Sau khi “sếp” Nguyễn Văn Gấu rời khỏi chức vụ, Cục phó Bùi Phú Hưng được thăng chức Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An ngày 2/7/2018. Vừa lên chức, tân Cục trưởng Bùi Phú Hưng nhận ra Phán quyết Trọng tài “3 sai” không thể thực hiện, nên ký ngay văn bản gửi TAND TP Hồ Chí Minh, nơi công nhận Phán quyết Trọng tài. Tiếp đó, tân Cục trưởng ký một loạt văn bản nhằm sửa sai. Nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó, vị tân Cục trưởng lại “giở quẻ”, nhất nhất chiều theo CPL, thể hiện quyết ép chủ đầu tư vào đường cùng, khai tử Dự án, để “ôm” 130 ha đất…
Công ty Hồng Phát
Lương tâm, trách nhiệm của tân Cục trưởng…
Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An Bùi Phú Hưng nhận thức một cách đầy đủ, rõ ràng Phán quyết Trọng tài không thể thi hành trên thực tế bởi quyền tự do kinh doanh đã được Hiến pháp quy định, việc thành lập công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên, không ai được ép buộc hay làm thay.
Với sự nhận thức sâu sắc về pháp luật, cộng với lương tâm, trách nhiệm và vai trò một lãnh đạo, tân Cục trưởng Bùi Phú Hưng đã làm một việc mà lẽ ra vị Cục trưởng tiền nhiệm Nguyễn Văn Gấu đã phải làm nhiều từ năm trước. Đó là kí kiến nghị gửi toà án, điều mà Công ty Hồng Phát đã từng đề nghị và Cục trưởng Nguyễn Văn Gấu hứa xem xét rồi “quên” cho đến khi “hạ cánh”.
Ngày 5/10/2018, Cục trưởng Bùi Phú Hưng kí Văn bản số 458/CV-CTHADS gửi TAND TP Hồ Chí Minh, nêu cụ thể như sau: Cục THADS tỉnh Long An đang tổ chức thi hành Phán quyết vụ kiện số 29/12 ngày 25/4/2013 (Phán quyết Trọng tài) giữa CPL và Công ty Hồng Phát. Ngày 25/9/2013, TAND TP Hồ Chí Minh có Quyết định số 1171/2013/KDTM công nhận hiệu lực của Phán quyết Trọng tài, có nội dung:“… Chấp nhận yêu cầu của CPL, rằng Công ty Hồng Phát phải thực hiện tiếp tục Thỏa thuận khung, bao gồm thực hiện thủ tục xin phép cần thiết và có được giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty liên doanh của Dự án; và Công ty Hồng Phát phải đóng góp quyền sử dụng đất Giai đoạn 1 đứng tên của Công ty Hồng Phát vào Công ty liên doanh”.
Văn bản 458/CV-CTHADS do Cục trưởng Bùi Phú Hưng kí ngày 5/10/2018, khẳng định “không thực hiên được Phán quyết Trọng tài”
Căn cứ đơn yêu cầu thi hành án của CPL, Quyết định ủy thác của Cục THADS TP Hồ Chí Minh, Cục THADS tỉnh Long An đã tổ chức thi hành xong phần “phí trọng tài” 114.201,16 USD; còn phải tiếp tục thi hành phần nội dung thực hiện Thỏa thuận khung.Cục trưởng Bùi Phú Hưng khẳng định: “Đây là vụ việc phức tạp, việc thực hiện nội dung Phán quyết Trọng tài do hiện nay pháp luật quy định chưa chặt chẽ, rõ ràng nên rất khó để tổ chức thi hành trên thực tế. Cụ thể: Theo quy định của Luật đầu tư và pháp luật khác có liên quan, việc thành lập Công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (kể cả cơ quan THADS) không thể thực hiện thay các bên đương sự. Để thực hiện Phán quyết Trọng tài, quá trình tổ chức thi hành án, Cục THADS đã nhiều lần tạo điều kiện cho hai bên thỏa thuận thành lập Công ty liên doanh, tuy nhiên, đến nay việc thỏa thuận vẫn không có kết quả”.
Cũng trong Văn bản số 458/CV-CTHADS, Cục trưởng Bùi Phú Hưng trích dẫn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Ngày 31/8/2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 8248/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (trên cơ sở Văn bản số 123/BC-BTP ngày 4/6/2018 của Bộ Tư pháp và Văn bản số 3333/VKSTC-V11 ngày 10/8/2018 của Viện KSND Tối cao), nội dung:
“Đồng ý về nguyên tắc hướng giải quyết của Bộ Tư pháp nêu tại Văn bản số 123/BC-BTP ngày 4/6/2018. Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Viện KSND Tối cao, UBND tỉnh Long An thực hiện việc thi hành án liên quan đến Công ty Hồng Phát theo đúng quy định của pháp luật. Nếu có tranh chấp về việc góp vốn và bồi thường thiệt hại trong việc thực hiện Thỏa thuận khung giữa hai công ty, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Viện KSND tối cao, UBND tỉnh Long An hướng dẫn các công ty khởi kiện tại TAND để giải quyết vụ việc thi hành án theo quy định của pháp luật”.
Cục trưởng Bùi Phú Hưng kết luận: “Do đó, để Bản án, Quyết định của Tòa án được thi hành, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, Cục THADS tỉnh Long An thông báo về việc không thực hiện được nội dung nêu trên của Phán quyết Trọng tài và trân trọng đề nghị TAND TP Hồ Chí Minh có hướng dẫn xử lý, thông báo với các đương sự thực hiện các quyền của mình theo quy định của pháp luật để đảm bảo việc thực hiện Phán quyết Trọng tài, Quyết định số 1171/2013/KDTM-ST ngày 25/9/2013 của TAND TP Hồ Chí Minh và sự chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ”.
Như vậy, Cục trưởng Bùi Phú Hưng đã khẳng định rất rõ ràng: “Không thực hiện được Phán quyết Trọng tài”. Liên quan đến việc ngăn chặn 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty Hồng Phát, lãnh đạo của cả ba cơ quan, gồm Cục THADS tỉnh Long An, Tổng cục THADS và Bộ Tư pháp đều thống nhất khẳng định “không có căn cứ”. Cụ thể:
Tại Văn bản số 123/BC-BTP ngày 4/6/2018 của Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng khẳng định: “Không có cơ sở để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản của Công ty Hồng Phát theo Điều 71 của Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014. Theo quy định của Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì sau khi kê biên, cơ quan THADS phải áp dụng các biện pháp tiếp theo để xử lý tài sản như: Thẩm định giá, bán đấu giá, giao tài sản… Trường hợp, cơ quan THADS tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản của Công ty Hồng Phát thì không đúng theo nội dung Phán quyết Trọng tài”.
Tại Văn bản số 4341/TCTHADS-NV1 ngày 26/11/2018, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn, khẳng định: “Theo quy định tại khoản 4 Điều 69, Điều 71 Luật THADS 2014, Cơ quan THADS không có căn cứ để cưỡng chế kê biên tài sản đối với 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty Hồng Phát, đồng thời cũng không có cơ sở để tiếp tục yêu cầu thực hiện Văn bản số 525/CTHA ngày 18/9/2017 của Cục THADS tỉnh Long An”.
Chính Cục trưởng Bùi Phú Hưng cũng có quan điểm nhất thống với lãnh đạo Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS, thể hiện qua hàng loạt văn bản, trong đó có cả Văn bản số 458/CV-CTHADS ngày 5/10/2018 gửi TAND TP Hồ Chí Minh, khẳng định: “Cục THADS tỉnh Long An không có căn cứ để cưỡng chế kê biên tài sản đối với 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 4 Điều 69, Điều 71 Luật THADS 2014; cũng như không có cơ sở để tiếp tục duy trì Công văn số 525/CTHA”.
Không chỉ Cục trưởng Hưng mà cả Viện KSND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đều có cùng quan điểm tại cuộc họp ngày 28/11/2018: “Chấm dứt hiệu lực Văn bản số 525/CTHA”.Ngày 29/11/2018, Chấp hành viên Võ Văn Xuân, Trưởng phòng Nghiệp vụ và Tổ chức THADS – Cục THADS tỉnh Long An, ký Văn bản số 682/CTHADS-NV, về việc “Chấm dứt hiệu lực Văn bản số 525/CTHA ngày 18/9/2017”.
Chấp hành viên Võ Văn Xuân “nhấn mạnh” trong Văn bản số 682/CTHADS-NV: “Trong trường hợp, các bên đã thành lập được Công ty liên doanh mà Công ty Hồng Phát không đưa 13 Quyền sử dụng đất góp vốn vào trong Công ty liên doanh thì Cơ quan THADS sẽ phối hợp với Quý cơ quan để tổ chức việc thi hành án theo đúng quy định của pháp luật”.Văn bản số 682/CTHADS-NV được gửi đến Tổng cục THADS, Chủ tịch UBND tỉnh Long An kiêm Trưởng Ban chỉ đạo THADS tỉnh, Viện KSND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp…
Sáng đúng, trưa sai, chiều…vừa sai vừa đúng (!)
Ngày 29/11/2018, Cục trưởng Bùi Phú Hưng kí Văn bản số 493/BC-CTHADS gửi các cơ quan chức năng, xác định Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Long An ban hành Văn bản số 682/CTHADS-NV về việc “chấm dứt hiệu lực Văn bản số 525/CTHA ngày 18/9/2017”.
Đại diện chủ Dự án trình bày: Sau hơn 14 tháng Công ty Hồng Phát ròng rã khiếu nại, kiến nghị, cựu Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã hai lần chỉ đạo. Lãnh đạo các cơ quan chức năng từ Trung ương (Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ KH&ĐT, Viện KSND Tối cao,…) đến địa phương (UBND tỉnh Long An, Ban Nội chính Tỉnh uỷ, cùng các Sở, ngành liên quan…) đã vào cuộc và có kết luận liên quan đến Phán quyết Trọng tài “3 sai” lộ rõ vi Hiến, cũng như giải toả lệnh “cấm vận” đối với 13 QSDĐ của Công ty Hồng Phát.
Tính từ tháng 5/2018 đến tháng 11/2018, đã có hàng loạt văn bản được ban hành. Trong đó, điển hình là Văn bản số 123/BC-BTP ngày 4/6/2018 của Bộ Tư pháp (được cựu Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng ý trên nguyên tắc), Văn bản số 4341/TCTHADS-NV1 ngày 26/11/2018 của Tổng cục THADS; Văn bản số 458/CV-CTHADS ngày 5/10/2018 của Cục THADS tỉnh Long An…
Trong các văn bản này, ngoài nội dung “không có cơ sở để ngăn chặn, cưỡng chế kê biên đối với 13 QSDĐ”, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS và Cục THADS tỉnh Long An kết luận nội dung mang tính cốt lõi, là: Việc thành lập Công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của Công ty Hồng Phát và Công ty CPL; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (kể cả cơ quan đăng ký kinh doanh hay cơ quan THADS) không thể thực hiện thay các bên đương sự. Khi các bên đã thành lập được Công ty liên doanh mà Hồng Phát không đưa 13 QSDĐ góp vốn vào Công ty Liên doanh, thì Cơ quan THADS sẽ tổ chức việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật THADS.Ngoài các văn bản nêu trên, lãnh đạo Tổng cục THADS và Cục THADS tỉnh Long An còn xác định rõ với CPL tại nhiều cuộc họp, cũng như giải quyết khiếu nại của CPL. Cụ thể:
Tại cuộc họp “giải quyết việc thi hành Phán quyết Trọng tài” ngày 17/10/2018, do Cục trưởng Bùi Phú Hưng chủ trì, có sự tham dự của đại diện CPL gồm Tổng Giám đốc Alan Tong Kwok Lun và Luật sư Lương Văn Trung. Cuộc họp này được Cục trưởng cho công khai ghi âm, ghi hình toàn bộ quá trình làm việc để lưu hồ sơ làm cơ sở giải quyết thi hành án theo quy định pháp luật. Cục trưởng Hưng kết luận:
Thứ nhất, việc thành lập công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự, không ai được làm thay.
Thứ hai, Cục THADS tỉnh Long An không có cơ sở tiếp tục thực hiện Văn bản số 525/CTHA vì không thể ra quyết định cưỡng chế theo quy định. Đến hết ngày 26/10/2018 mà hai công ty không thành lập được Công ty liên doanh thì Cục THADS sẽ ra văn bản chấm dứt thực hiện nội dung Văn bản số 525/CTHA.
Thứ ba, trường hợp có tranh chấp trong việc thực hiện Thỏa thuận khung cũng như các vấn đề khác có liên quan thì các bên khởi kiện tại Tòa án nhân dân hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Khi các bên đã thành lập được Công ty liên doanh mà Công ty Hồng Phát không đưa 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất góp vốn vào Công ty liên doanh thì Cơ quan THADS sẽ xem xét cưỡng chế theo quy định của pháp luật về THADS.
Không chấp nhận cách giải quyết của Cục THADS tỉnh Long An, CPL khiếu nại lên Trung ương. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tư pháp, ngày 14/11/2018, Tổng cục THADS làm việc với ông Alan Tong Kwok Lun và Luật sư Lương Văn Trung đại diện theo ủy quyền của CPL, theo như nội dung thư đề nghị.
Văn bản số 4347/TCTHADS-NV1 ngày 26/11/2018 của Tổng cục THADS, chỉ đạo về việc các bên có quyền khởi kiện ra toà án.
Sau cuộc họp, ngày 26/11/2018, Tổng cục THADS gửi CPL Văn bản số 4347/TCTHADS-NV1, nêu rõ: “Tại buổi làm việc ngày 14/11/2018, Tổng cục THADS đã thông báo cho Công ty CPL về quá trình tổ chức thi hành Phán quyết Trọng tài, các quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư, đất đai, THADS… Theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật khác có liên quan, việc thành lập Công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (kể cả cơ quan THADS) không thể thực hiện thay các bên đương sự. Để thực hiện Phán quyết Trọng tài, quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan THADS đã nhiều lần tạo điều kiện cho hai bên thỏa thuận thành lập Công ty liên doanh nhưng đến nay vẫn không thành lập được.
Do đó, Cơ quan THADS không có căn cứ để cưỡng chế kê biên đối với 13 QSDĐ theo quy định tại khoản 4 Điều 69, Điều 71 Luật THADS; cũng như không có cơ sở để tiếp tục thực hiện Công văn số 525/CTHA ngày 18/9/2017. Khi các bên đã thành lập được Công ty liên doanh mà Công ty Hồng Phát không đưa 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất góp vốn vào trong Công ty liên doanh thì về nguyên tắc, cơ quan THADS sẽ xem xét tổ chức việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Trường hợp có tranh chấp trong việc thực hiện Thỏa thuận khung cũng như các vấn đề khác có liên quan thì các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật”.
Hàng loạt văn bản của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS và Cục THADS tỉnh Long An, là những tài liệu xác thực chứng minh tính đúng đắn của Văn bản số 458/CV-CTHADS ngày 5/10/2018 do Cục trưởng Bùi Phú Hưng kí gửi TAND TP Hồ Chí Minh. Do TAND TP Hồ Chí Minh có văn bản thể hiện công nhận phán quyết “3 sai” nên Cục trưởng Hưng kiến nghị cơ quan này có “hướng dẫn xử lý, thông báo với các đương sự thực hiện các quyền của mình theo quy định của pháp luật” là hoàn toàn có căn cứ.
Quyền của các đương sự chính là khởi kiện ra toà án khi có tranh chấp về việc góp vốn hay bồi thường thiệt hại trong việc thực hiện Thỏa thuận khung cũng như các vấn đề khác có liên quan. Đây là chỉ đạo của cựu Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Văn bản số 8248/VPCP-V.I ngày 31/8/2018 và cũng là chỉ đạo của Tổng cục THADS tại Văn bản 4341/TCTHADS-NV1 ngày 26/11/2018. Chính Cục trưởng Hưng cũng đã nêu vấn đề khởi kiện cho CPL tại cuộc họp ngày 17/10/2018.
Tóm lại, tính đến thời điểm ngày 29/11/2018 khi kí ban hành Văn bản số 493/BC-CTHADS, Cục trưởng Bùi Phú Hưng đã nhận thức sâu sắc: Phán quyết Trọng tài ép buộc hai công ty thành lập liên doanh là không thực hiện được. Hơn nữa, theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, thì cũng không còn quy định hình thức lập Công ty liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và Nhà đầu tư nước ngoài.
Mọi thứ đã quá rõ ràng. Lẽ ra, Cục trưởng Hưng phải xử lý việc thi thành án theo quy định của pháp luật, tiếp tục kí Văn bản gửi TAND TP Hồ Chí Minh và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – VIAC đề nghị “gỡ nút thắt” đồng thời có văn bản gửi Sở KH&ĐT tỉnh Long An cho ý kiến chuyên môn theo Luật Đầu tư năm 2014. Đằng này, Cục trưởng Hưng như bị thế lực nào đó rất mạnh, có thể đứng sau “giật dây”, khiến ông này “quay 1800”.
Thông báo số 05/TB-CTHADS ngày 18/12/2018, do Cục trưởng Hưng kí thay đổi Chấp hành viên từ ông Võ Văn Xuân sang ông Đặng Hoàng Yên.
Ngày 18/12/2018, Cục trưởng Hưng bất ngờ kí văn bản thay đổi Chấp hành viên từ ông Võ Văn Xuân sang ông Đặng Hoàng Yên. Văn bản phân công được ký chưa ráo mực, Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên kí ngay Quyết định 07/QĐ-CTHADS (Quyết định 07), nội dung: “Tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với 13 quyền sử dụng đất đứng tên Công ty Hồng Phát cho đến khi các bên thi hành xong Phán quyết Trọng tài”.
Bất chấp Công ty Hồng Phát khiếu nại gay gắt, ngày 6/3/2019, Cục trưởng Bùi Phú Hưng lạnh lùng xuống tay kí Quyết định số 06/QĐ-CTHADS, “giữ y Quyết định 07”. Sự “trở quẻ” của Cục trưởng Hưng thể hiện đẩy việc thi hành Phán quyết Trọng tài vào khủng hoảng mới khủng hiếp hơn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không thể khắc phục…
Vừa được Cục trưởng Bùi Phú Hưng phân công, Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên kí ngay Quyết định 07.
Bất chấp pháp luật, ngang nhiên kí bừa vì có “chống lưng” ?
Trong khi một loạt Văn bản của Văn phòng Chính phủ, Viện KSND Tối cao, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Cục THADS tỉnh Long An… vẫn còn nguyên giá trị pháp lý, chưa bị thu hồi thì Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên lại ngang nhiên kí Quyết định 07, tái lập ngăn chặn 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty Hồng Phát. Việc làm này của Chấp hành viên Yên thể hiện sự xem thường pháp luật đến mức không cần đưa ra lý do ngăn chặn, mà chỉ nêu “xét thấy cần ngăn chặn” là thò bút kí ngay (!)
Về phía ông Cục trưởng, để kí ban hành Quyết định số 06, “giữ y Quyết định 07”, Cục trưởng Bùi Phú Hưng không chỉ xem thường sự chỉ đạo của cấp trên mà còn thể hiện như là tự “tát vào mặt mình” khi đảo ngược hàng loạt văn bản do chính ông vừa mới kí trước đây. Vị Cục trưởng không chút “ngượng” khi cũng “xét thấy” Chấp hành viên kí Quyết định 07 là cần thiết, để tạo thuận lợi cho Hồng Phát và CPL thỏa thuận thi hành Phán quyết Trọng tài” (?!)
Cục trưởng Bùi Phú Hưng “xét thấy” được điều gì khi mà trước đó, chính ông Hưng đã liên tục khẳng định: “Cục THADS tỉnh Long An đã nhiều lần tạo điều kiện cho hai bên thoả thuận thi hành Phán quyết Trọng tài nhưng không có kết quả”. Rồi cũng chính ông Hưng ký văn bản gửi toà án xác định “không thực hiện được Phán quyết Trọng tài” và đề nghị các bên “khởi kiện ra toà án”…
Mặt khác, nguyên nhân cốt lõi “không thực hiện được Phán quyết Trọng tài” đã được Cục trưởng Hưng phân tích, chỉ rõ trong Văn bản số 458/CV-CTHADS ngày 5/10/2018. Rõ ràng, Phán quyết Trọng tài buộc hai bên lập Công ty liên doanh là trái ý chí tự nguyện, tước đi “Quyền tự do kinh doanh” đã được Hiến định.
Ngoài nguyên nhân đã được Cục trưởng Hưng chỉ ra, Phán quyết Trọng tài kéo dài gần 6 năm (tính đến thời điểm ông Hưng kí Quyết định 06) không thi hành được, còn có hai nguyên nhân khác: Đầu tiên là sự điều chỉnh của pháp luật về đầu tư năm 2014 (sẽ được phản ánh ở phần cuối). Tiếp đến là chiêu trò của CPL, đã được Báo (nay là Tạp chí) Người cao tuổi cùng nhiều cơ quan ngôn luận trong cả nước vạch trần.
Qua nhiều tài liệu chứng cứ và thực tế đã minh chứng Công ty Hồng Phát luôn nghiêm túc thực thi Phán quyết Trọng tài. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi càng kéo dài thì càng gây thiệt hại cho chủ đầu tư. Ngược lại, phía CPL ngay từ đầu đã giở chiêu trò ma mãnh, sau khi bỏ ra 15,6 triệu USD “tạm ứng” cho Dự án đã “đút túi” 80 triệu USD bằng thủ đoạn đưa Dự án lên sàn chứng khoán Hồng Kông với cái tên “Saigon Beverly Hills”, thể hiện dấu hiệu lừa gạt các cổ đông và nhà đầu tư.
Sau một loạt chiêu trò tung ra, CPL khởi kiện để có được Phán quyết Trọng tài “như ý”, nhưng không thực thi mà lấy Phán quyết Trọng tài làm “kim bài” để “khiển” Cơ quan THADS “xoay lòng vòng” đến “loạn đầu, nhức óc” rồi sa lầy. Dễ nhận ra, dấu hiệu CPL đã mượn tay Cơ quan THADS để chống phá, làm tê liệt Dự án suốt một thời gian dài bằng thủ đoạn ngăn chặn 13 QSDĐ của Công ty Hồng Phát.
Cứ tưởng sau khi ngồi vào chiếc ghế của “sếp” Nguyễn Văn Gấu để lại, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An Bùi Phú Hưng nhận ra được chiêu trò của CPL. Nhưng tiếc thay, ngay sau khi Cục trưởng Hưng kí Quyết định 06, CPL đã lộ nguyên hình: CPL muốn “trảm” Phán quyết Trọng tài, “khai tử” Dự án, ra yêu sách “đòi chia 130 ha đất” cắt ra từ 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty Hồng Phát.
Ngày 15/8/2019, CPL có văn bản gửi Chính phủ, xác định: “Mâu thuẫn giữa CPL và Hồng Phát kéo dài, không thể tháo gỡ, hai bên hợp tác thành lập Công ty liên doanh là không còn khả thi, nên “chia đất” cho CPL là giải pháp duy nhất để giải quyết dứt điểm tranh chấp”.
Để đạt được mục đích “chia đất”, CPL không từ bất kỳ thủ đoạn nào, kể cả việc yêu cầu UBND tỉnh Long An buộc Công ty Hồng Phát ngưng thực hiện Dự án. Yêu cầu hết sức phi lý, hoàn toàn trái quy định pháp luật của CPL vẫn được Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần (nay đã nghỉ hưu) chấp thuận bằng Văn bản số 82/BB-UBND ngày 13/11/2019.
Ngay sau đó, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kí văn bản ngày 18/11/2019, đề xuất Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Long An sớm có kết luận về đề nghị của CPL đòi “chia 130 ha đất” (?!) Văn bản này còn thể hiện một vấn đề rất khó tin mà Báo (nay là Tạp chí) Người cao tuổi đã phản ánh trên các số báo phát hành cuối năm 2019: Chính Tổng cục THADS đã chỉ đạo Cục THADS tỉnh Long An ban hành Quyết định 07 theo yêu cầu lãnh đạo Bộ Tư pháp (?!) Điều này đã lý giải vì sao Cục trưởng Bùi Phú Hưng và Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên lại bất chấp quy định pháp luật, thể hiện dấu hiệu làm lệch cán cân công lí, thể hiện ra mặt “yểm trợ, tiếp sức” cho CPL chống phá Dự án, nhằm thực hiện ý đồ riêng.
Dù có “chống lưng” nhưng với vai trò Cục trưởng, hơn ai hết ông Bùi Phú Hưng chắc chắn đã nhận ra hậu quả của việc tái lập ngăn chặn trái pháp luật tài sản có giá trị đặc biệt lớn. Công ty Hồng Phát là chủ đầu tư Dự án, đã và đang phải chịu “một cổ, hai tròng”, vừa bị Cục THADS tỉnh Long An ngăn chặn toàn bộ 232,66 ha đất; vừa bị Chủ tịch UBND tỉnh ra lệnh tạm dừng triển khai, khiến cho Dự án bị “cấm vận” toàn diện, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Theo Công ty Hồng Phát trình bày, chỉ riêng tài chính, chủ đầu tư đã gánh chịu thiệt hại hơn 900 tỉ đồng nhưng vẫn chưa dừng lại.
Như vậy, với những gì đã và đang diễn ra, ông Cục trưởng Bùi Phú Hưng đã tạo thuận lợi cho Công ty Hồng Phát và CPL thỏa thuận thi hành Phán quyết Trọng tài, hay giúp CPL đạt mục đích “chia 130 ha đất”? Rõ ràng, điều này thể hiện Cục trưởng Hưng nhận ra Quyết định 07 và Quyết định 06 gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng không chút lo sợ vì đã có “chống lưng”? Bằng chứng là cho đến nay đã gần 3 năm kể từ khi ban hành Quyết định 07 trái pháp luật nhưng Cục trưởng Hưng vẫn cho duy trì để cho CPL mặc tình “hô mưa, gọi gió”, bất chấp hậu quả đã bày ra trước mắt, cũng như vô cảm trước sự kêu cứu đến tuyệt vọng của Công ty Hồng Phát.
Sập bẫy CPL, Cục THADS “cầu cứu” Sở KH&ĐT “hướng dẫn” (!)
Cục trưởng Bùi Phú Hưng hoàn toàn bất lực trước việc CPL quyết liệt muốn “trảm” Phán quyết Trọng tài, “đòi chia 130ha đất”. Biết đã sập bẫy của CPL, nên ngày 2/7/2020, Cục THADS tỉnh Long An có Văn bản số 273/CTHADS gửi Sở KH&ĐT tỉnh về việc “hướng dẫn hình thức, trình tự thủ tục, hồ sơ, cơ sở pháp lý để CPL và Hồng Phát thành lập Công ty liên doanh” theo Phán quyết Trọng tài.
Ngày 8/7/2020, ông Nguyễn Anh Việt, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT kí Văn bản số 2397/SKHĐT-KTĐN gửi Cục THADS tỉnh Long An, xác định: Tại thời điểm hai bên ký Thỏa thuận khung ngày 1/6/2007, hoạt động đầu tư của Nhà đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam tuân theo quy định của Luật Đầu tư năm 2005 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006) và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Pháp luật về đầu tư tại thời điểm này có quy định về hình thức đầu tư “thành lập Tổ chức kinh tế liên doanh” giữa các Nhà đầu tư trong nước và Nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, từ thời điểm ký Thỏa thuận khung đến nay, Công ty liên doanh chưa thành lập.
Phó Giám đốc Việt khẳng định: Luật Đầu tư năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015) không quy định hình thức đầu tư thành lập Tổ chức kinh tế liên doanh giữa các Nhà đầu tư trong nước và Nhà đầu tư nước ngoài. Căn cứ Luật Đầu tư năm 2014, Sở KH&ĐT hướng dẫn về trình tự thủ tục, hồ sơ, cơ sở pháp lý để Cục THADS, CPL và Hồng Phát nghiên cứu, lựa chọn 1 trong 2 hình thức sau:
Hình thức 1: Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế. Hình thức 2: Đầu tư thành lập Tổ chức kinh tế.
Ngày 11/6/2021, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Long An Huỳnh Văn Sơn kí Văn bản số 2215/SKHĐT-KTĐN, “hướng dẫn” hai công ty theo Luật Đầu tư năm 2020. Ông Sơn xác định: Hiện nay, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Trong đó, Luật Đầu tư 2020 không quy định hình thức đầu tư thành lập Tổ chức kinh tế liên doanh giữa các Nhà đầu tư trong nước và Nhà đầu tư nước ngoài. Căn cứ Luật Đầu tư năm 2020, Sở KH&ĐT tiếp tục thông báo hướng dẫn để hai công ty nghiên cứu, lựa chọn 1 trong 2 hình thức sau:
Hình thức 1: CPL góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào Công ty Hồng Phát.
Hình thức 2: Công ty Hồng Phát và CPL thông qua việc điều chỉnh Dự án đầu tư (điều chỉnh bổ sung Nhà đầu tư), thành lập Tổ chức kinh tế thực hiện Dự án.
Theo dõi tranh chấp, Luật sư Nguyễn Minh Tường, Công ty Luật Phan Nguyễn, TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm: Công ty Hồng Phát không thể chọn lựa các hình thức đầu tư do Sở KH&ĐT hướng dẫn. Bởi, Phán quyết Trọng tài buộc lập Công ty liên doanh theo Luật Đầu tư năm 2005. Trong khi Luật Đầu tư năm 2014 và 2020 đều không còn hình thức đầu tư kiểu này, làm Phán quyết Trọng tài không thi hành được. Mặt khác, tất cả hình thức đầu tư mà Sở KH&ĐT hướng dẫn đều có một điểm chung là hai bên phải có thỏa thuận mới. Trong khi CPL xác định mâu thuẫn với Hồng Phát kéo dài, không thể hoá giải. Chưa hết, suốt nhiều năm qua, CPL xem Hồng Phát là đối nghịch, luôn bày mưu tính kế hãm hại, khiến Dự án bị “cấm vận” toàn diện, đẩy chủ đầu tư vào đường cùng. Đích cuối cùng của CPL là muốn “chia 130ha đất” thì làm sao có “thỏa thuận mới”?
Luật sư Nguyễn Minh Tường rất lấy làm tiếc cho Cục trưởng Bùi Phú Hưng. Nếu tại thời điểm tháng 10/2018, sau khi kí văn bản gửi TAND TP Hồ Chí Minh, Cục trưởng Bùi Phú Hưng có văn bản gửi sở KHĐT đồng thời xử lý quyết liệt việc Phán quyết Trọng tài không thể thi hành theo quy định pháp luật, thì chắc chắn không gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không thể khắc phục. Thiệt hại đã gây ra cho Công ty Hồng Phát, cần phải xem xét trách nhiệm của Lãnh đạo Cục THADS tỉnh Long An và Chấp hành viên có liên quan từ năm 2014 đến nay, theo Điều 165 Luật THADS.
Quyết định 06 của Cục trưởng Bùi Phú Hưng “giữ y” Quyết định 07 của Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên
Biên bản cuộc họp thi hành Phán quyết Trọng tài ngày 1/4/2019 do Cục trưởng Bùi Phú Hưng chủ trì, có nội dung thể hiện CPL đòi “chia đất”.
Sau gần 8 năm chịu đựng Phán quyết Trọng tài “3 sai”, chắc chắn Công ty Hồng Phát sẽ có biện pháp thích ứng…
Theo https://ngaymoionline.com.vn/khang-dinh-phan-quyet-trong-tai-khong-thuc-hien-duoc-cuc-truong-cuc-thads-tinh-long-an-van-co-tinh-lam-trai-tiep-theo-27116-27116.html