Sự phát triển bùng nổ của nền tảng lao động kỹ thuật số tạo ra nhiều cơ hội việc làm, đồng thời có nhiều thách thức đối với người lao động và cả doanh nghiệp
Có thâm niên chạy xe ôm công nghệ được 3 năm, anh Văn Đức Hạnh (38 tuổi, quê Trà Vinh) cho biết cuối năm luôn là thời điểm “buồn nhất” vì thấy bạn bè, người thân “khoe” lương, thưởng, lì xì….
“Chạy xe ôm công nghệ nên làm gì có thưởng Tết. Có chạy thì mới có tiền trang trải chi phí sinh hoạt nhưng dịch bệnh khiến công việc cứ lay lắt. Nghề này vất vả, nguy hiểm nhưng chẳng còn sự lựa chọn nào khác” – anh nói.
Anh Hạnh là một trong hàng trăm ngàn lao động làm việc trên nền tảng công nghệ số mà Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) gọi là nền tảng lao động số.
Bị hạn chế quyền cơ bản
Theo báo cáo “Triển vọng việc làm và xã hội năm 2021” mới nhất của ILO, số lượng các nền tảng lao động số trên toàn thế giới đã tăng gấp 5 lần trong thập kỷ vừa qua.
Báo cáo cho thấy các nền tảng lao động số đang tạo ra những cơ hội việc làm mới cho cả phụ nữ, người khuyết tật, thanh niên và người yếu thế trong những thị trường lao động truyền thống. Các nền tảng cũng cho phép doanh nghiệp tiếp cận một lực lượng lao động linh hoạt có kỹ năng khác nhau với số lượng lớn để gia tăng cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh của họ.
Theo ILO, những thách thức đối với người lao động làm việc trên nền tảng số chính là điều kiện làm việc, tính thường xuyên của công việc và thu nhập, không được tiếp cận chế độ an sinh xã hội, không có quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể. Thời gian làm việc thường có thể kéo dài và không dự báo trước.
Hơn một nửa số lao động nền tảng chỉ có thu nhập chưa đến 2 USD/giờ. Thêm vào đó, có sự chênh lệch tiền lương theo giới đáng kể ở một số nền tảng.
Báo cáo cho biết thêm, đại dịch Covid-19 khiến những vấn đề như vậy bộc lộ rõ rệt hơn. Nhiều doanh nghiệp nền tảng lao động số phải đối mặt với những thách thức liên quan đến cạnh tranh không công bằng, thiếu minh bạch về dữ liệu và giá cả, phí hoa hồng cao đã gây nhiều hỗn loạn thị trường lao động số.
Báo cáo này cũng khẳng định các điều kiện làm việc của người lao động trên nền tảng lao động số phần lớn được quy định bởi các điều khoản thỏa thuận dịch vụ của những nền tảng đó, và thường do các nền tảng đơn phương quyết định. Các thuật toán dần thay thế con người trong việc phân bổ và đánh giá công việc cũng như quản lý, giám sát người lao động.
“Mức độ chuyên nghiệp và minh bạch trong công việc là có nhưng các quyền cơ bản của người lao động thì có vẻ chưa đủ. Mọi người lao động dù có vị thế việc làm nào đi nữa đều cần được thực thi các quyền cơ bản của mình trong lao động” – ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO, nói.
Cần chính sách hỗ trợ
Theo ILO, với những nền tảng hoạt động vượt ra ngoài phạm vi của một quốc gia, cần thiết phải có các chính sách đồng bộ và nhất quán nhằm bảo đảm những nền tảng này đem lại cơ hội việc làm thỏa đáng và thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp bền vững.
Tổng Giám đốc ILO nói “các nền tảng lao động kỹ thuật số đang mở ra những cơ hội trước đây chưa từng có, nhiều người lao động trong các nhóm yếu thế ở mọi khu vực trên toàn thế giới có thể tiếp cận việc làm và tự chủ cuộc sống. Chúng ta cần đón nhận điều này. Những thách thức mới do các nền tảng số tạo ra thì có thể được giải quyết thông qua đối thoại chính sách toàn cầu để người lao động, người sử dụng lao động và các chính phủ có thể hưởng lợi đầy đủ và công bằng từ những tiến bộ này” – đại diện ILO đặt vấn đề.
Nhiều chính phủ, đại diện của doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là Công đoàn, đã bắt đầu quan tâm đến nền tảng lao động số và có những hành động hướng đến tương lai bền vững cho thị trường lao động này.
ILO cho rằng các nền tảng lao động số hoạt động ngoài phạm vi của một quốc gia cần phải có đối thoại chính sách và cơ chế điều phối quốc tế nhằm bảo đảm sự ổn định trong điều tiết và bảo đảm các tiêu chuẩn lao động quốc tế được áp dụng. Đối thoại chính sách cần hướng đến vị thế việc làm của người lao động.
Theo đó, người lao động làm việc trên nền tảng số phải được hưởng quyền thương lượng tập thể; được tiếp cận đầy đủ phúc lợi an sinh xã hội thông qua việc mở rộng, điều chỉnh khuôn khổ chính sách và pháp lý khi cần thiết.
Theo NLĐ