đọc tin nhanh

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sử dụng 12.100 tỉ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vaccine phòng dịch COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 1271/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sử dụng 12.100 tỉ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vaccine phòng dịch COVID-19.

Theo Nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời việc mua sắm vaccine phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người dân và toàn xã hội.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan mạnh ở nước ta, nguồn kinh phí này là nguồn lực rất quan trọng để thực hiện Chiến lược vaccine của Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết dùng 12.100 tỉ mua vaccine - ảnh 1
Cả hệ thống chính trị và ngành Y tế đang nỗ lực để có vaccine COVID-19 tiêm phòng cho người dân. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý với phương án sử dụng nguồn kinh phí do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nhận ủng hộ cho phòng, chống dịch COVID-19 để mua vaccine

Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính; Đồng thời hướng dẫn Ủy ban MTTQ các tỉnh, TP chủ trì, phối hợp với sở tài chính địa phương thực hiện chuyển toàn bộ số kinh phí đã tiếp nhận ủng hộ (còn lại) vào ngân sách Nhà nước để mua vaccine phòng COVID-19.

Việc phân bổ, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả.

Ngày 21-5, Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thương mại đã trao tặng Bộ Y tế kinh phí mua vaccine phòng COVID-19 trị giá 100 tỉ đồng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành ngân hàng sẽ luôn cố gắng đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Y tế trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Theo Báo Pháp Luật