Thời gian qua, Báo (nay là Tạp chí) Người cao tuổi và Tạp chí điện tử Ngày mới liên tục đăng bài chỉ ra hàng loạt dấu hiệu vi phạm pháp luật của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Long An Bùi Phú Hưng liên quan đến việc ngăn chặn 232,66ha đất của Công ty Cổ phần địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát). Không chỉ dư luận mạnh mẽ lên tiếng, hàng loạt cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đề nghị xử lý. Mặc dù Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhiều lần chỉ đạo giải quyết nhưng đến nay, Cục trưởng Bùi Phú Hưng vẫn không giải quyết, trước những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng mà chủ đầu tư ngày từng ngày phải oằn mình gánh chịu…
Trụ sở Công ty Hồng Phát
Ý kiến xác đáng của Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội
Không chỉ đăng nhiều loạt bài điều tra, phản ánh, Tạp chí Người cao tuổi còn gửi Công văn (số 10/CV-TCNCT ngày 10/4/2020) đến các cơ quan chức năng. Nhiều cơ quan đã chỉ đạo xử lý thể hiện tại các Văn bản số 374/VPCTN-PL ngày 24/4/2020 của Văn phòng Chủ tịch nước; Văn bản số 128/BDN ngày 24/4/2020 của Ban Dân nguyện Quốc hội; Văn bản số 1133/TB-X05-P6 ngày 29/4/2020 của Bộ Công an…
Quan tâm đến vụ việc này, lãnh đạo Chính phủ, cụ thể là ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã 5 lần chỉ đạo xử lý kiến nghị, tố cáo của Công ty Hồng Phát. Đáng chú ý, chỉ trong 20 ngày, ông Trương Hòa Bình đã có 2 lần chỉ đạo, thể hiện tại Văn bản số 2626/VPCP-V.I ngày 16/4/2021 và Văn bản số 2964/VPCP-V.I ngày 5/5/2021 của Văn phòng Chính phủ.
Tiến sĩ luật Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội
Lên tiếng mạnh mẽ nhất là Tiến sĩ luật Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội khoá 14, hiện là Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội. Chia sẻ bức xúc với doanh nghiệp, trước diễn đàn Quốc hội ngày 15/6/2020, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng lên tiếng:“Tôi đề nghị Chính phủ tìm mọi biện pháp hỗ trợ tối đa, nới lỏng cái dây buộc cho các doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp khốn khổ hằng chục năm nay, đề nghị Chính phủ cũng phải tìm cách để giải thoát cho người ta, để tránh có những “âm mưu nọ, âm mưu kia”, làm cho các doanh nghiệp này rơi vào tình trạng khốn khổ. Đầu tư xong bây giờ đứng chết nhăn răng ở giữa đường! Tôi lấy ví dụ như trường hợp Công ty Hồng Phát ở Long An, tôi theo dõi trường hợp này đến bây giờ quả thật là họ rất đau lòng…”.
Không chỉ nêu trước diễn đàn Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng còn gửi Văn bản đến Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ: “Tôi nhận được Đơn kêu cứu khẩn cấp của bà Trần Thị Việt Thanh, người đại diện theo pháp luật của Công ty Hồng Phát. Đơn được gửi tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đề nghị xem xét việc chỉ đạo thi hành Phán quyết Trọng tài số 29/12 của VIAC; trong đó, yêu cầu các bên thoả thuận thành lập Công ty liên doanh.
Quá trình thi hành Phán quyết Trọng tài nêu trên, liên tục bị vướng vào nhiều khuất tất, sai phạm nghiêm trọng, đến nay vụ việc không những không được tháo gỡ mà ngược lại ngày càng rơi vào tình trạng bế tắc, càng làm cho tình hình rối thêm, làm đình trệ quá trình đầu tư. Dự án nhiều năm nay bị cố ý cản trở; trong khi đó, Công ty Hồng Phát đã bỏ ra khoảng 1.000 tỷ đồng đầu tư vào dự án, gây lãng phí nguồn lực cả phía doanh nghiệp và Nhà nước, địa phương.
Xung quanh vụ việc nêu trên, có một số vấn đề rất cần Thủ tướng Chính phủ khẩn trương chỉ đạo xem xét một cách toàn diện, khách quan, đúng pháp luật để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho Công ty Hồng Phát, nhất là trong giai đoạn “hậu Covid-19” và giúp doanh nghiệp tránh được thiệt hại nghiêm trọng do đình trệ dự án”.
Văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ của Tiến sĩ luật Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội khoá 14, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội
Một là, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xem xét việc cố tình buộc thành lập liên doanh giữa Công ty Hồng Phát và CPL (CPL là doanh nghiệp như thế nào các cơ quan có thẩm quyền còn chưa rõ, thậm chí có thể là doanh nghiệp trá hình rửa tiền, có thông tin chính CPL đã sử dụng thông tin của dự án để lên sàn kiếm hàng chục triệu đô la ở nước ngoài) chưa được cấp phép đầu tư, nhằm đảm bảo tôn trọng quyền tự định đoạt của các doanh nghiệp theo pháp luật.Ông Lưu Bình Nhưỡng nêu cụ thể 4 vấn đề:
Theo nguyên tắc của pháp luật quy định trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp…thì không ai có quyền buộc các bên thiếu thiện chí, không tự nguyện phải cùng thành lập doanh nghiệp kinh doanh chung. Việc thành lập một doanh nghiệp hay tiến hành sự nghiệp làm ăn phải dựa trên tín nhiệm, lòng tin, thiện chí. Nói cách khác, không thể có cuộc “hôn nhân kinh tế” nếu các bên không tin cậy lẫn nhau; các cơ quan công quyền không được sử dụng quyền lực “ép buộc”, “cưỡng bách” các doanh nghiệp phải làm ăn với nhau khi họ không có chung lợi ích hoặc có bên tìm cách lợi dụng, phá hoại lẫn nhau và xâm hại nền kinh tế.
Hai là, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý việc ra các Quyết định thi hành Phán quyết Trọng tài số 29/12 không đúng pháp luật. Trong Phán quyết Trọng tài, không có bất kỳ điều khoản nào cho phép cưỡng chế bất kỳ món tài sản nào của Công ty Hồng Phát để thi hành điều khoản thực hiện Thoả thuận khung. Vì bản chất của việc Thỏa thuận thành lập công ty và xử lý tài sản là hai việc không liên quan với nhau. Nếu cưỡng chế tài sản hợp pháp của Công ty Hồng Phát là vi Hiến, vi phạm pháp luật. Cơ quan THADS không có quyền đứng trên luật pháp để cưỡng chế kê biên, gây khó khăn hoặc có bất kỳ hành vi bất hợp pháp nào cho bất kỳ khối tài sản nào mà không được phán quyết về tư pháp cho phép.
Ba là, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xem xét việc cố tình “gắn ghép” khoản tiền 15 triệu USD của CPL thành khoản đầu tư của Công ty liên doanh. Trong mọi tình huống, khi Công ty Hồng Phát và CPL không phải là liên doanh thì khoản tiền đó do các bên tự giải quyết hoặc đề nghị Toà án nhân dân giải quyết theo pháp luật. Đến thời điểm này thì khoản tiền 15 triệu USD không phải là vốn chính thức đầu tư trong bất kỳ công ty nào, chưa ai kiện đòi, nhưng lại lấy đó làm cơ sở cưỡng chế tài sản của Hồng Phát rõ ràng là không hợp đạo lý và trái pháp luật. Cũng cần xem xét: Trong khi Công ty CPL chưa được cấp phép đầu tư mà đã chuyển 15 triệu USD vào Việt Nam thì có hợp pháp hay không? Trái lại, có dấu hiệu gây khó khăn, dồn doanh nghiệp trong nước vào nguy cơ phá sản?
Bốn là, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xem xét vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân người có thẩm quyền có liên quan đến vụ việc thi hành Phán quyết trọng tài. Thời gian qua, trong nhiều đơn thư Công ty Hồng Phát đều nêu có nhiều cán bộ, công chức có hành vi trái pháp luật, thậm chí có dấu hiệu phạm tội, xâm phạm quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp, pháp luật, gây nhiều thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn chưa được xem xét, xử lý theo pháp luật.
Về hướng giải quyết Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, cán bộ có thẩm quyền thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình tại Văn bản số 8248/VPCP-V.I ngày 31/8/2018. Trong đó nêu rõ: “Đồng ý về nguyên tắc hướng giải quyết của Bộ Tư pháp nêu tại Văn bản số 123/BC-BTP ngày 4/6/2018”. Đây là văn bản định hướng giải quyết hợp đạo lý và chính là giải pháp tốt nhất, đúng pháp luật, an toàn nhất về mọi phương diện đối với vụ việc tranh chấp giữa Công ty Hồng Phát và CPL. Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo để làm sáng tỏ các vấn đề, giải quyết thấu triệt các nội dung kiến nghị của Công ty Hồng Phát, tránh gây thiệt hại, tổn thương cho doanh nghiệp, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Hậu quả từ lệnh “cấm vận” của Cục THADS tỉnh Long An
Như trong nhiều loạt bài điều tra, phản ánh suốt hơn 3 năm qua, đặc biệt là loạt bài đăng từ ngày 4/9/2021 đến cuối năm 2021, Tạp chí Người cao tuổi và Tạp chí điện tử Ngày mới có đầy đủ căn cứ để khẳng định: Quyết định 07/QĐ-CTHADS (Quyết định 07) ngày 18/12/2018, do Chấp hành viên THADS tỉnh Long An Đặng Hoàng Yên kí, phong toả toàn bộ 13 Quyền sử dụng đất với 232,66ha của Công ty Hồng Phát và Quyết định 06/QĐ-CTHADS (Quyết định 06) ngày 6/3/2019 do Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An Bùi Phú Hưng kí “giữ y Quyết định 07” thể hiện rõ ràng trái quy định của pháp luật…Chuỗi sai phạm nối tiếp sai phạm, làm cho thi hành án sa lầy, không lối thoát. Với một loạt sai phạm thể hiện mang tính cố ý, kéo dài đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ngày càng khó khắc phục. Trong khi, Công ty Hồng Phát là bên phải thi hành án, gánh chịu toàn bộ thiệt hại nặng nề do việc thi hành án kéo dài suốt hơn 8 năm qua.“Vùi dập” Dự án, “cấm vận” chủ đầu tư đến bao giờ?
Chúng tôi đặt vấn đề: Có dấu hiệu “chống lưng”, nên Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên và Cục trưởng Bùi Phú Hưng mới bất chấp quy định pháp luật, ngang nhiên kí văn bản trái luật, ra mặt “yểm trợ, tiếp sức” cho Công ty CPL có hành vi thể hiện chống phá Dự án, nhằm thực hiện ý đồ riêng. Tuy nhiên, đến nay, lãnh đạo Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS vẫn chưa phản hồi cũng như có hướng xử lý đối với Quyết định 07 ban hành đã hơn 3 năm. Còn Cục trưởng Bùi Phú Hưng thì luôn giữ thái độ im lặng kiểu “4 không”: không biết – không nghe – không thấy – không ý kiến (?!)
Quan quan tâm đến vụ việc này, ngày 4/5/2021, ông Mai Văn Nhiều, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Long An ký Văn bản số 230/HĐND-TTDN, nêu rõ: Thường trực HĐND tỉnh Long An nhận đơn của Công ty Hồng Phát kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo THADS tỉnh có ý kiến chỉ đạo Cục THADS tỉnh chấm dứt thực hiện Quyết định 07 ngày 18/12/2018 của Cục THADS tỉnh; giải tỏa việc yêu cầu Công ty Hồng Phát tạm ngưng triển khai dự án và tạm dừng thực hiện các hợp đồng đã ký kết với các đối tác; làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân liên quan đến việc ban hành. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Thường trực HĐND chuyển đơn đến Chủ tịch UBND tỉnh để xử lý theo thẩm quyền, giải quyết bằng văn bản và thông báo kết quả cho Thường trực HĐND tỉnh theo quy định pháp luật.
Cảm thông, chia sẻ bức xúc của Công ty Hồng Phát, trong năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã 4 lần chỉ đạo bằng văn bản. Cụ thể:
Ngày 19/1/2021, UBND tỉnh Long An có Văn bản số 441/UBND-NCTCD, gửi Cục THADS tỉnh, nêu rõ:“Chủ tịch UBND tỉnh nhận đơn của Công ty Hồng Phát kiến nghị khẩn trương thu hồi mệnh lệnh hành chính, buộc tạm dừng dự án đã đầu tư hơn nghìn tỉ, trái pháp luật, kéo dài hơn 12 tháng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (kèm đơn, hồ sơ). Sau khi xem xét nội dung đơn và căn cứ quy định của pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh chuyển đơn của Công ty Hồng Phát đến Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An kiểm tra nội dung đơn, giải quyết theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả Chủ tịch UBND tỉnh”.
Ngày 20/4/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Long An tiếp tục có Văn bản số 3303/UBND-NCTCD, chỉ đạo Cục THADS tỉnh xem xét, kiểm tra đơn kiến nghị của Công ty Hồng Phát, tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ngày 27/5/2021, UBND tỉnh Long An có Văn bản số 4664/UBND-NCTCD gửi Cục THADS tỉnh, nội dung:“Chủ tịch UBND tỉnh nhận đơn kiến nghị khẩn cấp đề ngày 21/5/2021 của Công ty Hồng Phát, kiến nghị Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban chỉ đạo THADS tỉnh chấm dứt thực hiện theo yêu cầu trái pháp luật của Công ty CPL. Chủ tịch UBND tỉnh chuyển đơn của Công ty Hồng Phát đến Cục THADS tỉnh Long An để xem xét, kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Mới nhất là Văn bản số 11458/UBND-NCTCD ngày 17/11/2021, nêu rõ: “Chủ tịch UBND tỉnh nhận đơn kiến nghị khẩn cấp số 76/CV-CPHP.21 ngày 8/11/2021của Công ty Hồng Phát, kiến nghị “Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban chỉ đạo THADS tỉnh Long An thu hồi các văn bản trái pháp luật, chấm dứt can thiệp vào tranh chấp doanh nghiệp, gây thiệt hại hơn 900 tỉ đồng cho chủ đầu tư”. Chủ tịch UBND tỉnh giao Cục THADS tỉnh xem xét, kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Có đến 4 lần, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Long An chỉ đạo với nội dung rất cụ thể nhưng đến thời điểm này, theo khẳng định Công ty Hồng Phát, chưa nhận được bất kỳ văn bản phản hồi nào từ Cục THADS tỉnh Long An. Trong khi đó, lệnh “cấm vận” dự án bằng Quyết định 07 và Quyết định 06 “giữ y Quyết định 07” kéo dài đã 3 năm 2 tháng, vẫn tiếp tục được duy trì, nhằm “tiêu diệt” dự án, đẩy chủ đầu tư vào đường cùng dẫn đến phá sản.
Trong các loạt bài trước, chúng tôi đã chỉ ra Quyết định 07 có ít nhất 8 điểm lộ rõ dấu hiệu trái pháp luật, gây thiệt hại cho Công ty Hồng Phát hàng trăm tỉ đồng và đang tăng lên từng ngày. Sự thật này thể hiện Cục trưởng Bùi Phú Hưng kí Quyết định 06 công nhận Quyết định 07 nên phải chịu trách nhiệm cao nhất trước pháp luật về những hậu quả đã gây ra trong lần tái lập ngăn chặn toàn bộ 232,66ha đất của Công ty Hồng Phát.
Trước sự phản ứng mạnh mẽ của báo chí cùng với sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng, trong đó có Chủ tịch UBND tỉnh Long An kiêm Trưởng ban chỉ đạo THADS tỉnh, Cục trưởng Bùi Phú Hưng vẫn giữ thái độ im lặng “4 không”, rồi “ngâm” Quyết định 07 suốt 3 năm 2 tháng.
Cho đến nay, những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thi hành Phán quyết Trọng tài của Cục THADS tỉnh Long An đã dần lộ rõ. Chúng tôi rất đồng tình với quan điểm của Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng khi đề cập đến Văn bản số 8248/VPCP-V.I ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị pháp lý: :“…Nếu có tranh chấp về việc góp vốn và bồi thường thiệt hại trong việc thực hiện Thỏa thuận khung giữa hai công ty, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Viện KSND Tối cao, UBND tỉnh Long An hướng dẫn các công ty khởi kiện tại Toà án nhân dân để giải quyết theo quy định của pháp luật”. Đúng như nhận định của Tiến sĩ luật Lưu Bình Nhưỡng “Đây là văn bản định hướng giải quyết hợp đạo lý và chính là giải pháp tốt nhất, đúng pháp luật, an toàn nhất về mọi phương diện đối với vụ việc tranh chấp giữa Công ty Hồng Phát và CPL”.
Văn bản số 8248/VPCP-V.I ngày 31/8/2018 của Văn phòng Chính phủ
Chính Cục trưởng Bùi Phú Hưng lúc đầu đi chỉ đạo thi hành án đúng theo tinh thần Văn bản số 8248/VPCP-V.I. Nhưng sau đó, ông Hưng ngoặt sang hướng khác, thể hiện “chống” chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS bằng hai Quyết định 07 và Quyết định 06 “giữ y Quyết định 07”.
Ngay khi được Cục trưởng Bùi Phú Hưng “yểm trợ” bằng hai Quyết định “cấm vận” Hồng Phát, CPL liền lộ mặt muốn “trảm” Phán quyết Trọng tài, “khai tử” dự án và đòi “chia 130ha đất” (cắt ra từ phần đất 232.66ha). Ngày 15/8/2019, CPL có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, xác định rất rõ: “Mâu thuẫn giữa CPL và Công ty Hồng Phát kéo dài, không thể tháo gỡ, hai bên hợp tác thành lập Công ty liên doanh là không còn khả thi nên “chia đất” cho CPL là giải pháp duy nhất để giải quyết dứt điểm tranh chấp” (?!).
Luật sư Nguyễn Minh Tường (Công ty Luật Phan Nguyễn, TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: Rõ ràng, CPL (bên được thi hành án) đã thể hiện ý chí bằng văn bản một cách dứt khoát, việc lập Công ty liên doanh “không còn khả thi” nên “chia 130 ha đất” là giải pháp duy nhất. Đây chính là kết quả mà bên được thi hành án là CPL muốn đạt được. Mặt khác, theo quy định của pháp luật đầu tư, việc thành lập Công ty liên doanh hoàn toàn mang tính tự nguyện, không ai được áp đặt, hay làm thay. Với yêu cầu của CPL, Cục THADS tỉnh Long An nên lập biên bản ghi nhận và phải đình chỉ thi hành án theo quy định của pháp luật về THADS. Việc Cục THADS tỉnh Long An duy trì hai Quyết định 07 và 06, nhằm cưỡng buộc Công ty Hồng Phát và CPL thành lập Công ty liên doanh là không khả thi, trái với ý muốn của CPL, khiến cho việc thi hành án kéo dài gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Một góc Dự án khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa 500 ha ở tỉnh Long An
Đồng quan điểm với Luật sư Nguyễn Minh Tường, Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư Trần Hải ĐứcTP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Đây chính là dấu hiệu rõ nhất về hành vi “xâm phạm hoạt động tư pháp” của Cục trưởng và Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Long An…
Theo https://ngaymoionline.com.vn/dau-hieu-xam-pham-hoat-dong-tu-phap-cua-cuc-truong-cuc-thads-tinh-long-an-30774.html