đọc tin nhanh

Trước chất vấn của đại biểu về thực trạng Grab số lượng xe rất nhiều nhưng nộp thuế rất ít so với taxi truyền thống, thậm chí báo lỗ, Bộ trưởng GTVT cho biết việc thất thu thuế khó xảy ra và cái này Bộ Tài chính nắm chắc nhất.

Chất vấn Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn văn Thể sáng nay 5-6 tại hội trường Quốc hội về triển khai thí điểm hoạt động taxi công nghệ theo Quyết định 24 của Bộ GTVT, Đại biểu (ĐB) Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) và ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng việc thí điểm taxi công nghệ thời gian quá dài, gây nhiều bất cập trong quản lý nhà nước, thất thu thuế, dẫn đến khiếu kiện. Đề nghị bộ trưởng cho biết tại sao chậm ban hành Nghị định 86 (sửa đổi) để hoàn thiện khung pháp lý. Ngoài ra việc các hãng taxi Grab , Uber triển khai dịch vụ trên phạm vi rộng, số lượng xe nhiều, nhưng nộp thuế rất ít so với các doanh nghiệp taxi truyền thống?

ĐB Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội, cũng chất vấn về công tác quản lý Grab , Uber, và cho rằng Hà Nội đang phải kiểm soát taxi để không phát triển quá nóng Grab. Xe Grab phát triển quá lớn đã gây ra mất trật tự về an toàn giao thông, xe đi vào đường cấm taxi… Vậy phương án nào để quản lý?

Đại biểu cho rằng taxi công nghệ triển khai dịch vụ trên phạm vi rộng, số lượng xe nhiều, nhưng nộp thuế rất ít so với các doanh nghiệp taxi truyền thống

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết hiện nay quản lý taxi theo hạn ngạch. Tuy nhiên tới đây, khi Nghị định 86 sửa đổi quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô được ban hành, sẽ không còn hạn mức của taxi. “Trong dự thảo Nghị định 86 sửa đổi, taxi truyền thống cũng có thể gắn thu tiền tự động giống taxi công nghệ, taxi công nghệ cũng phải gắn mào. Do đó tới đây taxi công nghệ, taxi truyền thống sẽ hoạt động công bằng”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng GTVT cho biết chắc chắn sẽ có nhiều phương tiện tham gia trên đường. “Nhưng đây là quyền của công dân và theo Luật Quy hoạch thì sẽ không còn quản lý số lượng nữa”- ông Thể cho hay.

Về Quyết định thí điểm taxi công nghệ kéo dài, Bộ trưởng GTVT cho biết ngành đã sơ kết sau 2 năm thí điểm. Và từ sơ kết đó đã điều chỉnh trong dự thảo Nghị định 86 (sửa đổi). Nhưng đây là nghị định được quan tâm đặc biệt của các hiệp hội, doanh nghiệp (DN), người dân.

“Bộ GTVT đã trình Chính phủ 7 lần, nhưng do vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Hiện chỉ còn 1 ý kiến khác nhau nữa giữa chúng tôi và Bộ Thông tin và Truyền thông. Còn các hiệp hội, DN đã đồng thuận cao. Chúng tôi hy vọng nghị định sẽ sớm được ban hành và khi đó sẽ hủy Quyết định thí điểm”- ông Thể bày tỏ.

Về ý kiến thất thu thuế đối với hoạt động của Grab, Uber, Bộ trưởng GTVT cho biết hiện nay cả nước có 48.000 xe hoạt động Grab, Uber, nhưng thực tế có những người dân đăng ký nhưng không hoạt động. Hiện Bộ GTVT đã yêu cầu các địa phương thống kê và kết nối với Bộ GTVT, Bộ Công an để nắm toàn bộ các xe nào tham gia taxi công nghệ để tránh thất thu thuế.

“Còn việc các DN này nộp thuế ít, thì ở đây có Bộ Tài chính, thì trong gần 50.000 xe hoạt động Uber, Grab cũng như một số hãng xe công nghệ khác, tất cả các phương tiện này đều kết nối với Tổng cục Thuế. Cho nên tôi nghĩ rằng việc thất thu thuế khó xảy ra vì cơ quan thuế nắm rất chặt”.

Tuy nhiên, tư lệnh ngành giao thông cho rằng có một thực tế, phần tiền trích lại cho DN như Uber, Grab. “Chúng tôi mong các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ, bởi có thông tin Grab, Uber báo lỗ. Cái này Bộ Tài chính nắm chắc nhất, bảo đảm sân chơi công bằng cho tất cả các DN, trong đó có DN trong và ngoài nước, đặc biệt là taxi công nghệ và taxi truyền thống”- ông Thể nói.

Trả lời chất vấn của ĐB Đào Thanh Hải,Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết dự thảo Nghị định 86 sửa đổi hiện nay có quy định xe taxi công nghệ cũng có mào để nhận diện. Hiện nay không còn hạn ngạch số lượng xe nữa nên TP Hà Nội có muốn hạn chế cũng không được, địa phương nào hạn chế thì sẽ vi phạm luật.

Nhận định điều kiện hoạt động của taxi truyền thống và công nghệ hiện nay là ngang bằng nhau, ông Thể nhắc lại lời nhắn nhủ mà ông đã đề cập trước đó: “Tôi hy vọng và nhắn nhủ bà con khi đầu tư mua xe chạy taxi công nghệ cũng cần tính toán kỹ hơn sao cho hiệu quả”.

Có thể thất thu khoảng gần 1.000 tỉ đồng tiền thuế/năm?

Mới đây, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vân tải ô tô Việt Nam (VATA), đã có văn bản gửi Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính,); Bộ Tư pháp; Bộ GTVT; Kiểm toán Nhà nước;… đề nghị thu hồi hoặc sửa đổi văn bản số 384/TCT-TNCT ngày 8-2-2017 của Tổng cục Thuế.

Theo đó, tại Văn bản số 384 của Tổng cục Thuế lại quy định đối với Công ty TNHH Grab Taxi: “Công ty TNHH Grab Taxi khai và nộp thuế theo quy định hiện hành đối với phần doanh thu được chia từ hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng hợp tác kinh doanh”.

Chủ tịch Hiệp hội Vân tải ô tô Việt Nam cho biết sau hơn 2 năm thực hiện, nhiều các DN vận tải, Hiệp hội Taxi Hà Nội , TP HCM cho rằng văn bản này có những vấn đề bất hợp lý, kẽ hở để Grab và một số đơn vị, cá nhân kinh doanh vận tải lợi dụng, gây thất thu ngân sách nhà nước và tạo thế cạnh tranh không công bằng trong vận tải

“Theo thông tin các Hiệp hội Taxi Hà Nội, TP HCM cung cấp, cả nước có trên 50.000 xe tham gia vào Grab, mỗi năm nhà nước có thể thất thu khoảng gần 1.000 tỉ đồng tiền thuế” – VATA nhận định.

Theo Văn Duẩn – Minh Chiến

NLĐ