đọc tin nhanh

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ quyết thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm nay trên cơ sở đã tính toán kỹ và có các giải pháp cụ thể.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chính phủ quyết đạt tăng trưởng 6,7%
Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội chiều 9-6 về mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm nay được cho là cao – Ảnh: Quochoi.vn

“Chính phủ giữ mục tiêu 6,7% năm nay”, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định khi được yêu cầu giải đáp thắc mắc của các đại biểu về mục tiêu tăng trưởng 6,7% của năm 2017 trong  phiên thảo luận về Kinh tế – Xã hội chiều hôm nay, 9-6.

Không tăng trưởng bằng mọi giá

Bộ trưởng Dũng cho rằng có ba lý do cần phải giữ mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay.

Lý do thứ nhất, đây là năm thứ 2 chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng cũng như Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế – xã hội 5 năm.

“Đây là năm bản lề hết sức quan trọng, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo để đạt được các mục tiêu trong kế hoạch 5 năm”.

Lý do thứ hai là “nhu cầu của chúng ta cũng phải phát triển nhanh để tránh tụt hậu so với các nước trong khu vực”.

Lý do thứ ba, theo bộ trưởng Dũng, là để tạo các nguồn lực cho đầu tư phát triển cho các giai đoạn sau cũng như duy trì sự ổn định cho các cân đối lớn như nợ công, thu chi ngân sách, tạo việc làm, chi cho an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, từ đó góp phần phát triển xã hội, ổn định chính trị.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết thêm rằng quan điểm để Chính phủ xác định và quyết tâm mục tiêu tăng trưởng 6,7% là “không tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi các nội dung liên quan đến môi trường hay bất ổn kinh tế để lấy tăng trưởng, xác định lấy ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu hàng đầu và giải pháp căn bản là khơi dậy mọi tiềm năng và tận dụng mọi cơ hội có thể phát triển được”.

Cơ sở để thực hiện mục tiêu này, theo ông Dũng, là bối cảnh quốc tế có nhiều thuận lợi cũng như tình hình trong nước có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2016, trong đó, nông nghiệp có sự phục hồi mạnh hơn do thời tiết thuận lợi hơn và cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian vừa qua.

Ông Dũng nhận định rằng tăng trưởng nông nghiệp năm nay có khả năng đạt 3,05%, trong khi đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có diễn biến tích cực, “có khả năng đạt 3% sau khi tính toán và làm rõ các ngành cụ thể”.

Cũng theo bộ trưởng Dũng, xuất khẩu có thể đạt được 10% trong năm nay, tiêu dùng cũng tăng trưởng tốt, khoảng 10%; còn khu vực dịch vụ có đạt khoảng 7,79%.

Trong khi đó, nhiều dự án đầu tư từ nguồn ngân sách đang được đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn từ tư nhân và FDI. Một số dự án lớn đã hoàn thành và chuẩn bị đưa vào khai thác, sử dụng, đóng góp cho tăng trưởng.

Bơm thêm dầu và điều chỉnh kế hoạch giải ngân vốn

Về kế hoạch khai thác thêm 1 tấn dầu, bộ trưởng Dũng cho biết trên thực tế năm 2016 đã khai thác 13,2 triệu tấn dầu.

Kế hoạch đặt ra đầu năm 2017 là khai thác 12,28 triệu tấn dầu được xác định dựa trên khả năng khai thác và chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều rộng kết hợp với chiều sâu nên chất lượng tăng trưởng không đặt vấn đề khai thác quá mức.

“Nhưng trước bối cảnh giá dầu phục hồi tốt và khả năng của chúng ta có thể khai thác được nên Chính phủ quyết định tận dụng cơ hội này để khai thác thêm 1 triệu tấn dầu. Tôi nghĩ vấn đề này hoàn toàn tốt cho nền kinh tế, không phải khai thác quá mức đến cạn kiệt các nguồn tài nguyên”, ông Dũng giải thích.

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng trên, ông Dũng cho biết Chính phủ đã có một số giải pháp như xây dựng Chỉ thị 24, cụ thể hóa các giải pháp cho các bộ ngành để các bộ ngành từ đó xây dựng các mục tiêu tăng trưởng cho từng ngành, địa phương cũng như các giải pháp phù hợp.

Các giải pháp được Chính phủ phân làm 2 nhóm cơ bản như sau:

Giải pháp lâu dài: tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách thể chế, tăng năng suất lao động, mở rộng thị trường xuất khẩu…

Giải pháp ngắn hạn (có thể thực hiện ngay trong 2017): tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy các ngành, các địa phương phát triển, theo dõi, giám sát tình hình, các vụ việc để điều chỉnh kịp thời…

“Mục tiêu 6,7% được cho là cao nhưng Chính phủ thấy có cơ sở để phấn đấu, với điều kiện tất cả chúng ta phải triển khai đồng bộ, quyết liệt tất cả các giải pháp và phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Đây là mục tiêu cao cũng là mục tiêu để phấn đấu và có cơ sở để thực hiện, đảm bảo kế hoạch 5 năm”.

Một trong các vấn đề băn khoăn của các đại biểu là kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng được bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập đến.

Theo ông Dũng, Luật đầu tư công có hiệu lực từ ngày 1.1.2015, Chính phủ đã thực hiện kết luận của Quốc hội, đợt 1 đã giao 64%, đợt 2 đang chờ Quốc hội thông qua đợt này, dự kiến giao trong tháng 6 là 32%, hiện chỉ còn khoảng 4% chưa giao là các dự án trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia mà QH sẽ cho ý kiến đợt này, các công trình đường ven biển….

“Giải ngân chậm là do chúng ta xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn là đầu tiên để thực hiện từ năm 2015 nhưng phải đến tháng 11/2016 mới thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn. Sau khi có nghị quyết của Quốc hội thì đã điều chỉnh lại một số mục tiêu nhiệm vụ của kế hoạch đầu tư công, có thay đổi so với trước đó”, bộ trưởng Dũng cho biết.

Theo tuoitre.vn