Không chỉ là người thầy dạy cách làm bánh Wagashi Nerikiri, Emma Hương Phạm chính là người truyền lửa đam mê, tình yêu và thái độ sống tích cực thông qua bộ môn làm bánh này.
Với mỗi lớp học, chị Emma Hương Phạm tự tay set up lớp học, chuẩn bị từng cái tạp dề được xếp gọn gàng ngay ngắn, sắp xếp từng bộ dụng cụ và tài liệu học cho học viên, tự tay làm những món ngon và pha những ly nước thật mát để học viên có tinh thần thoải mái và vui tươi để lãnh nhận và thưởng ngoạn Nerikiri một cách đặc biệt và đúng tinh thần Nhật. “Biết rằng học bánh Nerikiri đúng chuẩn này sẽ rất khó, các bạn sẽ rất mệt và dễ nản, nên Emma luôn cố gắng động viên từng người, chăm sóc cảm xúc của từng bạn, và hy vọng với sự chân thành của mình, với ly nước thật ngon và đẹp, các bạn sẽ cảm nhận được tình cảm và sự nhiệt huyết của Emma mà cố gắng theo từng nhịp thở, để lớp học được thành công trong niềm vui và tiếng cười. Emma chỉ hy vọng, sau lớp học này, Emma sẽ có nhiều bạn nối nghiệp của Emma để truyền bá Nerikiri chuẩn Nhật đến với tất cả mọi người Việt Nam” – Chị Emma Hương Phạm chia sẻ.
Chị Emma Hương Phạm trước khi mở lớp dạy làm bánh Wagashi là quản lý, bếp trưởng của Silver Creek City resort, giờ là khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Sài Gòn – TOKI SAI GON Resort & Spa. Là người làm việc lâu năm với đối tác Nhật Bản, chị rất thích bánh Wagashi, Chị cho biết, Wagashi có nhiều dòng. Ngay những chiếc bánh Mochi đang thịnh hành trên thị trường hiện nay cũng thuộc Wagashi nhưng dòng thấp hơn. Dòng sản phẩm Nerikiri đang được dạy tại Emma Wagashi là dòng cao cấp nhất bởi khó làm nhất và là dòng bánh phục vụ cho Vua Chúa và Hoàng tộc.
Để làm được một chiếc bánh ngon và đẹp mắt thì mọi công đoạn đều phải chú tâm từng chút một. Từ việc chọn đậu, làm Shiroan cho tới làm bột Nerikiri, tạo hình. Trong những công đoạn, có lẽ cảm nhận độ bột chuẩn là khó nhất, khô quá thì bột sẽ bị nứt mà ướt quá thì dính tay, tất cả đều ảnh hưởng tới việc tạo hình bánh.
Emma Hương chia sẻ, một duyên may cho chị được học hỏi kinh nghiệm làm bánh Wagashi Nerikiri từ bậc thầy người Nhật Takagi, gia đình có 3 đời nổi tiếng về làm bánh Wagashi tại Kyoto. Ban đầu chỉ là làm để đãi bạn bè thân thiết thưởng thức. Nhưng dần dần Hương nhận thấy đây là một thị trường đầy tiềm năng bên cạnh thị trường bánh ngọt châu u vốn đã bão hoà. Đồng thời, hiện có rất nhiều nơi dạy bánh Nerikiri nhưng ko đúng chuẩn Nhật mà chỉ mang hình dáng giống Nerikiri, nên Chị quyết định mở lớp dạy làm bánh Wagashi để đưa loại bánh này đến gần hơn với khách hàng Việt, để sản phẩm chuẩn Nhật được người Việt đón nhận và thưởng thức theo đúng tinh thần Wagashi.
Chị cho biết, không chỉ dạy một khóa học mà Emma Wagashi bảo hành trọn đời cho tất cả các học viên tham gia lớp học bằng cách giải đáp mọi thắc mắc để học viên có thể làm bánh thành công. Những học viên nào thấy chưa đủ tự tin thì được tham gia miễn phí các khóa học sau để nâng cao thêm kiến thức và tay nghề. Ngoài ra, là một chuyên gia trong lĩnh vực maketing ẩm thực, chị Emma còn tận tâm chia sẻ kiến thức kinh doanh với học viên có ý định kinh doanh, nhằm tạo cơ hội cho các bạn đam mê về Wagashi có thể khởi nghiệp thành công.
Cũng theo chị Emma Hương Phạm, làm Wagashi cũng giống như một sự khổ luyện. Người làm Nerikiri phải hội tụ đủ 3 yếu tố: kiên nhẫn, chịu khó và có tâm. Bánh Nerikiri làm ra phải đạt chuẩn, bột trắng mịn một cách tự nhiên mà ko dùng bất cứ hoá chất hay màu thực phẩm nào, luôn đạt được độ mềm mịn và tan chảy trong miệng. Khi tạo hình bánh, người làm Nerikiri phải có một tâm hồn thư thái, để thổi hồn vào từng chiếc bánh. Tất cả Nerikiri đều được làm từ những dụng cụ rất thủ công như đũa nhọn, đũa kim, thanh tam giác, kéo nhọn.. Nếu người làm Nerikiri ko thư thái, sản phẩm làm ra sẽ không có hồn, vẻ đẹp ko tinh khiết, và đường nét sẽ không sắc sảo. Mỗi một mẫu bánh đều rất kỳ công, vì vậy người làm Nerikiri phải trải qua một quá trình tập luyện lâu dài để mang đến những mẫu bánh tinh xảo, điêu luyện và ý nghĩa nhất.
Khi đối diện với bệnh tật, điều mà chị Emma Hương Phạm cảm thấy sợ hãi và đau đớn nhất chính là khi nghĩ rằng mình sẽ không thể cầm đũa để tỉa bông hoa được nữa. Bởi đây chính là nguồn sống, là tình yêu to lớn mà chị đã dành cả thanh xuân để nuôi dưỡng nó. Còn đối với những ai đã tiếp xúc, yêu thương chị thì vẫn luôn mong một ngày chị trở lại với sự rạng rỡ, nhiệt huyết vốn có của chị, vì Wagashi Nerikiri mang ý nghĩa cuộc đời của chị.
Photo: Hải Diễm