“… Hiện nay Công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích lợi quốc dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng.
Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng…”
Ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới Công – Thương Việt Nam ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thư, Bác Hồ đã nhấn mạnh vai trò to lớn của giới Công – Thương Việt Nam trong công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước, đây thực sự là nguồn động viên, khích lệ lớn lao cho giới Công – Thương vượt qua những khó khăn trong giai đoạn đất nước còn non trẻ. Lúc sinh thời, Người cho rằng: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lại của nước nhà, thì giới Công – Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Sự thịnh vượng của những nhà doanh nghiệp sẽ tạo nên một nền kinh tế thịnh vượng, giàu mạnh cho đất nước. Người cũng nêu rõ vai trò và ý nghĩa của sự quan tâm, tạo điều kiện từ chính phủ, các cấp ban, ngành đối với giới công – thương.
Tiếp nối tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và để động viên, cổ vũ các tầng lớp trong xã hội góp phần thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, đáp ứng kịp thời nhu cầu hội nhập của đất nước với thế giới trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về Ngày Doanh nhân Việt Nam, hằng năm lấy ngày 13 tháng 10 là “Ngày doanh nhân Việt Nam”. Quyết định này mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc từ việc tiếp thu, lĩnh hội tư tưởng chiến lược lâu dài với mốc thời gian là ngày bức thư gửi giới Công – Thương của Hồ Chủ Tịch năm xưa được gửi đi.
14 năm sau ngày Thủ Tướng Chính phủ ký quyết định mang tính lịch sử với giới Công – Thương đó, chúng ta có thể thấy sự điều chỉnh về việc bổ sung từ “doanh nhân” trong từ điển tiếng Việt. Một bước tiến đáng mừng đối với doanh nhân nữa là việc được hiến định trong kỳ họp Quốc hội vừa qua. Tại Đại hội Đảng lần thứ XII, lần đầu tiên doanh nghiệp, doanh nhân được xác định là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thể hiện sự quan tâm và động viên, tạo điều kiện của Chính phủ và Nhà nước. Ngoài những hoạt động kinh doanh, những doanh nghiệp và doanh nhân thường xuyên có những hoạt động hướng tới xã hội, cộng đồng được đánh giá đầy tính nhân văn và nhân ái.
Nhân dịp kỷ niệm 14 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2018), tuy hành trình phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam còn nhiều khó khăn và thử thách trước mắt, nhưng trước những cơ hội lớn để giúp đất nước vững mạnh, chuyển mình hội nhập quốc tế, Văn Hóa Doanh Nhân Việt Nam xin kính chúc các doanh nghiệp, doanh nhân mạnh mẽ, tự tin, phát huy tốt vai trò của mình.