Tại sao các hãng bay giá rẻ lại tính tiền bữa ăn, hãng hạng sang thì miễn phí. Ngược lại, khách sạn sang trọng tính tiền internet, khách sạn rẻ tiền thì miễn phí internet?
Ngược lại, những khách sạn sang trọng như Melia thường tính thêm vài USD/ngày cho dịch vụ Internet tận phòng trong khi những khách sạn nhỏ tại thường miễn phí Internet. Vì sao lại có sự khác biệt này?
Theo nguyên tắc “không có đồ ăn sẵn trên bàn” trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo, khách hàng phải trả thêm tiền nếu sử dụng một dịch vụ tăng thêm nào đó. Trên lý thuyết, nếu một công ty cung cấp “miễn phí” một dịch vụ tăng thêm bằng cách kín đáo gộp luôn chi phí của dịch vụ vào giá thành sản phẩm, thì đối thủ cạnh tranh có thể thu hút được những khách hàng không có nhu cầu với dịch vụ đó bằng cách bán ra sản phẩm với giá rẻ hơn và tính phí riêng cho dịch vụ tăng thêm.
Tất nhiên, trên thực tế, không thị trường nào có điều kiện cạnh tranh hoàn hảo. Tuy nhiên, thị trường chỗ ngồi trên máy bay giữa các hãng hàng không giá rẻ gần với mức cạnh tranh hoàn hảo hơn là thị trường giữa các hãng hàng không giá vé cao vì những hãng bán vé cao ít hơn và cung cấp những dịch vụ chuyên biệt hơn.
Tương tự, sự cạnh tranh trên thị trường phòng giữa các khách sạn rẻ tiền gần với mức hoàn hảo hơn là sự cạnh tranh giữa các khách sạn hạng sang. Từ những xem xét như trên, có vẻ như khách sạn giá rẻ và các hãng hàng không giá rẻ đều nên tính riêng phí dịch vụ cộng thêm. Khi đó nguyên tắc “không có đồ ăn sẵn trên bàn” có thể giải thích được vì sao hãng hàng không giá rẻ tính phí bữa ăn trong khi những hãng cao cấp gộp luôn chi phí này vào tiền vé.
Nó cũng giúp giải thích vì sao đa số các hãng hàng không ngày trước đều cung cấp bữa ăn miễn phí, vì khi đó trên thị trường dịch vụ vận tải đường không chỉ toàn là các hãng tính giá vé cao; mãi cho đến gần đây hàng không giá rẻ mới ra đời. Tuy nhiên, khi mới nhìn qua, nguyên tắc “không có đồ ăn sẵn trên bàn” xem ra có vẻ không thể áp dụng được cho cách tính giá dịch vụ Internet trong khách sạn.
Một suy đoán khá hợp lý cho vấn đề này là cơ cấu chi phí giữa hai loại dịch vụ hoàn toàn khác nhau. Chi phí phục vụ bữa ăn trên máy bay sẽ tăng cao, tỉ lệ thuận với số lượng bữa ăn phục vụ. Tuy nhiên, chi phí cung cấp dịch vụ Internet phần lớn là chi phí cố định. Một khi khách sạn đã lắp đặt hệ thống Internet không dây thì chi phí biên để cho thêm một khách trọ sử dụng Internet là bằng không.
Nguyên tắc “không có đồ ăn sẵn trên bàn” nói rằng, thị trường của một sản phẩm hay dịch vụ càng cạnh tranh cao thì giá của sản phẩm và dịch vụ đó càng gần với chi phí biên. Do đó nếu thị trường phòng khách sạn giá rẻ cạnh tranh hơn nhiều so với thị trường phòng khách sạn sang trọng thì hệ quả là chi phí Internet thường dễ được tính luôn trong giá phòng tại khách sạn giá rẻ hơn.
Những khách sạn này có thể cũng muốn tính phụ phí cho việc sử dụng Internet, nhưng vì chi phí biên cho dịch vụ đó bằng không, nên chắc chắn một số khách sạn sẽ quảng cáo rằng khách được miễn phí Internet. Những khách trọ nhạy cảm với giá sẽ bị hấp dẫn bởi chiêu khuyến mãi này, khiến cho những khách sạn giá rẻ khác cũng phải làm theo. Các hãng hàng không giá rẻ không chịu áp lực tương tự buộc phải cung cấp bữa ăn miễn phí vì chi phí biên cho mỗi bữa ăn là đáng kể.
Khách sạn hạng sang có thể tính phụ phí Internet vì khách hàng của họ thường khá giàu có hoặc chi trả qua tài khoản, vì thế không mấy nhạy cảm với giá. Dù vậy, nếu lượng khách hàng phàn nàn về phụ phí này tăng đến một con số nhất định thì – do chi phí biên của việc cung cấp dịch vụ Internet bằng không – một số khách sạn hạng sang cũng sẽ bắt đầu gộp phí Internet vào tiền phòng. Nếu điều này thực sự xảy ra, các khách sạn hạng sang khác cũng phải làm theo như vậy.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị