đọc tin nhanh

Với phẩm chất kiên cường, mạnh mẽ và nhẫn nại, những doanh nhân tuổi Sửu đã tạo nên những doanh nghiệp lừng lẫy trên thương trường, đóng góp lớn lao cho đất nước.

Trong cuộc đua của 12 con giáp, trâu là con vật đạt vị trí số hai, đại diện cho sức mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần.

Bởi vậy, theo tử vi, những người tuổi Sửu đa số sống tự lập, trưởng thành sớm, có tính cách mạnh mẽ và kiên định. Người tuổi này có nhiều ước mơ, hoài bão, ý chí lớn, không ngại khó khăn, nguy hiểm.

Trong công việc, họ là những người có khả năng làm việc với năng suất cao gấp nhiều lần người khác mà không hề thấy mệt mỏi; trải qua sóng gió càng trở nên mạnh mẽ, kiên cường.

Có lẽ chính bởi tính cách như vậy nên trên thương trường Việt Nam, có rất nhiều doanh nhân tuổi Sửu thành đạt và họ đã mang lại những giá trị lớn lao không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho đất nước.

Ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hòa Phát (1961 – Tân Sửu)

Nghị lực và sự nghiệp lừng lẫy của những doanh nhân Việt tuổi Sửu - 1

Ông Trần Đình Long (ảnh: Bloomberg)

Năm 2020 là một năm thành công trên mọi phương diện đối với ông chủ Tập đoàn Hòa Phát. Với sự “bùng nổ” của thị trường chứng khoán và sự thăng hoa của cổ phiếu ngành thép, tài sản của vị đại gia gốc Hải Dương tăng không ngừng nghỉ.

Ông Trần Đình Long từng được Forbes vinh danh là tỷ phú USD năm 2018 với khối tài sản 1,3 tỷ USD, đứng thứ 1.756 thế giới. Sau đó, ông rời bảng xếp hạng năm 2019, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ông Trần Đình Long đã không những lấy lại được số tài sản đã hao hụt mà giá trị tài sản còn tăng rất mạnh.

Thống kê của Forbes tại ngày 13/2/2021 cho thấy, giá trị tài sản của ông Trần Đình Long đã lên tới 2 tỷ USD và là người giàu thứ 3 Việt Nam, sau ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Vingroup) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO Vietjet Air).

Hãng tin Bloomberg mới đây có bài phỏng vấn ông Long, cho biết, khi ông thành lập Tập đoàn Hòa Phát  vào năm 1992, ông không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực sắt thép.

Bloomberg dẫn lời Chủ tịch HĐQT và nhà sáng lập của Hòa Phát hồi tưởng: “Những ngày đầu, tôi chỉ có niềm đam mê và không biết sợ là gì”.

Cũng tại cuộc phỏng vấn này, ông Long nói rằng trở thành một trong những người giàu nhất đất nước không khiến cách sống của ông thay đổi nhiều: “Tôi vẫn cà phê cùng bạn mỗi ngày ở cùng một địa điểm đã gặp nhau từ 20 năm trước. Mọi thứ vẫn vậy”.

Bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch Vĩnh Hoàn (1961 – Tân Sửu)

Nghị lực và sự nghiệp lừng lẫy của những doanh nhân Việt tuổi Sửu - 2

Bà Trương Thị Lệ Khanh (ảnh: VHC)

Nữ doanh nhân gốc An Giang là một trong 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2020. Bà Trương Thị Lệ Khanh là “nữ tướng” nổi danh trong lĩnh vực thủy sản.

Theo giới thiệu của Forbes, bà Trương Thị Lệ Khanh đã có một thập kỷ làm việc tại các công ty nhà nước trước khi thành lập Vĩnh Hoàn vào năm 1997.

Sau khi ra trường, bà Khanh từng được Nhà nước phân công làm tại một công ty xuất khẩu của huyện, nhưng sau đó bà đã quyết định nghỉ việc và ra ngoài làm riêng.

Với vốn ban đầu 70 triệu đồng và hơn 70 công nhân, đến nay, bà Trương Thị Lê Khanh đã xây dựng Vĩnh Hoàn trở thành một trong những tập đoàn thủy sản hàng đầu với tổng tài sản đạt gần 6.000 tỷ đồng, doanh thu, lợi nhuận hàng năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Là một doanh nhân có tầm nhìn rộng và tư duy mở, bà Trương Thị Lệ Khanh từng chia sẻ với báo giới rằng, bà đặt tên Vĩnh Hoàn với ý nghĩa “Vĩnh là vĩnh viễn, hoàn là hoàn cầu”, bà mong Vĩnh Hoàn “mãi mãi tồn tại trên khắp thế giới”.

Bà hiện đang sở hữu gần 80 triệu cổ phiếu VHC, tương đương tỷ lệ 43,5% vốn điều lệ doanh nghiệp. Với mức giá cổ phiếu đang được giao dịch ở mức giá 36.650 đồng/cổ phiếu, tài sản bà Khanh ở Vĩnh Hoàn lên đến hơn 2.900 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Uy Dũng – Chủ tịch Du lịch Đại Nam (1961 – Tân Sửu)

Nghị lực và sự nghiệp lừng lẫy của những doanh nhân Việt tuổi Sửu - 3

Ông Huỳnh Uy Dũng

Ông Huỳnh Uy Dũng thường được nhắc đến với biệt danh “Dũng lò vôi” – gắn với thuở lập nghiệp của vị doanh nhân giàu nghị lực.

Ý tưởng làm lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp… đã giúp ông Dũng không những thoát khỏi cuộc sống nghèo khó mà còn tạo bước đệm để vị doanh nhân bước những bước cao hơn trên thương trường. Sau khi bán lò vôi, ông Dũng làm giám đốc công ty sơn mài Thanh Lễ, sau này là Công ty Thương mại XNK Thanh Lễ.

Trước khi tiếp nhận công ty sơn mài Thanh Lễ, ông Dũng đưa ra điều kiện, nếu làm ăn thua lỗ ông sẽ bỏ tiền túi ra bồi thường, còn ngược lại, công ty phải trích cho ông 10% tiền lời thu được. Kết quả, năm đầu tiên giữ cương vị giám đốc, lợi nhuận công ty vượt xa mong đợi.

Sự nghiệp về sau của ông Dũng “lò vôi” còn đạt rất nhiều thành tựu đáng ngưỡng mộ. Ông là “đại gia” nổi danh cả nước, song tháng 5/2020, ông bất ngờ tuyên bố ngừng kinh doanh và chuyển vai trò điều hành cho vợ ông là bà Nguyễn Phương Hằng, để tập trung vào công việc thiện nguyện.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo – Tổng Giám đốc TNI Coffee (1973 – Quý Sửu)

Nghị lực và sự nghiệp lừng lẫy của những doanh nhân Việt tuổi Sửu - 4

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo (ảnh: FBNV)

Từng được biết đến là người vợ tào khang của “Vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ, song từ sau vụ ly hôn ồn ào với ông Vũ diễn ra và kéo dài, bà Lê Hoàng Diệp Thảo còn được biết đến với sự nghiệp riêng, cũng trong lĩnh vực cà phê.

Theo đó, bà làm Tổng giám đốc Trung Nguyên International và sáng lập thương hiệu King Coffee.

Kết luận tại phiên tòa phúc thẩm ngày 5/12, Hội đồng xét xử tuyên bà Lê Hoàng Diệp Thảo có trong tay quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất của 7 bất động sản trị giá 375 tỷ đồng. Bà còn được giao sở hữu tiền, vàng, ngoại tệ trong các ngân hàng trị giá hơn 1.764 tỷ đồng. Ông Vũ phải thanh toán chênh lệch cho bà Thảo số tiền 1.510 tỷ đồng.

Phần tài sản của ông Vũ tại Công ty Trung Nguyên Singapore, ông đã tự nguyện giao cho bà Thảo sở hữu hoàn toàn (định giá tài sản này khoảng 100 tỷ đồng). Tính ra, tổng số tài sản ròng mà bà Thảo sở hữu sau khi ly hôn với ông Đặng Lê Nguyên Vũ khoảng 3.749 tỷ đồng.

Đối với con cái, bà Thảo được giao nuôi các con chung và chấp nhận sự tự nguyện của ông Vũ cấp dưỡng cho các con mỗi năm 10 tỷ đồng, tính từ năm 2013 đến khi học xong đại học.

Với khối tài sản hơn 3.700 tỷ đồng, bà Lê Hoàng Diệp Thảo được đánh giá là một trong những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam.

Ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh (1973 – Quý Sửu)

Nghị lực và sự nghiệp lừng lẫy của những doanh nhân Việt tuổi Sửu - 5

Ông Trần Trọng Kiên (ảnh: Fulbright)

Theo giới thiệu của Fulbright, ông Trần Trọng Kiên là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Tập đoàn Thiên Minh (TMG), tập đoàn du lịch hàng đầu ở Đông Nam Á. Ông bắt đầu công việc làm hướng dẫn viên du lịch với mục đích ban đầu để trang trải chi phí cho các nghiên cứu y tế của mình tại Đại học Y Hà Nội

Cơ duyên này đã đặt nền tảng để ông quyết định khởi nghiệp trong ngành du lịch với việc sáng lập Buffalo Tours vào năm 1994.

Từ một hướng dẫn viên, ông đã phát triển Buffalo Tours phát triển thành một trong những tập đoàn du lịch hàng đầu khu vực và được công nhận tốt nhất ở Việt Nam. Công ty phát triển lên quy mô toàn cầu với 17 văn phòng điều hành tại khu vực Châu Á ở 11 nước (Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông) và 4 văn phòng kinh doanh tại Úc, Anh, Mỹ, Nga.

Trải qua 21 năm hoạt động và phát triển, từ một doanh nghiệp nhỏ điều hành các tour du lịch mạo hiểm tại việt Nam với thương hiệu Buffalo Tours, ngày nay TMG là một trong những tập đoàn du lịch hàng đầu Đông Nam Á với ba lĩnh vực chính và 10 thương hiệu.

Ông Kiên tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa trường Đại học Y Hà Nội, nhận bằng cử nhân chuyên ngành tiếng Anh tại trường Đại học Sư Phạm Ngoại Ngữ Hà Nội và bằng thạc sỹ trường đại học Hawaii tại Manoa. Ông là thành viên của nhiều tổ chức chuyên nghiệp và tổ chức xã hội. Ông cũng gia nhập Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam với niềm tin về giáo dục kiến tạo sự thay đổi cho đất nước.

Bà Lê Thị Nguyệt Thu – Chủ tịch Tập đoàn Sao Mai (1985 – Ất Sửu)

Nghị lực và sự nghiệp lừng lẫy của những doanh nhân Việt tuổi Sửu - 6

Bà Lê Thị Nguyệt Thu (ảnh: Báo Cà Mau)

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Tập đoàn Sao Mai (ASM), với tỷ lệ biểu quyết đạt gần 99,6%, ASM đã bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới gồm có 5 thành viên. Trong đó, bà Lê Thị Nguyệt Thu đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2019 – 2024. Đây là lần đầu tiên sau hơn 22 năm hình thành và phát triển, ASM đã có nữ Chủ tịch.

Bà Lê Thị Nguyệt Thu sinh năm 1985, có trình độ thạc sĩ kinh tế, kỹ sư xây dựng và đã có thời gian dài học tập và làm việc tại nước ngoài.

Trước khi được bổ nhiệm vào chức vụ cao nhất tại Tập đoàn Sao Mai, bà Thu từng giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc phát triển dự án tại TPHCM, Trợ lý Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc tập đoàn, Chủ tịch HĐQT công ty CP Du Lịch An Giang; Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựt Hồng; Thành viên Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Dũng Thạnh Phát.

Theo giới thiệu, trong suốt nhiều năm nay, bà Thu là thành viên HĐQT rất tích cực và năng động, nhạy bén với thời cuộc. Bà đã cùng các thành viên khác bàn bạc đưa ra những quyết sách hết sức táo bạo liên tục đưa ASM phát triển mạnh trong thời gian gần đây.

Với việc bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT mới, ASM đang phấn đấu lọt Top 20  tập đoàn kinh tế mạnh của Việt Nam.

Ngoài ra, thương trường Việt Nam còn chứng kiến sự thành công của rất nhiều doanh nhân tuổi Sửu khác như ông Nguyễn Hùng Minh – Phú Chủ tịch Thaco (1961), ông Nguyễn Hoa Cương – Chủ tịch Gelex (1961), ông Tân Xuân Hiến – Chủ tịch Điện Gia Lai (1961), bà Nguyễn Thị Ngọc Loan – Đồng sáng lập, Chủ tịch Đầu tư Thương mại SMC (1961)…

Thế hệ doanh nhân sinh năm 1973 còn có: Ông Trần Kinh Doanh – Tổng Giám đốc Thế Giới Di Động; ông Philipp Rosler – từng là Phó Thủ tướng Đức, sau khi rời chính trường, ông đang là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures, Thành viên HĐQT Tập đoàn Lộc Trời; ông Võ Trường Sơn – Tổng Giám đốc Hoàng Anh Gia Lai; ông Trương Công Thắng – Tổng giám đốc Masan Consumer; bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng giám đốc Sacombank…

Thế hệ doanh nhân sinh năm 1985 cũng tài năng không kém với bà Trần Thị Thu Hằng – Thành viên HĐQT Kienlongbank, Tổng giám đốc Tập đoàn Sunshine, Chủ tịch Đầu tư SIPT; ông Lê Quang Nhuận – Tổng Giám đốc Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (BII); bà La Bùi Hồng Ngọc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng giá đốc Nhựa Ngọc Nghĩa…

Theo Mai Chi – Báo Dân trí