Những nhận định sai lầm về Marketing mà người làm kinh doanh cần phải biết
Là người làm kinh doanh thì bạn không thể nào phát triển được doanh nghiệp nếu thiếu đi yếu tố vô cùng quan trọng là Marketing. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, không phải ai cũng hiểu bản chất Marketing là gì.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhìn ra những nhận định sai lầm về Marketing để có thể rút ra kinh nghiệm cho doanh nghiệp của mình, có đủ kiến thức để phát triển vững chắc trên thị trường!
1. Marketing là PR, quảng cáo?
Rất nhiều người nhầm lẫn rằng Marketing và PR là một, PR và quảng cáo là một. Nguyên nhân là ranh giới giữa 2 thuật ngữ này không thật rõ ràng. Mặc dù tất cả đều là hình thức nhằm quảng bá sản phẩm, dịch vụ, nhưng luôn tồn tại sự khác biệt giữa Marketing và PR và quảng cáo.
Sở dĩ các thuật ngữ hay bị nhầm lẫn là vì chúng ta vẫn luôn sử dụng những từ ngữ này một cách bừa bãi mà không quá quan tâm đến bản chất, bởi nghe “có vẻ” đúng và giống nhau.
Tuy nhiên, xét về chuyên môn, PR, Quảng cáo, bán hàng, hay thậm chí là tổ chức các sự kiện, v.v… đều là những hình thức, những yếu tố và công cụ nhỏ hơn trong Marketing.
- PR là những hoạt động mà người khác (báo chí, khách hàng v.v…) nói tốt về mình.
- Quảng cáo: những hoạt động mà doanh nghiệp chủ động nói tốt về mình để truyền bá tới khách hàng
- Sales: làm thế nào để người khác mua hàng của mình, càng nhiều càng tốt, miễn đẩy được hàng đi, thu được tiền về thì mọi phương tiện (khuyến mãi, giảm giá, trò chơi v..v…) đều là hợp lý.
- Truyền thông: làm thế nào để hình ảnh công ty in thật đậm vào tâm trí người dùng nhất có thể, tiêu tiền nhiều, nhưng thu tiền về thì không nặng nề như Sales.
- Tư duy của Marketing: là thống nhất và kết hợp, điều chỉnh hài hoà tất cả các tư duy trên. Marketing đặt mục tiêu thoả mãn tối đa nhu cầu khách hàng để đem về lợi nhuận, thị phần, thương hiệu. Tư duy của Marketing hướng đến người tiêu dùng để nhận về lợi nhuận.
2. Đội Marketing chỉ cần chạy quảng cáo Facebook/ Google/ làm SEO là được?
Sai lầm lớn nhất của doanh nghiệp là tôn thờ công cụ quảng cáo! Hãy nghĩ lại, Marketing là tư duy, chứ không phải công cụ. Người có tư duy sẽ biết cần phải làm gì khi không biết nhiều về công cụ, không có công cụ, thậm chí không có tiền. Người giỏi công cụ chưa chắc đã biết gì về Marketing, chỉ cần 1 thay đổi nhỏ về thuật toán, hoặc sản phẩm khác, môi trường khác… là kinh nghiệm coi như về 0.
Mà trên thực thế thì sao? Facebook, Google hay bất kỳ mạng xã hội nào đều thay đổi từng ngày, các thuật toán liên tục được test và thêm bớt mà chúng ta không thể nào nắm chắc được. Kể cả những người đã làm FB hay Google lâu năm, không ai có thể chắc chắn rằng “Tôi nắm chắc FB/GG trong lòng bàn tay” hay “Cam kết 100% sẽ ra đơn chỉ bằng quảng cáo”
Thêm nữa, giả dụ một ngày Facebook sập thì sao? (Như câu chuyện 10 năm trước của Yahoo Blog 360 chẳng hạn!). Hoặc là bạn có tư duy Marketing và có thể nhảy sang một môi trường mới với rất ít thời gian thích nghi. Hoặc phương án 2 là lại lọc toàn bộ nhân sự chạy quảng cáo để thay thế một đội ngũ mới lại từ đầu?
Hoặc là bạn có Tư duy để phát triển bền vững, hoặc là mọi thứ chỉ là phương án ngắn hạn.
3. Marketing là sáng tạo, không phải tính toán!
Đây là nhận định sai mà nhiều người mắc phải nhất. Trên thực tế, công việc sáng tạo là vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong Marketing. Tuy nhiên, sáng tạo ở đây không phải là chụp ảnh đẹp, thiết kế giỏi, kể chuyện hay… mà còn là sáng tạo trong tư duy, trong làm việc, trong góc nhìn.
Marketing là “sáng tạo” dựa trên thực tế thị trường. Tức là bạn sẽ phải dành phần lớn thời gian nghiên cứu tất cả mọi thứ (thị trường, đối thủ, khách hàng,…), phân tích các con số, tính toán dữ liệu rồi từ đó quyết định xem nên bán cái gì, bán cho ai, bán như thế nào, kế hoạch ra sao cho phù hợp nhất.
Marketing yêu cầu một cái đầu biết tư duy đúng và chuẩn hay còn gọi là tư duy khoa học. Nếu chỉ ăn bằng vốn sáng tạo đơn thuần, thì bạn nên theo ngành mỹ thuật, thiết kế thay vì Marketing.
Trên đây là 3 sai lầm thường gặp nhất ở những người làm kinh doanh, chủ doanh nghiệp mà cả thậm chí là những người đang làm trong ngành Marketing. Chúc bạn sẽ đúc rút được cho bản thân những kiến thức bổ ích để phục vụ tốt nhất cho công việc!
PV