đọc tin nhanh

Điều chúng ta cần phải làm lúc này không phải là chửi bới, phẫn nộ, bức xúc với Thơ Nguyễn và kênh của cô ấy. Chúng ta có thể làm cách khác.

Liên tục mấy hôm nay, tôi nhận được yêu cầu khẩn thiết từ các bậc cha mẹ muốn tôi lên tiếng về clip cho búp bê uống nước ngọt xin “vía” học giỏi của youtuber Thơ Nguyễn. Hẳn là clip ấy hot nhờ những lượt share thế này. Liệu clip đó gây hại cho lũ trẻ thật không hay nó chỉ đang gây bức xúc cho chính các bậc cha mẹ?

Tôi đã xem và đồng ý rằng clip này phản cảm, phản giáo dục. Là bố của 3 đứa trẻ, tôi cũng sẽ như các bậc phụ huynh: Ngăn cấm con mình xem clip này ngay và luôn. Làm sao mà lại để lũ trẻ mê tín dị đoan thế được? Lũ trẻ sẽ không chịu học hành tử tế nữa khi biết rằng chị Thơ Nguyễn học giỏi là nhờ xin “vía” búp bê chỉ bằng nước ngọt.

Nhưng từ từ đã nào, tại sao nhiều cha mẹ phẫn nộ và bức xúc đến vậy? Vì nó truyền bá mê tín dị đoan hay từ lâu cha mẹ đã ghét Thơ Nguyễn rồi, nhân vụ này mọi người mới đùng đùng nổi giận?

Thơ Nguyễn không phải là một nhà sư phạm hay chuyên gia giáo dục. Tất cả những clip trên kênh Thơ Nguyễn toàn xúi trẻ em đi mua đồ chơi và làm những trò vô bổ. Bao nhiêu đứa trẻ xin tiền cha mẹ đi mua đồ chơi mà chị Thơ Nguyễn đã giới thiệu? Và bao nhiêu đứa trẻ giống như bạn của con gái tôi, lớp 2, ăn cắp tiền của cha mẹ để đi mua món đồ chơi chị Thơ Nguyễn bảo vui lắm?

“Bức xúc không làm ta vô can”- anh Đặng Hoàng Giang đã viết vậy. Bức xúc về Thơ Nguyễn không khiến các cha mẹ vô can trong việc con mình bị ảnh hưởng bởi Thơ Nguyễn. Bởi trên Youtube hay Tiktok, mạng xã hội của lũ trẻ, như Thơ Nguyễn có đến hàng chục, hàng trăm thậm chí hàng nghìn.

Chỉ là Thơ Nguyễn nổi nhất, dễ thấy nhất. Bằng chứng là Thơ Nguyễn không dạy trẻ thắt cổ tự tử, vậy mà cũng có những đứa trẻ đã tự thắt cổ mình đấy thôi. Nhưng Thơ Nguyễn không phải là kênh Youtube, Tiktok lành mạnh, chắc chắn. Chẳng cha mẹ nào, cả tôi, muốn con mình xem.

Vụ 'búp bê Kumanthong' của Thơ Nguyễn: Bức xúc không làm phụ huynh vô can
Nhà văn Hoàng Anh Tú

Nhưng làm sao để ngăn con xem những kênh vô bổ, nhảm nhí và gây hại? Nhiều cha mẹ còn không nhận ra việc con cái xem những kênh đó gây hại cho con thế nào.

Nó không giống như bóng cười, shisha hay những kẻ đồi bại xâm hại, bạo hành con cái chúng ta. Nó chỉ giống những trò vô thưởng vô phạt như điệu múa quạt của Khá Bảnh. Nó gây hại từ từ giống như khói thuốc lá mà nhiều người cha (và cả người mẹ) hút bên cạnh con (nhưng lại cấm con hút thuốc).

Nó gây hại chút một như việc cho con uống nước ngọt thả ga, như việc cha mẹ trước mặt con vẫn chửi tục khi tham gia giao thông trên đường, như đèo con vượt đèn đỏ, trước mặt con đút lót cho thầy cô, cảnh sát giao thông vậy…

Có quá nhiều mối nguy hại mà chính cha mẹ đã tạo ra chứ không chỉ riêng những gì Thơ Nguyễn đang làm. Một lần nữa, tôi đồng ý, Thơ Nguyễn không tạo ra giá trị nào trong việc giáo dục tích cực cho các con chúng ta.

Vậy thì làm cha mẹ chúng ta phải làm sao khi con xem kênh Thơ Nguyễn? Cấm đoán ư? Tôi đã từng ra hàng trăm lệnh cấm để rồi các con tôi muốn gì sẽ xin mẹ, xin ông bà vì xin bố thế nào bố cũng rao giảng cho một bài. Bao nhiêu ông bố bà mẹ giống tôi chỉ ra lệnh cấm mà không giúp con hiểu vì sao không nên xem?

Phải, thứ chúng ta cần phải làm lúc này không phải là chửi bới, phẫn nộ, bức xúc với Thơ Nguyễn và kênh của cô ấy. Chúng ta có thể làm cách khác, tốt hơn là những status chửi bới đang đầy rẫy trên mạng. Ta chửi một ai đó không khiến họ chết được đâu. Là ta uống thuốc độc và mong kênh Thơ Nguyễn chết. Ta sẽ cho con thấy ta chửi giỏi thế nào chăng? Con chúng ta sẽ học được điều gì từ những sự phẫn nộ này của chúng ta?

Đầu tiên, tôi vẫn cho rằng bắt đầu từ chính các thầy cô, những người mà lũ trẻ chắc chắn yêu mến hơn chị Thơ Nguyễn của chúng, sẽ phải là người vào cuộc. Các nhà sư phạm, các chuyên gia tâm lý trẻ em, các nhà quản lý, uỷ ban bảo vệ chăm sóc phụ nữ – trẻ em, hội bảo vệ trẻ em… cũng phải vào cuộc. Bằng chuyên môn của mình, hãy xây dựng căn cứ để chính cha mẹ có thể biết cách trả lời con vì sao clip này sai trái, tại sao không nên xem kênh Thơ Nguyễn cũng như hàng trăm kênh tương tự.

Covid-19 đã làm thay đổi đi nhiều thứ, trong đó có cả quan niệm cha mẹ phải lôi kéo con ra khỏi smartphone, tivi, máy tính. Làm sao mà chia tách con ra khỏi những thứ đó khi mà học online đã trở thành xu hướng bắt buộc trong mùa Covid này?

Rồi sự phát triển của công nghệ trong tương lai, cách mạng 4.0 hay 5G đã và đang yêu cầu các cha mẹ phải cho con sử dụng smartphone sớm. Thế nên, bố mẹ đừng cấm cản nữa, hãy đồng hành. Hãy cùng con trưởng thành chứ không chỉ ngồi đó ra lệnh cấm hay chỉ tay bắt con phải làm cái này không được làm cái kia. Chúng ta, các bậc cha mẹ phải cùng con trưởng thành.

Hãy cùng con trưởng thành bằng việc đầu tiên, cùng ngồi xem với con đi. Hãy biết con mình đang xem gì, vì sao con xem để hiểu con trước khi chỉ cho con biết con làm vậy là đúng hay sai. Thậm chí, hãy học theo Thơ Nguyễn, hấp dẫn con mình như Thơ Nguyễn để không làm những gì Thơ Nguyễn làm mà gây hại cho con mình.

Thơ Nguyễn hiện tại là một người phát triển Yotube bằng mọi giá mà không quan tâm đến ảnh hưởng cô ấy có thể tạo ra cho các con. Cô ấy muốn bán được thật nhiều hàng, kiếm được thật nhiều tiền nhờ lượt view.

Cô ấy giống như nhiều quảng cáo đang ra rả trên truyền hình về sức mạnh của sản phẩm có thể khiến người ta cao lớn vượt trội, có sức mạnh vô địch, trở thành kẻ dẫn đầu hay ảo tưởng về sản phẩm bất chấp các nhà dinh dưỡng khuyến cáo về việc không nên sử dụng nước ngọt có ga hay ăn mỳ gói quá nhiều.

Cuối cùng, tôi không tin kênh Thơ Nguyễn sẽ còn phát triển được nữa nếu như đứa trẻ nào ở Việt Nam cũng luôn có bố mẹ ở bên chúng, hấp dẫn hơn chị Thơ Nguyễn của chúng và khiến chúng bật cười mỗi lúc bên cạnh cha mẹ.

Làm được điều đó đi rồi ta sẽ bàn đến chuyện dẹp bỏ rác rưởi đang trôi nổi trên Youtube, TikTok hay bất cứ một mạng xã hội nào khác sau này.

Theo Vietnamnet