Giá vàng thế giới lao dốc và có thể còn giảm tiếp. Tính từ đầu năm, vàng đã giảm hơn 13% khiến dân Việt mất hàng tỷ USD. Trong khi đó, giá vàng trong nước vẫn treo cao, chênh lệch kỷ lục so với vàng thế giới.
Liên tục lao dốc
Tiếp tục đà lao dốc trong các phiên trước đó, giá vàng trên thị trường châu Á hôm 2/3 diễn biến không mấy tích cực với việc dần trở về ngưỡng 1.700 USD/ounce sau khi đánh mất mốc 1.800 USD/ounce tuần trước.
Trong phiên giao dịch chiều 2/3, giá vàng thế giới sụt về mức 1.718 USD/ounce. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 48,7 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 7,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 2/3.
“Vàng thế giới giảm quá nhanh. Chỉ trong vòng hơn một tuần, giá đã mất hơn 100 USD/ounce. Còn từ đầu tháng 1 tới nay đã mất gần 250 USD, tương đương khoảng 13%. Đây thực sự là điều nằm ngoài dự đoán của nhiều người”, ông Đỗ Hữu Thành, một nhà đầu tư tại Hà Nội, chia sẻ.
Theo ông Thành, giá vàng giảm nhanh ngoài dự đoán nhưng không ảnh hưởng nhiều tới khối tài sản của gia đình ông bởi giá vàng trong nước vẫn cao, trên ngưỡng 56 triệu đồng/lượng. Hơn thế, ông cũng chưa có nhu cầu bán ra.
Theo ước tính của một chuyên gia tài chính, tổng dữ trữ vàng trong nước có thể lên tới 20 tỷ USD. Với mức giảm 13% trong một thời gian ngắn chưa tới 2 tháng qua, khối tài sản của dân Việt bốc hơi khoảng 2,5 tỷ USD nếu tính theo biến động giá trên thế giới.
Áp lực đối với vàng lớn. |
Tuy nhiên, nếu tính theo giá vàng trong nước, mức giảm chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng/lượng nên tài sản của người dân không mất mát nhiều.
Vàng thế giới giảm mạnh trong những ngày gần đây trong bối cảnh nhiều yếu tố mang tính “kẻ thù” xuất hiện. Các quỹ đầu tư bán tháo vàng khi đồng USD hồi phục và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng. Giới đầu tư tin tưởng về sự hồi phục kinh tế Mỹ sẽ nhanh hơn dự kiến ban đầu.
Thời gian gần đây, hàng loạt quỹ giao dịch vàng bán mạnh vàng. Quỹ SPDR Gold Trust đã có cả chục phiên bán ròng liên tiếp.
Vàng giảm giá còn do các đồng tiền kỹ thuật số, trong đó có Bitcoin, tăng cao gần đây và vẫn quanh ngưỡng 50.000 USD/1 Bitcoin. Trên Kitco, đồng tiền này được cho là đang nằm trong một xu hướng tăng giá kéo dài và sẽ lên mức 200.000 USD/1 Bitcoin.
Mặt hàng kim loại quý giảm mạnh còn do dòng tiền chảy sang chứng khoán. Nhiều thị trường cổ phiếu vẫn hào hứng với các thông tin về hiệu quả vaccine Covid-19. Chính quyền Mỹ vừa phê duyệt thêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Johnson & Johnson (J&J). Đây là “vũ khí” mới cho cuộc chiến chống đại dịch.
Vaccine J&J được dự báo sẽ được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu vì có thể được vận chuyển và lưu trữ ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường, dễ dàng hơn cho việc phân phối so với vaccine Pfizer và vaccine Modera.
Vàng trong dài hạn vẫn tươi sáng
Mặc dù giá vàng thế giới giảm mạnh nhưng thị trường trong nước không có nhiều biến động. Giá vàng vẫn trên 56 triệu đồng/lượng, tương đương mức chênh có lúc lên tới 8 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Thị trường khá trầm lắng với giao dịch ít.
Sở dĩ giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới quy đổi là bởi các doanh nghiệp neo mức giá cao để bán trong bối cảnh thị trường vàng trong nước không mấy liên thông với thị trường vàng quốc tế. Hoạt động xuất nhập khẩu vàng vẫn dựa vào hạn mức (quota) do các cơ quan quản lý cấp. Việc nhập khẩu vàng bị hạn chế nhằm kiểm soát chảy máu ngoại tệ.
Thống kê từ các doanh nghiệp kinh doanh vàng cho thấy, giao dịch vàng trong những ngày gần đây không nhiều. Sức cầu đối với mặt hàng kim loại quý khá thấp.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới CTCK Mirae Asset, cho biết, những tín hiệu trên thị trường cho thấy, sức cầu đối với vàng không nhiều, trong khi đó dòng tiền vẫn đang đổ vào thị trường chứng khoán với 15-20 nghìn tỷ đồng mỗi phiên.
Giá vàng thế giới biến động mạnh. |
Trong nhiều năm qua, vàng và bất động sản là kênh đầu tư được ưa thích do lạm phát khiến đồng tiền nội tệ nhiều khi chưa có được niềm tin vững chắc đối với các nhà đầu tư. Hơn thế, triển vọng vàng quốc tế vẫn khá tươi sáng trong dài hạn.Biến động giá vàng cũng không phụ thuộc nhiều vào sức cầu. Việc các doanh nghiệp duy trì giá cao để bán ra giúp họ thu lợi khá nhiều. Theo một số nhà quan sát thị trường, đó là chưa kể tới việc nhập lậu vàng.
Theo các chuyên gia trên Kitco, trong ngắn hạn vàng đang chịu áp lực bán ra mạnh nhưng về dài hạn đây vẫn là một kênh đầu tư tốt vì lạm phát được dự báo tăng.
Trong ngắn hạn, vàng đang chịu rất nhiều áp lực và có nguy cơ thủng vùng 1.700 USD nếu không xuất hiện lực cầu tại vùng thấp. Chỉ số DXY – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – đã vọt lên đỉnh 3 tuần.
Mặc dù giảm mạnh nhưng vàng vẫn được kỳ vọng tăng trong trung và dài hạn. Kim loại quý này có thể sẽ hồi phục khi Quốc hội Mỹ thông qua gói kích thích 1.900 tỷ USD mà Tổng thống Biden đề xuất.
Gần đây, giới đầu tư có phần bình tĩnh trước đà tăng mạnh của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Thêm vào đó, gói kích thích 1.900 tỷ USD được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nền kinh tế hàng đầu thế giới sớm vượt qua được những tổn thương do đại dịch gây ra.
Việc giá vàng thế giới đang ở vùng thấp nhất 8 tháng cũng có thể làm tăng sức cầu đối với mặt hàng kim loại này. Vàng được kỳ vọng không giảm nhiều trong ngắn hạn do nhiều thị trường chứng khoán, trong đó có khu vực châu Á có tín hiệu điều chỉnh giảm khi tình hình dịch bệnh tại khu vực diễn biến xấu đi.
Vàng được biết đến là một loại hàng hóa có mối quan hệ chặt chẽ với kỳ vọng lạm phát. Gần đây, nhiều loại hàng hóa như dầu, đồng, niken, sắt thép,… tăng mạnh. Nhiều loại thực phẩm cũng tăng lên. Một khi lạm phát gia tăng, giá vàng như thông lệ sẽ leo thang.
Theo M. Hà/Vietnamnet