Đó là kiến nghị của luật sư Nguyễn Thế Phong (Đoàn Luật sư tỉnh Long An) tại cuộc họp mới nhất với Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Long An. Kiến nghị này là có căn cứ, bởi Phán quyết trọng tài (PQTT) số 29/12 ngày 25-4-2013 kéo dài hơn 9 năm qua không thi hành được vì có nhiều “lỗ hổng”. Quan trọng hơn, phía nguyên đơn đã “lờ đi” PQTT, quyết đòi chia 130 héc-ta đất.
Hàng chục cuộc họp thi hành án, vẫn bế tắc
Ngày 29-4-2022, Cục THADS tỉnh Long An tổ chức cuộc họp, do Cục trưởng Bùi Phú Hưng chủ trì, giải quyết thi hành án (THA) theo PQTT vụ tranh chấp thỏa thuận khung liên quan đến dự án Khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa tại huyện Đức Hòa, Long An (gọi tắt là “Dự án”), do Công ty cổ phần Địa ốc Hồng Phát (gọi tắt là Công ty Hồng Phát) làm chủ đầu tư.
Cũng như nhiều cuộc họp giải quyết THA trước đó, giữa Công ty Hồng Phát (bên phải THA) và Công ty China Policy Limited (gọi tắt là Công ty CPL, bên được THA) luôn có quan điểm đối lập, mâu thuẫn gay gắt. Dù hai bên như “nước với lửa”, chưa bao giờ tìm được tiếng nói chung, nhưng Cục trưởng Bùi Phú Hưng tiếp tục yêu cầu: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày 29-4-2022, Công ty Hồng Phát và Công ty CPL có trách nhiệm thỏa thuận, tiến hành các thủ tục cần thiết để xin các cơ quan có thẩm quyền thành lập công ty liên doanh (CTLD) theo PQTT”.
Một góc dự án
Trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM sáng 08-6-2022, Phó tổng giám đốc (TGĐ) Công ty Hồng Phát Thái Thị Hồng Hậu cho biết: PQTT đã được tuyên hơn 9 năm, Cục THADS tỉnh Long An tổ chức THA từ ngày 01-10-2014 kéo dài đến nay đã hơn 7 năm 6 tháng. Thế nhưng, việc thành lập CTLD vẫn bế tắc bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân sâu xa xuất phát từ Công ty CPL đã tự “lờ đi” PQTT, tuyên bố việc lập CTLD không còn khả thi, rồi liên tục đòi chia 130 héc-ta đất, cắt ra từ phần diện tích 232,66 héc-ta của dự án đã được UBND tỉnh Long An cấp 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng cho Công ty Hồng Phát.
Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, Công ty Hồng Phát tuân thủ theo yêu cầu của ông Cục trưởng, chờ thêm 30 ngày, hy vọng Công ty CPL sẽ có từ bỏ yêu cầu đòi chia 130 héc-ta đất trái pháp luật, để hai bên tiếp tục đàm phán, thỏa thuận thành lập CTLD. Thế nhưng đã hơn một tháng trôi qua, Công ty CPL vẫn “im lặng” nên ngày 31-5-2022, Công ty Hồng Phát có Văn bản báo cáo số 32/CV-CPHP.22 gửi Cục THADS tỉnh Long An.
Hậu quả của hai lệnh “cấm vận” khiến dự án đình trệ nhiều năm
“Một cổ hai tròng”, chồng chất thiệt hại
Kèm theo Văn bản số 32/CV-CPHP.22 dài 12 trang, Phó TGĐ Thái Thị Hồng Hậu trình bày: Hợp tác đầu tư dự án giữa Công ty Hồng Phát với Công ty CPL đã bị dừng lại ở thỏa thuận khung (thực chất là biên bản ghi nhớ, được hai bên ký ngày 01-6-2007), do Công ty Hồng Phát phát hiện Công ty CPL gian dối, cố ý đưa dự án lên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong trái pháp luật để trục lợi cùng nhiều hành vi bất minh khác. Giữa Công ty Hồng Phát và Công ty CPL xảy ra nhiều mâu thuẫn không thể hóa giải. Bằng sự thiện chí, Công ty HP muốn giải quyết vụ việc êm xuôi, hoàn trả lại khoản tiền mà Công ty CPL đã tạm ứng cho dự án khi hai bên không tiếp tục hợp tác.
Công ty CPL không chấp thuận, phát đơn tố cáo Công ty Hồng Phát “chiếm đoạt tài sản”. Vào cuộc làm rõ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có Văn bản số 148/C16-P4 ngày 01-4-2010, kết luận: Công ty Hồng Phát không có hành vi chiếm đoạt. Tranh chấp giữa Công ty Hồng Phát và Công ty CPL là “tranh chấp kinh tế dân sự”.
Tố cáo vu khống nhằm hạ bệ chủ đầu tư bất thành, Công ty CPL đã tự biến mình thành “đối nghịch” với Công ty Hồng Phát. Trong khi mâu thuẫn lên đỉnh điểm thì Công ty CPL lại muốn “nối lại tình xưa” nên khởi kiện, yêu cầu thành lập CTLD “Hồng Phát – CPL” và đã có được PQTT “như ý”.
Máy móc, phương tiện không thể thi công
Theo sát vụ tranh chấp hơn 12 năm qua, Chuyên đề Báo Công an TPHCM đã phân tích, chỉ rõ PQTT có ít nhất 5 điểm sai. Trong đó, sai nghiêm trọng nhất của PQTT là cưỡng buộc hai doanh nghiệp thành lập CTLD, vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp về quyền tự do kinh doanh nên kéo dài nhiều năm, không thể thi hành.
Từ khiếu nại của Công ty Hồng Phát, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp vào cuộc, có Văn bản báo cáo số 123/BC-BTP ngày 04-6-2018, kết luận 2 điểm mấu chốt: PQTT rất khó để tổ chức thi hành trên thực tế. Theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật khác có liên quan, việc thành lập CTLD phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (kể cả cơ quan THADS) không thể thực hiện thay. Không có cơ sở để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản của Công ty Hồng Phát theo Điều 71 Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
Văn bản này đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua và có chỉ đạo cụ thể tại Văn bản 8248/VPCP-V.I ngày 31-8-2018: “Nếu có tranh chấp về góp vốn và bồi thường thiệt hại trong việc thực hiện Thỏa thuận khung giữa hai công ty, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Viện KSND Tối cao, UBND tỉnh Long An hướng dẫn các công ty khởi kiện tại Tòa án nhân dân để giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật”.
Từ hai Văn bản số 123 và 8248 nêu trên cùng với thực tế đã diễn ra, ngày 05-10-2018, Cục trưởng Bùi Phú Hưng ký Văn bản số 458/CV-CTHADS gửi TAND TPHCM (nơi công nhận PQTT “5 sai”), xác định: Cục THADS tỉnh Long An không thực hiện được PQTT; kiến nghị TAND TPHCM có hướng dẫn xử lý, thông báo với các đương sự thực hiện các quyền của mình theo quy định của pháp luật.
Phía Công ty CPL có lẽ đã nhận ra “lỗ hổng” của PQTT nên tự vô hiệu hóa, không THA, rồi lái vụ tranh chấp sang hướng khác. Cụ thể, Công ty CPL gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan, xác định: “Mâu thuẫn giữa Công ty CPL và Công ty Hồng Phát kéo dài, không thể tháo gỡ” và “Công ty CPL không còn một chút niềm tin với Công ty Hồng Phát”, nên việc thành lập CTLD là không còn khả thi. Từ đó, Công ty CPL ra yêu sách đòi chia 130 héc-ta đất của Công ty Hồng Phát để Công ty CPL thực hiện dự án riêng mang tên “Saigon Beverly Hills”.
Công ty CPL một mực khẳng định chia đất là giải pháp duy nhất để giải quyết triệt để và dứt điểm tranh chấp. Để đạt được mục đích chia đất, Công ty CPL tìm cách chống phá dự án quyết liệt. Cụ thể, lấy lý do thi hành PQTT, Công ty CPL yêu cầu phong tỏa, làm tê liệt dự án.
Trợ giúp pháp lý cho Công ty Hồng Phát, luật sư Nguyễn Thế Phong nêu quan điểm: Đối tượng THA theo PQTT không còn phù hợp theo pháp luật Việt Nam nên không thể THA. Do đó, Cục THADS tỉnh Long An ban hành văn bản chấm dứt hiệu lực đối với QĐ số 07 và đình chỉ việc THA. Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Minh Tường (Công ty Luật Phan Nguyễn, TPHCM) cho rằng ý chí của Công ty CPL là chia đất làm dự án riêng. Cục THADS tỉnh Long An đã rõ ý chí của Công ty CPL nên phải đình chỉ THA. Việc Cục THADS tỉnh Long An ép buộc hai bên thành lập CTLD, trong khi bên được THA đã tuyên bố “không còn khả thi” là trái với ý chí của Công ty CPL, vi phạm quy định của pháp luật về THADS.
Bà Hậu bức xúc: “Công ty Hồng Phát có đủ căn cứ để chứng minh Cục THADS tỉnh Long An thiếu kiên quyết, thực hiện theo yêu cầu trái pháp luật của Công ty CPL, ban hành hàng loạt văn bản theo kiểu “sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng”, vi phạm pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Rõ nhất là Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18-12-2018 (gọi tắt là QĐ số 07) “ngăn chặn toàn bộ 232,66 héc-ta đất của Công ty Hồng Phát”. Rõ ràng, QĐ số 07 đi ngược lại với chỉ đạo của Bộ Tư pháp, vượt khỏi phạm vi THA, bởi PQTT không yêu cầu xử lý tài sản của Công ty Hồng Phát”.
Cũng theo yêu cầu của Công ty CPL, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã ra lệnh tạm dừng triển khai dự án trong 60 ngày bằng Văn bản số 82/BB-UBND ngày 13-11-2019. Tính đến nay, QĐ số 07 ban hành đã hơn 3 năm 5 tháng; Văn bản số 82/BB-UBND kéo dài hơn 2 năm 6 tháng. Cả hai lệnh này đang được duy trì, khiến dự án bị “cấm vận” toàn diện, chủ đầu tư phải chịu “một cổ, hai tròng”. Tính đến giữa tháng 5-2022, Công ty Hồng Phát đã gánh chịu thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng từ QĐ số 07; hơn 19 tỷ đồng từ Văn bản số 82/BB-UBND và con số này tăng lên từng ngày.
Khẩn trương giải cứu dự án ngàn tỷ
Đại diện chủ đầu tư lên tiếng: Với hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư vào dự án, ngày từng ngày Công ty Hồng Phát oằn mình gánh chịu thiệt hại. Hơn ai hết, Cục THADS tỉnh Long An đã nhận ra cả hai lệnh “cấm vận” nêu trên không nhằm để thi hành PQTT mà phục vụ cho ý đồ chia đất hoàn toàn trái pháp luật của Công ty CPL.
Công ty Hồng Phát đưa ra 6 kiến nghị khẩn cấp để “giải cứu” dự án, được ghi đầy đủ vào biên bản cuộc họp ngày 29-4-2022 và trình bày chi tiết trong Văn bản số 32/CV-CPHP.22. Cụ thể: Thứ nhất, Cục THADS tỉnh Long An ban hành quyết định xử lý Công ty CPL về hành vi không THA theo đúng quy định của Luật THADS; ngăn chặn Công ty CPL lợi dụng việc thi hành PQTT để chống phá dự án, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Công ty Hồng Phát.
Thứ hai, Cục THADS tỉnh Long An khẩn trương ban hành quyết định “đình chỉ THA” đối với PQTT với những lý do đã được phân tích, chỉ rõ trong VB số 32/CV-CPHP.22. Thứ ba, Cục THADS tỉnh Long An kiến nghị Bộ Tư pháp xử lý đối với VB số 123/BC-BTP ngày 04-6-2018. Văn bản này được Thủ tướng Chính phủ thông qua và có chỉ đạo cụ thể tại Văn bản số 8248/VPCP-V.I ngày 31-8-2018.
Thứ tư, trên cơ sở Văn bản số 458/CV-CTHADS ngày 05-10-2018 của Cục THADS tỉnh Long An và diễn biến THA tiếp theo, Cục THADS tỉnh Long An tiếp tục có văn bản gửi TAND TPHCM và các cơ quan chức năng, tìm biện pháp xử lý khi PQTT không thể thi hành được. Thứ năm, Cục THADS tỉnh Long An ban hành văn bản chấm dứt thực hiện QĐ số 07. Nếu tiếp tục duy trì QĐ số 07 thì Cục THADS tỉnh Long An phải tiến hành xử lý các bước tiếp theo đối với khối tài sản của Công ty Hồng Phát theo Điều 69 Luật THADS và quy định của pháp luật hiện hành, nhằm tránh gây thêm thiệt hại chồng chất cho chủ đầu tư dự án.
Thứ sáu, Cục THADS tỉnh Long An kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Long An kiêm Trưởng Ban chỉ đạo THADS tỉnh khẩn trương thu hồi Văn bản số 82/BB-UBND, tạo điều kiện cho Công ty Hồng Phát tiếp tục triển khai dự án theo Luật Đầu tư và các quy định pháp luật liên quan.
Theo https://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/can-go-bo-cam-van-chu-dau-tu-dinh-chi-thi-hanh-an_132464.html