơi.

buon-15

buon-13

buon-14

Chị Thanh cũng rất tích cực trong các hoạt động ủng hộ huyện nhà

Là một người khuyết tật nhưng số phận không bao giờ khiến chị gục ngã, thậm chí còn vươn lên mạnh mẽ, làm nhiều việc ý nghĩa cho đời. Con người khi sinh ra ai cũng mong muốn mình có một cuộc sống hạnh phúc và gặp nhiều may mắn. Tuy nhiên cuộc sống không có khái niệm hoàn hảo, không có gì là tuyệt đối, tất cả những hạnh phúc của đời người là do mình tạo ra.

Ông trời khi đã ban cho ta những điều không tốt đẹp chắc chắn ẩn chứa đằng sau đó là một điều kì diệu mà bạn không ngờ đến được. Có một câu nói hay mà tôi đã được chị Thanh truyền cảm hứng “Cuộc sống kì diệu lắm, hãy tận tâm và đến một ngày bạn sẽ nhận được những thứ mà bạn không thể ngờ tới”. Và tôi tin rằng đó cũng là cách mà chị Nguyễn Thị Thanh đã hiện thực hóa biết bao “bức tranh” đẹp cho đời.