đọc tin nhanh

Bị lừa bán hoa lan giả, anh Sự phải ôm món nợ gần 10 tỷ đồng. Trong khi đó, Suối Vân bị Công an huyện Yên Thủy (Hòa Bình) bắt giam vì lừa bán phong lan giả, chiếm đoạt 4,6 tỷ.

“Tôi đang đứng trên bờ vực vỡ nợ gần 10 tỷ đồng. Họ cho tôi xem hoa lan đột biến thật tại vườn nhưng khi mua thì lại giao những cây hoa thường”, anh Nguyễn Văn Sự (quê Vĩnh Phúc) rầu rĩ nói với phóng viên Zing.

Món nợ, theo anh, là hậu quả sau khi bị khoảng 4 chủ vườn lan đột biến lừa đảo.

Anh Sự chỉ là một trường hợp đơn lẻ trong số rất nhiều cá nhân có đơn trình báo gửi tới công an các địa phương thời gian gần đây. Họ đều có chung hoàn cảnh về việc bị lừa đảo thông qua hoạt động giao dịch hoa lan đột biến. Nhiều người “ôm” những khoản nợ khổng lồ, trong khi không ít người cũng vướng vòng lao lý khi lừa đảo bán hoa lan đột biến.

40 tỷ đồng cho một cây lan

Tháng 3/2021, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết trên địa bàn tỉnh diễn ra 2 vụ chuyển nhượng hoa lan đột biến, số tiền giao dịch lên đến hàng chục tỷ đồng. Cụ thể, tại xã Thuần Hưng (huyện Khoái Châu), 6 cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước được bán với giá 34 tỷ đồng. Còn Hội hoa lan Phố Hiến (ở TP Hưng Yên) ghi nhận con số kỷ lục khi một cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước được bán với giá 40 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 3, anh B.H.T. (chủ một vườn lan ở TP Hải Phòng) cho biết đã bán 5.000 con giống cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước với giá 250 tỷ đồng. Theo vị chủ vườn, người mua chấp nhận bỏ ra số tiền trên để mua hoa bởi giống lan đột biến này hoa nở đẹp, mùi thơm khác biệt.

Anh T. cũng cho hay trong vườn lan rộng 12 ha của mình có những giống hoa lan đột biến giá lên đến 30 tỷ đồng/cây.

Hiem hoa tu hoa lan dot bien anh 1

Bông hoa của cây lan đột biến mẹ có tên gọi Huyền thoại bướm đại ngàn. Ảnh: Chính Trương.

Trước đó, ngày 2/7/2020, cộng đồng chơi lan đột biến xôn xao về chậu lan có tên “Huyền thoại bướm đại ngàn”. Chủ nhân cây lan giải thích giống lan này có mặt hoa độc nhất vô nhị, hội tụ đầy đủ yếu tố của một bông hoa đột biến đẹp, chưa từng giống với bất kỳ bông hoa lan nào.

Sau đó, một mầm kie (mầm con phát triển từ mắt của cây mẹ) từ chậu lan đột biến trên được bán với giá 15 tỷ đồng.

Vỡ nợ vì ôm mộng làm giàu từ lan đột biến

Ngày 13/4, anh Nguyễn Văn Sự cho biết thông qua mạng xã hội và người quen, anh biết đến các vườn lan ở huyện Hoài Đức (Hà Nội), huyện Yên Thủy (Hòa Bình), huyện Chương Mỹ (Hà Nội), huyện Long Thành (Đồng Nai)…

Để chắc chắn, anh Sự trực tiếp đến các vườn để xem và bỏ ra nhiều tỷ đồng để mua các giống hoa lan đột biến. Tuy nhiên, anh vẫn bị lừa khi người bán giao hoa bình thường.

“Sau khi tôi bán lại hoa cho khách, nhiều người đã phản hồi và bắt đền tôi”, anh Sự nói về món nợ gần 10 tỷ đồng đang phải gánh.

Trước đó, ngày 8/1, Công an TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, đã ra thông báo truy tìm Nguyễn Tùng Dương (25 tuổi, quê huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) và Bùi Huy Hoàng (32 tuổi, quê Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) vì bị tố giác lừa đảo bán hoa lan đột biến.

Theo công an, 3 người dân ở tỉnh Gia Lai và một người ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trình báo Công an TP Pleiku về việc bị Dương và Hoàng lừa nhiều lần mua hoa lan với số tiền 984 triệu đồng.

Tiếp tục, khoảng tháng 8/2020, anh Hoắc Công Tưởng (Bắc Quang, Hà Giang) cho biết được một người tên Chung ở Phù Ninh, Phú Thọ, chào mua cây lan đột biến có tên “5 cánh trắng Phú Thọ” với giá 96 triệu đồng.

Sau khi quyết “xuống tiền”, anh Tưởng phát hiện cây lan của mình không hề đột biến như được quảng cáo.

Hiem hoa tu hoa lan dot bien anh 2

Cây lan “5 cánh trắng Phú Thọ” có giá 96 triệu đồng anh Tưởng bị lừa mua vào tháng 7/2020. Ảnh: Hoắc Công Tưởng.

Khi tìm hiểu, anh Tưởng mới biết người bán này cũng là nạn nhân vì ham giàu nên đã bị một nhóm lừa mua lan đột biến với tổng số tiền khoảng 7 tỷ đồng, sau đó phải bán tháo.

Còn anh Minh Đức (Sầm Sơn, Thanh Hoá) nhớ lại thời điểm năm 2020, khi mới chơi lan, anh đã vay mượn 50 triệu đồng mua một cây lan đột biến từ một người trên mạng.

Thế nhưng, sau khi nhận cây về, nhiều người nói rằng cây này không phải lan đột biến, anh Đức liền liên lạc lại với chủ cây thì số điện thoại đã khóa. “Sau này tôi mới biết, rất nhiều người cũng đã bị chủ cây này lừa như trường hợp của tôi”, anh nhớ lại.

Bị khởi tố, bắt giam vì lừa đảo

Ngày 8/9/2020, Công an huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, bắt tạm giam 4 tháng Bùi Văn Sỹ (sinh năm 1986, trú tại xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) để điều tra về hành vi lừa bán hoa lan đột biến, chiếm đoạt khoảng 2 tỷ đồng.

Đến tháng 12/2020, Công an huyện Tân Sơn (Phú Thọ) khởi tố bị can, bắt tạm giam Bùi Văn Điệp (24 tuổi), Đinh Văn Đô (21 tuổi) và Đinh Văn Sự (31 tuổi, cùng trú tại huyện Yên Thủy, Hòa Bình) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hiem hoa tu hoa lan dot bien anh 3

Bị can Tạ Thị Suối Vân. Ảnh: Công an Yên Thủy.

Theo công an, nhóm bị can này sử dụng phương thức tinh vi khi tách lan đột biến thật gắn vào gốc lan phi điệp thường bằng keo dán. Điệp, Đô và Sự đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng của nhiều người.

Gần đây, ngày 14/1, Công an huyện Yên Thủy (Hòa Bình) khởi tố bị can, bắt tạm giam Tạ Thị Suối Vân (29 tuổi, người địa phương) để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán hoa lan giả trên các trang mạng xã hội.

Tại cơ quan công an, người phụ nữ 29 tuổi khai vì thấy lợi nhuận trong việc mua bán lan đột biến quá lớn, bị can đã sử dụng nhiều trang mạng xã hội để rao bán loại hoa này.

Theo lời khai, Vân rao bán các loại phong lan đột biến như 5 cánh trắng HO, 5 cánh trắng Bạch Tuyết, 5 cánh trắng Phú Thọ, Hồng Yên Thủy… nhưng thực chất đều là cây phong lan bình thường. Trong một tháng, Vân đã chiếm đoạt 4,6 tỷ đồng tiền bán hoa phong lan giả.

Trao đổi với Zing ngày 13/4, trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội, cho biết cơ quan chức năng của thành phố đã tiếp nhận nhiều đơn trình báo lừa đảo liên quan việc mua bán hoa lan đột biến.

“Theo chỉ đạo của Bộ Công an, Công an Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương xác minh, điều tra”, tướng Trung nói và nhấn mạnh quá trình xác minh, cảnh sát sẽ căn cứ các quy định hiện hành để xử lý.

Tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), công an nơi đây đã tiếp nhận nhiều đơn trình báo liên quan việc mua, bán hoa lan đột biến.

“Khoảng 7-8 người gửi đơn trình báo, cơ quan công an đã cử cán bộ đi xác minh để làm rõ”, thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ, Trưởng công an huyện Hoài Đức, nói.

Công an cảnh báo tội phạm lừa đảo thường dựng lên giao dịch ảo, dàn cảnh nhiều người từ các nơi về đầu tư hoa lan đột biến để đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh của người dân.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, mặt hàng trước khi mua để tránh bị kẻ gian lợi dụng.

Theo Zing News