Đầu bếp Lê Quang Chơn hiện đang làm việc tại nhà hàng Dì Mai – Quận 1. Đã từng có những “ngã rẽ” khắc nghiệt trong cuộc đời, thế nhưng, Lê Quang Chơn đã vượt lên tất cả, luôn không ngừng nỗ lực để thực hiện ước nguyện trở thành một trong những đầu bếp giỏi, được nhiều người yêu mến.
Không giống như những bạn cùng trang lứa khác, con đường đi đến thành công của Lê Quang Chơn gặp khá nhiều khó khăn. Em có cuộc sống khá “khó nói” và khác biệt so với các bạn khác. Sinh ra không sống chung cùng cha mẹ, được người dì nuôi dạy khôn lớn từ thủa nhỏ. Có lẽ vì vậy cậu bé luôn biết thân biết phận, luôn khắc tâm một nhận định rằng: “Bản thân sẽ phải nỗ lực thật nhiều, để có một công việc ổn định, trước mắt là tự nuôi sống bản thân, sau là phấn đấu thành công trên con đường sự nghiệp riêng của mình.
Công việc đầu tiên đó là đi học việc và làm việc ở phòng tranh Bùi Viện. Mỗi tháng em được chủ trả 500 ngàn gọi là tiền công. Tuy nhiên, mãi về sau em mới biết số tiền đó do chính người dì của em trả nhưng không muốn cho em biết. Có thể nói, dì chính là hậu phương vững chắc trên đường đời đầy khắc nghiệt của Quang Chơn.
Khi tiệm tranh đóng cửa, em xin vào làm ở một quán ăn đối diện. Đối với một cậu bé mới lớn thì thành phố xa hoa này thật thú vị. Bản chất lại là một cậu bé siêng năng, ham khám phá, tò mò với tất cả mọi thứ, em lao vào tất cả các công việc tại Sài Gòn, làm tại rất nhiều quán khắp khu phố Bùi Viện, Đề Thám… kể cả phụ hồ, thợ mộc, bốc vác, hay kĩ thuật âm thanh ánh sáng, chỉnh đèn cho DJ…để được trải nghiệm và có tiền sinh sống.
Sớm bươn chải, sớm tự lập nên trên đường đời không thể tránh khỏi những cám dỗ. Từng ăn chơi sa đọa, từng suýt sa ngã không có điểm dừng, nhưng may mắn thay em đã dừng lại. Có ba nuôi là người Thụy Điển có thể lo cho em mọi thứ, thế nhưng em không hề dựa dẫm. Mọi người luôn cho rằng em là một cậu bé cứng đầu, ham chơi, và họ luôn nhìn em với ánh mắt không được mấy thiện cảm, chỉ nghĩ rằng em chỉ biết ăn chơi, quậy phá chứ ko biết tu tập con người.
Cũng đã từng có thời gian chán nản, có lúc muốn bỏ đi tất cả. Nhưng rồi em vẫn vực lên lại được, bởi bên cạnh luôn có một người luôn dõi theo em – đó là ông ngoại. Trong một lần ông lên thăm, em đã nấu thử món mì với khô mực, không ngờ được ông khen ngon, đã gợi cho ông nhớ lại kỉ niệm với năm ông 17 tuổi ở chế độ trước. Đó thật sự là niềm vui sướng của một cậu bé mới lớn. Ông còn là người cho em biết sống đạo đức, trưởng thành từ cái tâm trong mọi hoàn cảnh, để áp dụng kể cả khi vào nghề.
Lê Quang Chơn đã có khoảng thời gian đi tu hai năm sau những sóng gió cuộc đời. Nhưng sau đó, em trở lại. Em giác ngộ ra rằng: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Và có lẽ, nghề chọn người chứ người không chọn nghề thật đúng. Cơ duyên sai khiến, em đã yêu bếp và theo nghề bếp từ lúc nào không hay. Và rồi bức tranh về một người đầu bếp giỏi luôn được nung nấu trong em.
Em đăng kí học nghề bếp tại trường Hướng nghiệp Á Âu. Vừa học vừa đi làm cho rất nhiều nhà hàng, quán nhậu vỉa hè. Cũng đã từng setup chuyên về hải sản, nhưng bấy nhiêu đó với một cậu bé ham học hỏi thì chưa đủ. Em đi khắp nơi từ Miền Tây sông nước đến khắp Sài Gòn, rồi lạc trôi ra Nha Trang, Vũng Tàu… Không dừng lại ở đó, em đã từng sang tận Myanmar – đất nước Phật giáo để tìm hiểu về nền ẩm thực của đất nước này.
Về Việt Nam, may mắn được gặp và theo chân thầy Nguyên Vũ, người đã truyền lửa và khơi dậy cho em niềm đam mê với nghề bếp, để em có thể đến với nghề bếp với tất cả nhiệt huyết như ngày hôm nay. Thầy đã dạy cho em rất nhiều món ăn, sự khác biệt đặc trưng của từng vùng miền. Hiện tại, em đã thành công với thế mạnh là những món ngon Thái và hải sản, cùng các món ngon phong cách Đông Nam Á.
Từng đoạt giải ba tại cuộc thi The Future Chef Contest 2020 do trường đại học Hoa Sen tổ chức. Cuộc thi đã để lại cho em khá nhiều dấu ấn, và qua cuộc thi, Lê Quang Chơn đã được học hỏi, tiếp xúc, trau dồi kiến thức với rất nhiều anh chị trong nghề, giúp em tự tin và trưởng thành hơn rất nhiều so với những ngày đầu bước chân vào nghề.
Ham học hỏi, không muốn “đứng yên một chỗ”, em luôn tự nhắc nhở bản thân rằng trước năm 35 tuổi phải đi ít nhất là khắp các nước Châu Âu, để tìm hiểu những món ngon của mỗi vùng miền, ẩm thực và con người. Cái chính là sẽ mở một quán ăn nhỏ có tên Around Asian Food, hoặc đơn giản là độc quyền với món phá lấu phong cách Myanmar.
Qua câu chuyện của đầu bếp trẻ Lê Quang Nhơn và những trải nghiệm về nghề bếp, chúng ta thấy rằng nỗ lực chính là chìa khóa thành công trong mọi thử thách. Chúc cho đầu bếp trẻ Lê Quang Chơn sớm đạt được mục tiêu và thành công hơn với nghề bếp nhé!
Bảo Ngọc SG