Nhiều đại gia Việt đổ tiền vào lĩnh vực nông nghiệp với tham vọng dài hơi, bền bỉ xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, thế mạnh của Việt Nam và không nghĩ tới việc kiếm tiền trong ngắn hạn.
CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam – Vinaseed (NSC) của ông Nguyễn Duy Hưng đã hợp tác với siêu thị Vinmart của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang về việc phân phối sản phẩm gạo ngon nhất thế giới ST25 trong hệ thống Vinmart và Vinmart+ trên toàn quốc.
Gạo ST25 của Sóc Trăng được lai tạo và nhân rộng từ năm 2010, nay được sản xuất rộng rãi tại khu vực ĐBSCL. Sản phẩm gắn liền với tên tuổi của Kỹ sư Hồ Quang Cua và được công nhận là gạo ngon nhất thế giới năm 2019.
Đây không chỉ là giống lúa thơm nổi tiếng của vùng đất Sóc Trăng mà còn là giống cao sản có thể trồng 2-3 vụ/năm, trong khi gạo thơm Thái Lan là lúa mùa dài ngày chỉ trồng được 1 vụ/năm.
Sau 10 năm, sản phẩm gạo ngon nhất thế giới ST25 đã được phân phối rộng rãi đến người tiêu dùng trong nước nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của ông Nguyễn Duy Hưng và nay là tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.
Gạo ngon nhất thế giới, ST25, sắp tới sẽ được phân phối trong hệ thống Vinmat, Vinmart+ |
Bài toán xây dựng thương hiệu gạo Việt và không để người Việt phải ăn gạo ngoại phần nào được giải quyết. Việc thay đổi tư duy sản xuất lúa gạo đã được những tập đoàn lớn, doanh nhân có uy tín trên thị trường rốt ráo thực hiện.
Cũng sau gần thập kỷ, ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) – Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) – đã ghi nhận những thành công trong lĩnh vực nông nghiệp.
Là người xây dựng được doanh nghiệp nền tảng cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Với hàng tỷ USD đổ vào lĩnh vực nông nghiệp trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, giờ ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã thở phào nhẹ nhõm. Nhiều mảng nông nghiệp được chuyển lại cho chủ mới, doanh nghiệp của ông cũng có cổ đông chiến lược mới, thoát cảnh nợ nần. Ông chia sẻ sẽ tiếp tục theo đuổi mảng nông nghiệp với tham vọng xây dựng một đế chế nông nghiệp Việt nổi bật ở Đông Nam Á.
Hai năm sau thỏa thuận được HAGL và Thaco ký kết, HAGL Agrico đang có triển vọng hơn bao giờ hết. Đây là doanh nghiệp có quỹ đất khổng lồ tại Đông Dương và tiềm năng của HALG Agrico là lý do khiến tỷ phú Trần Bá Dương đồng ý rót tiền hỗ trợ Bầu Đức.
Tổng cộng, khoảng 1 tỷ USD được ông lớn ngành ô tô Việt Nam đổ vào các doanh nghiệp của Bầu Đức, mà phần lớn là nông nghiệp.
Trước đó, không ít lời đồn đại cho rằng, ông Trần Bá Dương sẽ thâu tóm công ty nông nghiệp của Bầu Đức. Tuy nhiên, những lời tâm huyết của Bầu Đức cho thấy đây là một sự hợp tác hoàn toàn theo mong muốn và cái tâm của hai phía.
Bền bỉ tính kế lâu dài
Lâu nay, việc đổ tiền vào lĩnh vực nông nghiệp không hề dễ dàng và cho lợi nhuận cao, mà đây là phương án đầu tư thường mang tính dài hơi, khó có thể kiếm tiền trong ngắn hạn. Đầu tư vào nông nghiệp thường đòi hỏi sự bền bỉ.
Trao đổi với báo chí, ông Đoàn Nguyên Đức cho hay, sau thời gian dài vướng nợ nần và ở thế bị dồn vào chân tường, ông phải đến cầu cứu đến ông Trần Bá Dương, hy vọng Thaco sẽ đầu tư vào Agrico để công ty có tiền trả nợ ngân hàng và tiếp tục sống sót. Ban đầu, ông Trần Bá Dương khá ngần ngại, nhưng sau khi theo ông Đức đi thăm vùng trồng rộng bao la bát ngát của Agrico, Chủ tịch Thaco đã đổi ý.
Bầu Đức chia sẻ nhờ đó mà HAGL Agrico thoát khỏi vòng luẩn quẩn vì nợ nần. Không chỉ giải quyết phần ngọn, quyết định được ông Đức cho là sáng suốt này còn giúp doanh nghiệp nông nghiệp hàng đầu tại Việt Nam kinh doanh hiệu quả và có tiền đầu tư phát triển.
Sau đợt phát hành cổ phiếu đầu năm 2021, cơ cấu các nhóm cổ đông của Agrico là: Thaco Group và gia đình ông Trần Bá Dương 63,08%; HAGL Group 26,82%; các cổ đông khác 10,1%.
Tới thời điểm này, cả hai doanh nhân Đoàn Nguyên Đức và Trần Bá Dương đều có một điểm giống nhau là thành công trong lĩnh vực khác và chuyển hướng sang nông nghiệp, rất tâm huyết với lĩnh vực này.
Nhiều doanh nhân Việt đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. |
Tỷ phú thép Trần Đình Long năm qua cũng gây ấn tượng khi đầu tư mạnh vào nông nghiệp.
Khởi nghiệp và thành công nhờ thép, Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long ngày càng khẳng định được vị trí dẫn đầu trong ngành khi sản xuất xuất thép thô đạt 5,8 triệu tấn, gấp đôi 2019 và thị phần tăng lên 32,5%.
Tuy nhiên, HPG cũng ghi nhận tăng trưởng ngoạn mục trong nông nghiệp và trở thành một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực mới. Thị phần bò Úc chiếm 50%, trứng gà sạch đạt sản lượng 700.000 quả/ngày, góp mặt trong những doanh nghiệp hàng đầu về chăn nuôi heo với gần 400.000 con (gồm cả heo thịt và heo giống).
Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết đang tính xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao tại Đầm Hà, Quảng Ninh.
Masan của ông Nguyễn Đăng Quang 2 năm qua rất thành công khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tăng trưởng doanh thu của Masan được thúc đẩy bởi mảng kinh doanh thịt (Masan MEATLife, MML) với thương hiệu thịt mát MeatDeli. Năm qua, mảng thịt lợn của Masan thắng lớn. MML ghi nhận doanh thu đạt hơn 16,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước.
Tập đoàn T&T của Bầu Hiển cũng lặng lẽ bước vào lĩnh vực nông nghiệp, đem về nghìn tỷ. T&T xuất hiện trong vai trò là cổ đông chiến lược của nhiều doanh nghiệp Nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa hoặc thoái vốn. Hiện tập đoàn sở hữu chi phối hàng loạt thương hiệu ngành nông nghiệp như Vigecam, Vinafor, Vegetexco, Unimex, Vinafood…
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn, bài bản, đảm bảo chất lượng,… là hướng đi tất yếu, khó thay đổi. Có thể thấy, nhiều doanh nhân Việt bắt đầu nghĩ tới những sản phẩm nông sản Việt có giá cao và được xuất đi khắp nơi trên thế giới. Thành công này không chỉ của các tập đoàn, các doanh nhân chấp nhận đi đầu và đầu tư dài lâu cho nông nghiệp, mà còn là thành công của nông dân.
Trên thực tế, đầu tư vào nông nghiệp gặp rất nhiều rủi ro. Như trường hợp Bầu Đức, Hoàng Anh Gia Lai là một tập đoàn bất động sản lớn. Thế nhưng, vì khát khao đi tiên phong và không cưỡng được sức hút của cây cao su nên ông dốc lòng đầu tư cho lĩnh vực này.
Với ông Trần Bá Dương, nông nghiệp là lĩnh vực trái tay. Tuy nhiên, bị thuyết phục bởi Bầu Đức và triển vọng của ngành nông nghiệp Việt Nam, Thaco đã quyết định rót cả chục ngàn tỷ đồng vào nông nghiệp. Trong khoảng 10 năm qua, ông Đoàn Nguyên Đức và HAGL, hay nhiều doanh nghiệp khác, đã đổ rất nhiều tiền vào nông nghiệp, song lợi nhuận không thể thu hồi về nhanh, rủi ro cũng rất cao.
Sự hỗ trợ và vào cuộc của các ngân hàng, các tập đoàn đã cứu được một doanh nghiệp nông nghiêp lớn. Năm 2017, Thành Thành Công đã mua mảng mía đường và năm 2018, NutiFood nhận chuyển nhượng mảng bò sữa từ HAGL.
Cũng như HAGL, Thủy sản Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh gặp khó do đầu tư dàn trải. Thaco đã bơm tiền để giải cứu và vực dậy “vua cá tra” một thời.
Có thể thấy, trong vài năm gần đây, nông nghiệp được xem là miếng bánh hấp dẫn đang đợi các ông lớn có tiềm lực tài chính khai phá. Tuy nhiên, đây vẫn là một lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần đầu tư quy mô lớn, bền bỉ và khó kiếm tiền nhanh. Khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường hàng hóa thế giới thì cơ hội là rất lớn, nhưng cũng cần sự chuyên nghiệp và chiến lược dài hơi.
Theo Vietnamnet