Mỗi lá phiếu ấy sẽ góp phần chọn ra người tiêu biểu, đủ đức đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Mỗi cử tri khi tham gia bầu cử không những là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với vận mệnh đất nước. Mỗi lá phiếu bầu là sự gửi gắm trách nhiệm của hàng triệu cử tri trong cả nước đối với người được thay mặt nhân dân gánh vác trọng trách của đất nước thông qua bầu cử.
Tuy nhiên, để lá phiếu thực sự thể hiện ý chí của cử tri thì cần phải khắc phục tình trạng “bầu hộ”, “bầu thay” tại cuộc bầu cử đại biểu quốc hội và HĐND sắp tới.
Năm 1946, khi cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra, Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 khi ấy tròn 15 tuổi. Ông là 1 trong số ít người trong làng Đại Đồng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) biết chữ được huy động ra xã để đọc và viết cho nhân dân.
Trong ký ức của Trung tướng Khuất Duy Tiến, không khí cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 rất đặc biệt: “Dân nô nức ghê gớm lắm, dân được bầu Quốc hội, bầu đại biểu, bầu Nghị viện. Khi ấy làng nước rất vui, trống dong, cờ mở, thiếu nhi rộn ràng, cả làng coi như ăn tết. Làng tôi bầu ở đình. Được đi bầu cử phấn khởi lắm, khác hẳn với thời Pháp thuộc, bởi lúc ấy là được đi bầu, đi chọn người để bầu”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử. Tại Đại hội nhân dân Thủ đô chào mừng các vị ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá I, Người nói: “Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý. Vì vậy, đối với lợi ích chung của Tổ quốc cũng như đối với lợi ích riêng của mỗi người, cử tri phải làm tròn nhiệm vụ của mình, tức là phải nhắc nhở nhau hăng hái đi bỏ phiếu ngày Tổng tuyển cử”.
Luật pháp quy định đi bầu cử không những là quyền mà còn là nghĩa vụ của công dân. Quyền là bầu ra những người đại diện cho mình trong các cơ quan quyền lực của nhà nước. Còn nghĩa vụ là lựa chọn ra người thực sự xứng đáng, thực sự tiêu biểu để bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước thay mặt cử tri quyết định những vấn đề thuộc về Luật pháp, chủ trương chính sách, phát triển kinh tế-xã hội…
Nhận thức rõ trách nhiệm của mình, cử tri Nguyễn Viết Thủy, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: “Tuy là cá nhân thôi nhưng lá phiếu thể hiện là một trong hàng triệu cử tri, thì lá phiếu của mình rất quan trọng để quyết định người chọn lo cho dân, cho nước. Thứ nhất, mong người trúng cử đại biểu Quốc hội cố gắng vì quyền lợi của dân. Mà đã là đại biểu của dân thì có sự trung thực, thẳng thắn. Những vấn đề đời sống của dân, phát triển kinh tế-xã hội, cần phải có những suy nghĩ và qua trình độ hiểu biết đóng góp cho Quốc hội”.
Mỗi lá phiếu thể hiện sự tín nhiệm của cử tri, việc ứng cử viên được nhiều phiếu ủng hộ cũng là sự nhắc nhở đối với người đại biểu quốc hội sau này trước sự tín nhiệm của nhân dân, để trên cơ sở đó cố gắng hoạt động thật tốt, đáp ứng mong đợi của cử tri.
Do đó, mỗi ứng cử viên cần chuẩn bị tốt theo quy định của Luật bầu cử và quy trình bầu cử, chuẩn bị tốt chương trình hành động. Chương trình hành động phải dựa trên cơ sở tìm hiểu tình hình thực tiễn và ý chí nguyện vọng của nhân dân, nêu được vấn đề nhân dân quan tâm và kỳ vọng vào Quốc hội.
Là đại biểu Quốc hội khóa XIII, bà Bùi Thị An gửi gắm mong mỏi cử tri hãy thực sự công tâm, trách nhiệm trong từng lá phiếu bầu, còn ứng cử viên phải xứng đáng với mong đợi của cử tri: “Tôi xin gửi gắm đến tất cả các ứng viên: Làm thế nào để mình thật sự xứng đáng vì lá phiếu của dân bầu, đại diện cho đúng nguyện vọng chính đáng của cử tri. Còn với cử tri, tôi mong tất cả người đủ tuổi đi bầu, hãy nghiên cứu rất kỹ tiểu sử, quá trình của các ứng viên để lựa chọn thì lá phiếu của mình bầu, mai kia không hối tiếc.”
Thực tế qua nhiều cuộc bầu cử, bên cạnh số đông cử tri tâm huyết với đất nước, nêu cao trách nhiệm công dân, cũng còn một bộ phận cử tri có biểu hiện thiếu quan tâm đến cuộc bầu cử, nên thường nhờ người khác bầu hộ, bầu thay. Cũng có một bộ phận không nhỏ cử tri không tìm hiểu kỹ về nhân thân các ứng cử viên, không căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu để so sánh, lựa chọn người thực sự tiêu biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Pha cho rằng, mọi biểu hiện thờ ơ với cuộc bầu cử, không tham gia bỏ phiếu hoặc nhờ người bầu hộ, bầu “cho xong”… không những tự mình tước bỏ quyền lợi thiêng liêng của mình, mà còn là hành xử thiếu trách nhiệm đối với đất nước, với dân tộc.
“Quyền bầu cử là quyền Hiến định, Luật định và là quyền chính trị rất thiêng liêng. Tôi cũng mong muốn tất cả cử tri ngày bầu cử hãy bố trí thời gian để tham dự cuộc bầu cử đầy đủ, đúng giờ và trực tiếp. Đảm bảo cuộc bầu cử tại địa phương mình thành công cũng như góp phần vào cuộc bầu cử trong toàn quốc thành công tốt đẹp, thực sự là ngày hội toàn dân”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ.
Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp để nhân dân cả nước phát huy quyền làm chủ. Vì vậy, mỗi cử tri cần sáng suốt lựa chọn và bầu ra những người tiêu biểu, đủ đức đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, góp phần xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Theo VTC News