Công ty TNHH MTV Cà phê Đắk Nông (Công ty CPĐN) bị Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hoàng Hương Trang nợ tiền không trả, buộc ông Hồ Văn Sơn (60 tuổi), Giám đốc Công ty khởi kiện và thắng kiện. Bản án dân sự đang được thi hành thì ông Sơn và ông Nguyễn Tiến Ly, kế toán trưởng Công ty CPĐN bất ngờ bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố, tạm giam gần một tháng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, sau đổi sang tội “Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”. Vụ án kéo dài gần 7 năm, với hàng loạt phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm cùng mức án “nhảy múa”, khiến cựu Giám đốc từ nguyên đơn thành bị cáo, liên tục kêu oan …
Ông Hồ Văn Sơn
Từ nguyên đơn trong vụ án kinh doanh thương mại …
Hồ sơ vụ án thể hiện: Công ty CPĐN có phép Giấy phép kinh doanh xăng dầu. Đầu năm 2008, trước tình hình biến động của thị trường xăng dầu, lãnh đạo Công ty CPĐN họp, thống nhất mua bán xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh nhằm tìm kiếm lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tiến Ly giới thiệu cho công ty bà Nguyễn Thị Hương, chủ Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hoàng Hương Trang là đơn vị kinh doanh xăng dầu, địa chỉ kinh doanh tại khu vực 5, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ.
Ngày 9/1/2008, ông Hồ Văn Sơn, Giám đốc Công ty CPĐN cùng các thành viên trong công ty gồm Phó Giám đốc Nguyễn Khắc Trọng; Phó phòng Kinh tế kỹ thuật Hà Huy An và kế toán trưởng Ly đến DNTN Hoàng Hương Trang tìm hiểu thực tế. Tại đây, đoàn được bà Hương dẫn đi xem 3 cây xăng đều mang tên DNTN Hoàng Hương Trang.
Sau khi xem xét, ông Sơn và bà Hương đại diện hai doanh nghiệp kí Hợp đồng số 01/2008 HĐMB-XD trước sự chứng kiến của các thành viên trong đoàn. Theo Hợp đồng, Công ty CPĐN mua của DNTN Hoàng Hương Trang 155.000 lít xăng A92 và 297.079 lít dầu Diezen, với tổng giá trị gần 5 tỉ đồng.
Ngay khi nhận đủ tiền, bà Hương đã xuất 3 hóa đơn GTGT của DNTN Hoàng Hương Trang thể hiện xuất cho Công ty CPĐN 158.000 lít xăng A92 và 279.000 lít dầu Diezen, với tổng giá trị 4,856 tỉ đồng. Số tiền còn dư ra đã được hai bên thanh lý ngày 16/2/2008.
Số xăng, dầu đã mua trên, Công ty CPĐN gửi toàn bộ tại kho của DNTN Hoàng Hương Trang theo 3 Hợp đồng số 02.1/2008; số 02.3/2008 và số 02.3/2008.
Ngày 20/2/2008, ông Sơn ký Hợp đồng thể hiện Công ty CPĐN đồng ý cho Hoàng Hương Trang bán 41.721 lít xăng A92 và 130.486 lít dầu Diezen, với tổng sổ tiền 1,888 tỉ đồng cho DNTN Văn Hiến, địa chỉ xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Ngày 28/2/2008, ông Sơn tiếp tục ký Hợp đồng thể hiện Công ty CPĐN đồng ý cho Hoàng Hương Trang bán tiếp 148.514 lít dầu, với giá 2,004 tỉ đồng cho DNTN Văn Hiến.
Số dầu Diezen đã bán hết, xăng A92 còn lại 116.279 lít được tiếp tục gửi tại kho của Hoàng Hương Trang theo Hợp đồng được ông Sơn và bà Hương ký cùng ngày 28/2/2008. Nhưng sau đó, bà Hương đã tự ý bán hết số xăng này.
Toàn bộ 158.000 lít xăng A92 và 279.000 lít dầu Diezen đã được bán hết nhưng đến ngày 13/6/2008, bà Hương chỉ thanh toán cho Công ty CPĐN 1,137 tỉ đồng. Số tiền còn lại đã được đối chiếu công nợ, Hoàng Hương Trang cam kết thanh toán với thời gian cụ thể nhưng không thực hiện.
Với ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, ngày 15/2/2009, Giám đốc Sơn, đại diện Công ty CPĐN khởi kiện DNTN Hoàng Hương Trang ra toà. Tại Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm ngày 2/6/2009, TAND quận Ô Môn buộc DNTN Hoàng Hương Trang phải trả cho Công ty CPĐN số tiền cả gốc và lãi hơn 5,334 tỉ đồng.
Bị đơn kháng cáo. Tại Bản án phúc thẩm số 01/2009/KDTM-PT ngày 18/8/2009, TAND TP. Cần Thơ tuyên y án sơ thẩm.
Tuy đã khởi kiện ra toà nhưng với vai trò Giám đốc, ông Sơn phải chịu trách nhiệm trước đơn vị và Tổng Công ty Cà phê Việt Nam. Sau khi chỉ đạo Thanh tra vào cuộc làm rõ và có kết luận, ngày 16/4/2009, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đã ra Quyết định số 113/TCT-TCCB/QĐ “cảnh cáo” đối với ông Sơn, Giám đốc Công ty CPĐN do có vi phạm trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Ngày 15/11/2011, Đại tá Lương Ngọc Lếp, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh Đắk Nông, ký Công văn số 645/CV-PC45 nêu rõ: “Kết quả điều tra xác minh, Cơ quan điều tra làm rõ hành vi làm trái quy định của Nguyễn Tiến Ly và Hồ Văn Sơn trong tổ chức mua bán xăng dầu, dẫn đến hậu quả không thu hồi được vốn cho Nhà nước. Tuy nhiên, do Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đã tiến hành thanh tra, đã có Kết luận thanh tra số 119 ngày 20/2/2009 và Quyết định xử lý sau thanh tra số 65 ngày 25/12/2009, yêu cầu Giám đốc Công ty CPĐN có trách nhiệm bằng mọi biện pháp để thu hồi vốn cho Nhà nước và chịu trách nhiệm bồi thường nếu không thu hồi được vốn, đồng thời đã kiểm điểm xử lý trách nhiệm của Ban giám đốc và Kế toán trưởng bằng các biện pháp hành chính nên Cơ quan điều tra không xem xét, xử lý bằng pháp luật hình sự, nhưng cần đảm bảo cho công tác thu hồi vốn, tài sản cho Nhà nước”.
Trưng bằng chứng, ông Sơn trình bày: Quá trình thi hành Bản án số 01/2009/KDTM-PT ngày 18/8/2009, ông đã kí hàng chục văn bản gửi Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Ô Môn yêu cầu thi hành án và những vấn đề liên quan, cử người truy tìm tài sản của bị đơn… Công ty CPĐN đã thu hồi hơn 1 tỉ đồng từ DNTN Hoàng Hương Trang thông qua thi hành án.
Ngày 27/3/2013, Chi cục THADS quận Ô Môn ra Quyết định số 35 “trả lại đơn yêu cầu THA”, với lý do bị đơn không còn tài sản để thi hành. Tuy nhiên, theo khẳng định của đương chức Giám đốc Công ty CPĐN Đỗ Duy Hoà, đến ngày 30/9/2015, Công ty mới nhận được Quyết định này.
Do không nhận được Quyết định số 35, nên ngày 12/12/2013, Giám đốc Sơn tiếp tục kí Văn bản 324/CV-Cty gửi Chi cục THADS quận Ô Môn “yêu cầu tiếp tục thi hành bản án” và chỉ rõ nhiều tài sản liên quan đến Hoàng Hương Trang, trong đó có 6 Quyền sử dụng đất và hai cây xăng ở quận Ô Môn và ở huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ … Công ty đề nghị Chi cục THADS quận Ô Môn tiến hành các thủ tục để thi hành án cho đơn vị.
Bản kết điều tra và 3 Bản cáo trạng
… Bất ngờ thành bị can trong vụ án hình sự (?!)
Ông Sơn trình bày tiếp: “Ngày 23/9/2014, tôi được Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Đắk Nông triệu tập, yêu cầu khắc phục hậu quả từ việc kinh doanh xăng dầu. Tôi đã trình bày rõ những vi phạm mà cơ quan chức năng chỉ ra hoàn toàn không do lỗi cố ý. Động cơ, mục đích của việc làm đều vì lợi ích tập thể, không có bất cứ một biểu hiện lợi ích cá nhân. Sau khi xảy ra vụ việc, với trách nhiêm là Giám đốc, tôi ra sức tìm mọi biện pháp thu hồi vốn cho Công ty CPĐN. Thực tế, đơn vị thu hồi được 2,146 tỉ đồng; còn lại nợ gốc là 2,853 tỉ đồng”.
Ngày 5/11/2014, ông Sơn có đơn gửi Lãnh đạo Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, kiến nghị “xử lý sau thanh tra”. Trong đơn, ông Sơn nêu rõ việc ông bị triệu tập và yêu cầu của Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Đắk Nông. Ông Sơn trình bày: Năm 2005, Công ty CPĐN được thành lập, trên cơ sở sáp nhập ba đơn vị, ôm khối nợ hơn 80 tỉ đồng, vốn sở hữu khi bàn giao “âm” 19 tỉ đồng (năm 2006). Không chỉ áp lực nợ nần từ các ngân hàng, việc làm và thu nhập cho người lao động trong đơn vị cũng bị dồn ép liên tục…Với vai trò Giám đốc, ông cùng với cán bộ nhân viên công ty đã dốc hết tâm sức vì tập thể. Đến nay, diện mạo Công ty CPĐN hoàn toàn thay đổi với hàng trăm ha cà phê, cao su bạt ngàn. Vốn chủ sở hữu từ “âm” 19 tỉ đồng, đến nay “dương” 18,04 tỉ; giá trị tài sản tăng trên 130 tỉ. Công ty đã thanh toán gần 40 tỉ tiền nợ do các đơn vị cũ để lại…
Ông Sơn thừa nhận: “Quá trình thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, có vi phạm do trình độ năng lực còn hạn chế, cá nhân tôi đã nhận thức sâu sắc khuyết điểm, tích cực cố gắng hết sức trong việc khắc phục hậu quả. Sự việc xảy ra ngoài ý muốn, đơn vị và các cá nhân liên quan đã chịu kỷ luật nghiêm khắc của Tổng công ty, chịu áp lực về tinh thần và tổn hao sức khỏe rất lớn trong những năm qua”.
Ông Sơn trần tình những lời “ruột gan” với lãnh đạo Tổng Công ty Cà phê Việt Nam: “Có thể nói mỗi tấc đất, mỗi hàng cây, mỗi đồng tiền có được của Công ty CPĐN hôm nay đều thấm mồ hôi, nước mắt của tôi và anh em cán bộ nhân viên. Những năm tháng phục vụ tại Công ty CPĐN, cá nhân tôi đều phải chịu thiệt thòi về nhiều mặt, đồng lương eo hẹp, điều kiện sống khó khăn, xa gia đình vợ con…
Với những nội dung đã trình bày, tôi mong lãnh đạo Tổng Công ty Cà phê Việt Nam và các cơ quan chức năng thấu hiểu, chia sẻ với chúng tôi. Tôi kính đề nghị lãnh đạo Tổng công ty xem xét vấn đề một cách toàn diện, có quyết định “đền bù” thấu tình đạt lý để tôi có điều kiện khắc phục hậu quả, tiếp tục yên tâm công tác”.
Ông Sơn nói trong nước mắt: “Trong khi Bản án số 01/2009/KDTM-PT ngày 18/8/2009 đang được thi hành và tôi đang chờ lãnh đạo Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đưa ra hướng xử lý, tạo điều kiện để khắc phục hậu quả, thì tôi đã bị các cơ quan tố tụng tỉnh Đắk Nông đã tiến hành xử hình sự. Từ nguyên đơn trong vụ án dân sự, tôi trở đã thành bị can trong vụ án hình sự kéo dài suốt gần 7 năm qua”.
Ngày 31/12/2014, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Đắk Nông ra Quyết định khởi tố vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; Quyết định khởi tố bị can đối với hai ông Hồ Văn Sơn và Nguyễn Tiến Ly. Ông Sơn, ông Ly bị bắt tạm giam ngày 5/1/2015, đến ngày 2/2/2015 thì được cho tại ngoại.
Ngày 12/3/2015, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Cà phê Việt Nam lúc này là ông Nguyễn Văn Hà, ký Văn bản số 162/TCT-PCTTr, gửi Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Đắk Nông và Viện KSND tỉnh Đắk Nông, xác định rõ 3 vấn đề:
Thứ nhất, ghi nhận sự đóng góp tích cực, đáng kể của ông Sơn cho đơn vị. Ông Sơn được cử về làm việc ở một địa bàn vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp, hết sức khó khăn. Công ty CPĐN được sáp nhập từ những đơn vị kinh doanh thua lỗ, có nhiều khoản nợ lớn. Với vai trò Chủ tịch kiêm Giám đốc, nhiệm vụ và trách nhiệm đảm nhiệm nặng nề nhưng ông Sơn đã lãnh đạo công ty sản xuất kinh doanh hằng năm đều có lãi, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước, đã trả được nhiều khoản nợ của các đơn vị cũ để lại… Ngoài việc bị kỷ luật liên quan đến kinh doanh xăng dầu, bản thân ông Sơn luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt các quy định của địa phương và của Tổng công ty. Ông Sơn nói riêng và Công ty CPĐN nói chung đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp khác nhau trong những năm qua.
Thứ hai, Việc kinh doanh xăng dầu không ngoài mục đích là tìm kiếm lợi nhuận cho doanh nghiệp, do thiếu kinh nghiệm nên xảy ra rủi ro. Ông Sơn thấy được trách nhiệm, đã tích cực tổ chức nhiều lần đến làm việc với các cơ quan chức năng ở Cần Thơ (nơi DNTN Hoàng Hương Trang trú đóng) để đề nghị hỗ trợ thu hồi tài sản cho đơn vị. Do sự phối hợp chưa được thuận lợi, nên khoản nợ phải thu về cho Công ty gây ách tắt và kéo dài đến hôm nay.
Thứ ba, ông Sơn không cố ý làm trái quy định của Nhà nước. Trước khi Tổng công ty điều động, ông Sơn đã có trách nhiệm tự nguyện viết đơn xin thôi đảm nhận chức vụ Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty CPĐN và có đơn đề ngày 5/11/2014 đề nghị Tổng Công ty Cà phê Việt Nam xem xét để ông có điều kiện khắc phục hậu quả. Và ông đang chờ được Tổng công ty xem xét và xử lý.
Trước sự khẳng định của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, ngày 24/4/2015, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Đắk Nông đã ra Quyết định “thay đổi Quyết định khởi tố vụ án hình sự” và Quyết định “thay đổi Quyết định khởi tố bị can”. Theo đó, hai ông Sơn, Ly được huỷ bỏ lệnh khởi tối tội “Cố ý làm trái..”, chuyển sang khởi tố tội “Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 BLHS năm 1999.
Ngày 28/4/2015 (4 ngày sau khi khởi tố tội danh mới), đại tá Bùi Văn Khương, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Đắk Nông kí bản Kết luận điều tra vụ án, đề nghị truy tố hai bị can theo Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Ngày 25/5/2015, ông Phan Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đắk Nông, kí bản cáo trạng truy tố ông Sơn và ông Ly.
Liên quan đến chủ DNTN Hoàng Hương Trang, Phó Thủ trưởng Bùi Văn Khương và Phó Viện trưởng Phan Thanh Hải thống nhất kết luận: “Đối với hành vi của Nguyễn Thị Hương đã được TAND quận Ô Môn và TAND TP. Cần Thơ xét xử, bản án có hiệu lực pháp luật. Bản thân Hương cũng đã chấp hành được một phần của bản án nên không đề cập xử lý trách nhiệm trong vụ này”.
3 năm tù treo, kêu oan thành 3 năm 9 tháng tù giam
Trong khi vụ án hình sự đang diễn ra thì việc thi hành Bản án dân sự vẫn tiếp diễn, DNTN Hoàng Hương Trang tiếp tục nộp tiền, được Chi cục THADS quận Ô Môn xác nhận ngày 6/8/2015. Tại cuộc họp “giải quyết thi hành án” ngày 30/9/2015, bà Hương cam kết thi hành khoản nợ cho Công ty CPĐN cả gốc lẫn lãi là 4,447 tỉ đồng.
Ngày 21/11/2015, TAND tỉnh Đắk Nông đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, với HĐXX do thẩm phán Nguyễn Anh Loát làm chủ tọa, tuyên phạt ông Sơn 3 năm tù, cho hưởng án treo; ông Ly 3 năm 6 tháng tù theo Điều 285 BLHS 1999. Gia đình hai bị cáo đã nộp 2,85 tỉ đồng để khắc phục hậu quả (ông Sơn 1,43 tỉ, ông Ly nộp 1,42 tỉ) được HĐXX chấp nhận.
Theo HĐXX quy kết, ông Sơn, ông Ly không làm đúng các quy định của pháp luật, không làm hết trách nhiệm dẫn đến bà Hương bán toàn bộ xăng dầu của Công ty CPĐN nhưng không thu hồi được tiền, gây thiệt hại hơn 2,85 tỉ đồng (không tính phần lãi và trượt giá).
Hai bị cáo kêu oan. Công ty CPĐN cũng đã có kháng cáo và yêu cầu xác định cho Công ty thực hiện thu hồi nợ từ bản án nào, dân sự hay hình sự? TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh mở phiên tòa ngày 19/4/2016, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. HĐXX phúc thẩm xác định cấp sơ thẩm buộc hai bị cáo nộp tiền để khắc phục hậu quả là không đúng, bởi hậu quả đã được khắc phục bằng Bản án dân sự số 01/2009/KDTM-PT của TAND TP. Cần Thơ. Bà Hương phải được đưa vào tham gia tố tụng.
Ngày 20/10/2016, Đại tá Bùi Văn Khương kí “Bản kết luận điều tra lại”. Liên quan đến bà Hương, đại tá Khương xác định, có dấu hiệu phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 140 BLHS 1999. Tuy nhiên, vụ việc này đã được TAND quân Ô Môn và TAND TP. Cần Thơ giải quyết theo thủ tục dân sự, bản án đã có hiệu lực pháp luật nên Cơ quan điều tra chưa khởi tố điều tra bà Hương.
Công ty CPĐN kháng cáo yêu cầu xác định cho Công ty thực hiện thu hồi nợ từ bản án nào, dân sự hay hình sự?
Phiên toà sơ thẩm lần 2
TAND tỉnh Đắk Nông mở phiên toà sơ thẩm lần hai ngày 15/2/2017, do thẩm phán Lương Đức Dương làm chủ tọa, tuyên trả lại 2,85 tỉ đồng cho hai bị cáo do hậu quả đã được khắc phục bằng Bản án dân sự. Tuy nhiên, HĐXX lại xử phạt rất nặng ông Sơn với mức án 3 năm 9 tháng tù giam; ông Ly 3 năm tù giam theo Điều 285 Bộ luật Hình sự.
Tại phiên xử phúc thẩm lần hai ngày 1/10/2019, TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh lại huỷ toàn bộ Bản án sơ thẩm. Toà nhận định: Ngày 20/12/2017, TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh ra Quyết định tái thẩm, huỷ toàn bộ Bản án dân sự số 01/2009/KDTM-PT, trả hồ sơ cho TAND quận Ô Môn để giải quyết lại từ đầu. Đây là tình tiết mới nên cần xác định lại thiệt hại do hành vi của các bị cáo gây ra. Cơ quan điều tra có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với bà Hương.
Ngày 8/11/2019, phía bị đơn đã thanh toán toàn bộ số nợ còn lại hơn 2,81 tỉ đồng. Do đã thu hồi hết nợ nên ngày 28/4/2020, Công ty CPĐN rút đơn kiện. Ngày 2/6/2020, TAND quận Ô Môn ra Quyết định “đình chỉ giải quyết vụ án dân sự”, nêu rõ: Xét thấy nguyên đơn rút lại toàn bộ yêu cầu khởi kiện; bị đơn không có yêu cầu phản tố nên được Toà án chấp nhận.
Công ty CPĐN rút đơn khởi kiện sau khi thu hồi xong nợ
Ngày 23/6/2020, Giám đốc Công ty CPĐN Đỗ Duy Hoà kí Văn bản số 74/CV-CT gửi ba cơ quan tố tụng tỉnh Đắk Nông, đề nghị “miễn trách nhiệm hình sự” đối với ông Sơn, ông Ly.
Tuy nhiên, ngày 26/10/2020, Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Đắk Nông tiếp tục kí “Bản kết luận điều tra” số 74. Ngày 30/11/2020, Phó Viện trưởng Phan Thanh Hải ký “Bản cáo trạng” lần thứ ba quy kết ông Sơn, ông Ly thành khẩn khai báo nhưng “không ăn năn hối cải” (?!) Đối với bà Hương, Phó Viện trưởng Hải kết luận: “Hết thời hạn điều tra chưa xác định được bị can đang ở đâu nên Cơ quan điều tra đã Quyết định tách vụ án hình sự và Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can Hương”.
Sau nhiều lần tạm hoãn, TAND tỉnh Đắk Nông đưa vụ án ra xử sơ thẩm lần ba vào chiều 18/5/2021. HĐXX do thẩm phán Bùi Thị Ngọc (chủ toạ) cùng hai Hội thẩm Phạm Hữu Quốc và Đỗ Thị Hà tuyên phạt ông Sơn 3 năm 9 tháng tù giam; bị cáo Ly 3 tù giam. Đối với bị can Hương, HĐXX “bê nguyên si” kết luận của Phó Viện trưởng Hải rồi nhận định là “có căn cứ” (?!)
5 điểm cần làm rõ trong phiên toà phúc thẩm lần 3
Nghiên cứu đơn kèm theo các tài liệu chứng cứ, nhận thấy 5 vấn đề kêu oan dưới đây của ông Hồ Văn Sơn là thể hiện có căn cứ, đề nghị TAND Cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh xem xét trong phiên xử phúc thẩm sắp tới. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, Công ty CPĐN ký các Hợp đồng thương mại với DNTN Hoàng Hương Trang là quan hệ dân sự. Việc gặp rủi ro trong kinh doanh là ngoài ý muốn, ông Sơn đại diện Công ty đã khởi kiện và chỉ đạo quyết liệt để thu hồi nợ cho đơn vị, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu. Một số thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý của ông Sơn được Tổng Công ty Cà phê Việt Nam chỉ đạo thanh tra làm rõ và đã tiến hành xử lý kỷ luật ông Sơn, ông Ly này bằng hình thức “cảnh cáo”. Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Đắk Nông đã xác định rõ tại Công văn số 645/CV-PC45 ngày 15/11/2011: Không xem xét xử lý bằng pháp luật hình sự đối với Giám đốc Sơn và Kế toán trưởng Ly, vì hai ông này đã bị kiểm điểm xử lý trách nhiệm bằng các biện pháp hành chính. Việc ông Sơn bị xử lý hình sự, là thể hiện “một hành vi bị xử lý hai lần”, là thể hiện trái với quy định của pháp luật.
Bản án sơ thẩm lần 3 trang đầu và trang cuối
Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông xác định: Không xem xét xử lý bằng pháp luật hình sự đối với ông Sơn và ông Ly
Thứ hai, từ nguyên đơn trong vụ án dân sự với Bản án đang được thi hành, ông Sơn trở thành bị can trong vụ án hình sự. Sau khi ông Sơn, ông Ly bị kết án, bản án dân sự vẫn tiếp tục được thi hành. Như vậy, cùng một vụ việc nhưng có đến hai vụ án hình sự và dân sự diễn ra song song, án chồng án, là thể hiện chồng nỗi oan.
Thứ ba, cơ sở buộc tội hai bị cáo là số tiền vốn 2,85 tỉ đồng của Công ty CPĐN. Việc thu hồi vốn và lãi được xác lập rõ bằng Bản án dân sự; quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty CPĐN đã được đảm bảo. Như vậy, công ty chưa bị thiệt hại và chưa có hậu quả xảy ra. Thực tế, Hoàng Hương Trang đã trả đầy đủ tiền cho Công ty CPĐN. Do đó, việc quy kết ông Sơn, ông Ly phạm tội theo điều 285 BLHS là thể hiện không đủ căn cứ, lộ rõ dấu hiệu oan sai.
Thứ tư, cơ quan tố tụng xác định trong vụ án này bà Hương là chủ thể gây ra hậu quả. Theo hồ sơ, Cơ quan tố tụng khởi tố bà Hương ngày 6/10/2020, đến ngày 23/10/2020 thì “tạm đình chỉ điều tra” với lý do “hết thời hạn điều tra”. Tính từ lúc khởi tố bà Hương đến khi tạm đình chỉ là 17 ngày, thì sao hết thời hạn điều tra?
Hành vi của bà Hương chưa được làm rõ nên chưa có căn cứ xác định hậu quả do bà này gây ra cho Công ty CPĐN. Như vậy, thì cơ sở nào quy kết hành vi phạm tội của hai bị cáo Sơn, Ly? Có dấu hiệu thể hiện Cơ quan tố tụng quá “nương tay” với con nợ, nhưng lại quyết xử chủ nợ tới cùng?
Thứ năm, TAND tỉnh Đắk Nông ba lần xét xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Sơn ba mức án rất khác nhau. Từ 3 năm tù treo, bị cáo liên tục kêu oan thì bị tăng lên thành 3 năm 9 tháng tù giam. Đến khi xử sơ thẩm lần ba, Hoàng Hương Trang đã trả hết nợ, hậu quả đã được khắc phục hoàn toàn nên Công ty CPĐN có văn bản đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho hai bị cáo, nhưng HĐXX vẫn quy kết tội, xử mức án rất nặng. Phải chăng, vì bị cáo “không ăn năn hối cải” và liên tục kêu oan?!
Theo https://ngaymoionline.com.vn/ky-an-co-dau-hieu-oan-sai-o-tinh-dak-nong-cuu-giam-doc-tu-nguyen-don-thanh-bi-cao-27774.html