Văn hóa doanh nghiệp tạo nên lợi thế cạnh tranh khác biệt
Văn hóa doanh nghiệp là tất cả các giá trị, tư tưởng, hành vi được lặp đi lặp lại mỗi ngày trở thành truyền thống và tạo nên sự khác biệt của doanh nghiệp. Nếu coi doanh nghiệp là chiếc máy tính thì văn hóa doanh nghiệp là hệ điều hành. Từ những hiệu quả mà văn hóa doanh nghiệp mang lại nó sẽ hình thành lên lợi thế cạnh tranh – thứ mà không doanh nghiệp thứ 2 nào có được.
Văn hóa giúp định hình tính cách doanh nghiệp
Tính cách doanh nghiệp được thể hiện rõ nét nhất ở thương hiệu doanh nghiệp. Thương hiệu của một doanh nghiệp không đơn thuần là logo, khẩu hiệu, bao bì, nhãn mác, gương mặt thương hiệu,… hay các nhận diện website – tất cả những thứ bên ngoài mà nó còn chứa đựng phần hồn của doanh nghiệp – những giá trị cốt lõi, mục tiêu, tư tưởng, văn hóa của doanh nghiệp.
Đó chính là bản sắc riêng của doanh nghiệp mang tính “độc quyền” và thể hiện tầm nhìn và sứ mệnh của tổ chức đó. Sẽ không có đến 2 công ty cùng chung một bản sắc văn hóa. Bởi văn hóa hình thành nên tính cách của doanh nghiệp và ngược lại mọi người nhận diện doanh nghiệp đó thông qua văn hóa.
Tạo môi trường làm việc hiệu quả, nâng cao năng suất lao động
Nếu bạn vẫn nghĩ doanh nghiệp là tổ chức hội tụ rất nhiều con người có tính cách và trình độ khác nhau thì nhờ có văn hóa doanh nghiệp họ thành chung một đội ngũ có phong cách sống, lý tưởng sống, niềm tin và mục tiêu giống nhau. Nhân viên tại tổ chức làm việc hết mình vì mục tiêu cá nhân nhưng được đặt dưới tầm nhìn của tổ chức.
William Arthur Ward – một nhà giáo dục lỗi lạc của nước Mỹ đã từng nói “Tài lãnh đạo dựa trên sự truyền cảm hứng, không phải sự chi phối; dựa trên sự hợp tác, không phải sự dọa dẫm”. Nhà lãnh đạo khôn ngoan sẽ nhận biết được rằng xây dựng văn hóa doanh nghiệp là điều quan trọng nhất để có thể phát huy môi trường làm việc hiệu quả, tạo động lực và truyền cảm hứng cho nhân viên.
Văn hóa doanh nghiệp giữa xóa bỏ ranh giới khoảng cách giữa ban lãnh đạo và các nhân viên. Tất cả các thành viên thuộc tổ chức đều phải tuân thủ và thực hiện xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo phong cách và tầm nhìn của người lãnh đạo.
Văn hóa như chất keo gắn kết giúp hoạt động đội nhóm của họ suôn sẻ hơn, họ đoàn kết cùng nhau để đạt được mục tiêu cuối cùng của công việc. Khi doanh nghiệp xảy ra những xung đột không mong muốn thì văn hóa được đưa ra như một luật chơi tất cả mọi người đều phải hòa nhập và thống nhất. Nó thể hiện sự công bằng, dân chủ ai cũng có những quyền lợi và phải thực hiện những nghĩa vụ như nhau trong một tổ chức.
Giữ chân và thu hút nhân tài
Tình trạng “chảy máu chất xám” đang là vấn đề nhiều doanh nghiệp phải đối mặt. Tuyển dụng được những nhân viên tài giỏi có trình độ và kiến thức chuyên môn nhưng sau một thời gian làm việc họ lại ‘dứt áo ra đi”. Nguyên do được cho là văn hóa doanh nghiệp không phù hợp với họ.
Thực tế đã cho thấy rất nhiều công ty có khả năng thu hút nhân tài nhiều hơn mức bình thường nhờ xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Southwest Airlines là một ví dụ – nơi sở hữu môi trường văn hóa doanh nghiệp có sức hấp dẫn người lao động. Trong một lần tuyển dụng của Southwest Airlines, hãng hàng không này đã nhận được 50.000 đơn dự tuyển cho 500 vị trí cần tuyển dụng.
Điều này chứng minh rằng, chưa chắc lương và thu nhập đã thu hút được các nhân tài. Khi thu nhập đạt đến một mức nào đó, nhiều người sẽ sẵn sàng đánh đổi chọn mức thu nhập thấp hơn để được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, thoải mái, gắn kết, có sự tôn trọng – đó là văn hóa doanh nghiệp.
Tạo dựng niềm tin và thu hút đối tác, khách hàng
Đối tác, khách hàng sẽ nhận diện doanh nghiệp của bạn thông qua văn hóa. Nếu văn hóa doanh nghiệp ấy tốt sẽ thu hút được khách hàng và đối tác đến với mình. Phần không thể thiếu trong văn hóa doanh nghiệp chính là tạo dựng được niềm tin tưởng, tác phong và thái độ làm việc chuyên nghiệp, lòng nhiệt thành và trách nhiệm. Các doanh nghiệp và đối tác tìm đến bạn không đơn giản là vì sản phẩm bạn bán mà còn do niềm tin bạn đã tạo dựng được.
Phát huy chiến lược phục vụ cho tầm nhìn
Văn hóa doanh nghiệp được xây dựng dựa trên sứ mệnh và tầm nhìn mà công ty theo đuổi. Vì mục tiêu và sứ mệnh của mỗi tổ chức là khác nhau nên văn hóa doanh nghiệp cũng khác nhau.
Nhờ những bản sắc riêng, môi trường làm việc hiệu quả, thu hút và giữ chân nhân tài, tạo được lòng tin cho khách hàng và đối tác được tạo nên từ văn hóa doanh nghiệp sẽ phát huy sức mạnh chiến lược của công ty, làm tăng năng suất lao động, tạo ra thế mạnh riêng cho tổ chức và sự khác biệt trên thị trường. Từ hiệu quả và sự khác biệt sẽ giúp doanh nghiệp cạnh tranh tốt hơn.