Thị trường Việt Nam trải qua phiên giảm mạnh thứ hai từ đầu năm. Trao đổi với Zing, Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital cho biết đó là lời cảnh báo mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư.
Gần hai tuần sau khi quay lại đỉnh lịch sử 1.200 điểm trong phiên giao dịch hôm 13/1, chỉ số VN-Index trải qua lần giảm mạnh thứ hai. Trao đổi với Zing, ông Dominic Scriven – Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital – bình luận đó là lời nhắc nhở với các đầu tư rằng thị trường không thể xanh mãi.
Vị chủ tịch quỹ đầu tư không loại trừ khả năng các thị trường tài chính toàn cầu đồng loạt tăng điểm vì làn sóng đầu cơ khi lãi suất giảm, nhà đầu tư tự tin thái quá về triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới. Theo ông, nhà đầu tư Việt Nam nên nhìn nhiều hơn vào rủi ro và đa dạng hóa danh mục đầu tư.
“Không bức tranh nào không có rủi ro”
– Ông bình luận thế nào về sự biến động dữ dội của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những ngày qua?
– Theo tôi, chúng ta không nên ngạc nhiên hay quá sợ hãi. Hãy coi đó là lời nhắc nhở của thị trường. Không có chuyện ngày nào thị trường cũng lên. Có ngày xanh thì cũng sẽ có ngày đỏ.
– Theo ông, nguyên nhân chính khiến thị trường giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 26/1 là gì?
– Trên thực tế, rất khó để chỉ ra một lý do cụ thể. Theo tôi, một phần nguyên nhân là ảnh hưởng của các thị trường nước ngoài. Nhà đầu tư quốc tế lo ngại về biến thể mới của virus, vấn đề lãi suất và lạm phát. Họ cũng đặt câu hỏi liệu chính quyền Mỹ có tung ra gói kích thích kinh tế mới hay không.
Hôm 25/1, đề xuất cứu trợ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bị hoãn lại. Cùng với đó là hàng loạt câu hỏi xoay quanh tương lai của đồng USD – đồng tiền dự trữ chính của thế giới.
Các thị trường toàn cầu tăng phi mã trong thời gian qua. Khi thị trường chứng khoán lên cao như vậy, việc người ta lo lắng là rất bình thường.
Riêng ở Việt Nam, thị trường chứng khoán mới đây chứng kiến làn sóng nhà đầu tư F0 (nhà đầu tư lần đầu tham gia thị trường). Do đó, có một số vấn đề về hệ thống giao dịch. Thêm vào đó, nhiều người vay tiền để đầu tư chứng khoán sẽ gặp khó khi một số công ty chứng khoán tăng lãi suất trên vốn vay.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital. Ảnh: Y Kiện. |
– Có ý kiến cho rằng làn sóng đầu cơ đang càn quét các thị trường tài chính toàn cầu (lãi suất thấp đem đến cơ hội đầu cơ giá rẻ). Ông nhận định thế nào về ý kiến này?
– Giới quan sát chia thành hai luồng ý kiến. Một số cho rằng các ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính trên toàn cầu đã sử dụng những chính sách tiền tệ và tài khóa để giúp người dân vượt qua các khó khăn trước mắt. Nhà đầu tư tin rằng năm nay, nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi nhanh, doanh nghiệp sinh lời trở lại, thị trường đi lên là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, luồng ý kiến khác cho rằng thị trường đi lên do động lực tiền tệ. Theo đó, một phần gói cứu trợ đã đi tới đúng nơi cần đến. Đó là các hộ gia đình và cá nhân gặp khó khăn vì đại dịch. Nhưng phần lớn chảy vào thị trường tài chính. Như vậy, việc thị trường leo dốc có thể được coi là một hiện tượng tiền tệ chứ không phải “phong vũ biểu” của nền kinh tế.
Đó chỉ là những ý kiến. Tuy nhiên, bản thân tôi nghiêng về ý kiến thứ hai hơn.
Bức tranh ở Việt Nam hoàn toàn khác. Tuy nhiên, tại Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác, thị trường dường như đang phản ánh kịch bản tốt nhất có thể có mà bỏ qua những rủi ro. Chẳng hạn, khả năng lãi suất tăng, virus biến thể, xung đột Mỹ – Trung, biến đổi khí hậu, tất cả rủi ro đó được thể hiện rất ít trên các thị trường tài chính.
Thị trường Việt Nam đỏ lửa trong phiên giao dịch ngày 26/1. Ảnh: SSI. |
– Vậy ông nhận định thế nào về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021, thưa ông?
– Theo tôi, phát triển kinh tế tốt là điều kiện cần để có một thị trường chứng khoán khỏe và lành mạnh. Nhưng đó chưa phải điều kiện đủ. Nhà đầu tư phải nhìn vào các chính sách tài khóa, nguồn cung tiền, lãi suất, lạm phát, tỷ giá…
Việt Nam càng mở cửa và quốc tế hóa thì càng chịu nhiều ảnh hưởng của những lĩnh vực khác trên thế giới.
Theo phân tích của chúng tôi, nhìn chung, triển vọng của Việt Nam rất sáng sủa, cả về kinh tế vĩ mô, tài chính tiền tệ, khả năng phục hồi, tính bền của trợ lực lẫn sức khỏe doanh nghiệp. Các rủi ro lớn chủ yếu nằm bên ngoài, nhưng không phải là không có rủi ro.
Nếu quá trình triển khai vaccine Covid-19 không thuận lợi, sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại, làm thay đổi bức tranh kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thậm chí chính sách tiền tệ. Khi đó, câu hỏi đặt ra là liệu các chính phủ và ngân hàng trung ương có đủ sức để tung thêm gói cứu trợ hay không.
Nền kinh tế và thị trường Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ những khó khăn trên toàn cầu. Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam kiểm soát rất tốt dịch Covid-19 trong năm 2020. Các động thái được đưa ra cho thấy Chính phủ Việt Nam đã nghĩ nhiều về quản trị rủi ro. Do đó, khi rủi ro xảy ra, Việt Nam phản ứng rất nhanh, toàn diện và hiệu quả.
Khi tham gia vào thị trường chứng khoán, nhà đầu tư hãy nghĩ tới các rủi ro như vậy.
“Nhà đầu tư cần nhìn nhiều hơn vào rủi ro”
– Ông nhận định thế nào về làn sóng nhà đầu tư F0 của thị trường chứng khoán Việt Nam, thưa ông?
– Có hai cách lý giải về làn sóng này. Thứ nhất, lãi suất tại Việt Nam có xu hướng giảm trong vài năm trở lại đây. Lãi suất tiền gửi giảm, thị trường địa ốc cũng chững lại 2-3 năm qua. Trong khi đó, thị trường chứng khoán ngày càng mở rộng quy mô và thu hút các nhà đầu tư.
Thứ hai, nếu nhìn vào các quốc gia khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ và Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy tốc độ tham gia vào thị trường của nhà đầu tư Việt Nam mới bước đầu tăng lên. Do đó, dư địa tăng trưởng vẫn còn rất nhiều.
Tổng số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam khoảng 3 triệu, nhưng những tài khoản giao dịch thường xuyên chỉ dưới 1 triệu. Đó là một con số không nhiều.
Các phản ứng với dịch Covid-19 cho thấy Chính phủ Việt Nam đã nghĩ nhiều về quản trị rủi ro. Khi tham gia vào thị trường chứng khoán, nhà đầu tư hãy nghĩ tới các rủi ro như vậy
– Nhiều nhà đầu tư mới muốn tranh thủ tiền giá rẻ nhưng chưa có nhiều kiến thức cơ bản về tài chính. Theo ông, điều này có thể đem đến rủi ro gì?
– Nhà đầu tư F0 chưa từng tham gia thị trường chứng khoán và không có nhiều kinh nghiệm. Tôi có một lời khuyên đối với các nhà đầu tư. Đó là rất khó để xác định lợi nhuận tương lai, nhưng chúng ta có thể xác định được rủi ro. Giữa lợi nhuận và rủi ro, hãy dành nhiều thời gian hơn để nghĩ về rủi ro.
Các nhà đầu tư, cả nhà đầu tư giàu kinh nghiệm lẫn nhà đầu tư mới, nên đa dạng hóa danh mục đầu tư. Thứ nhất, đừng bỏ tất cả tiền vào một mã. Thứ hai là hãy đa dạng thời điểm mua vào.
Ở những thị trường phát triển, các nhà đầu tư thường không ham một khoản lời lớn trước mắt. Thay vào đó, hàng tháng, họ sẽ đầu tư một phần thu nhập vào những mã cổ phiếu khác nhau. Nói cách khác, trong vòng một năm, nhà đầu tư chọn 12 thời điểm khác nhau, từ đó đa dạng hóa rủi ro về sự biến động của thị trường.
Thay vì mua thấp bán cao, các nhà đầu tư thường mua cao bán thấp vì tâm lý. Tuy nhiên, nếu có một quy trình đầu tư hàng tháng, số tiền mà nhà đầu tư thu được về dài hạn sẽ rất nhiều.
Tôi thường khuyên rằng các nhà đầu tư nên bỏ 1, 2 năm để đầu tư. Nếu đầu tư trong vòng một tuần hoặc một tháng, rủi ro nhận về sẽ cao hơn nhiều.
– Ông nghĩ sao về vấn đề nghẽn lệnh khiến không ít tính toán mua, bán của nhà đầu tư bị treo?
– Trong vài tháng gần đây, số lượng giao dịch hàng ngày tăng nhanh, trong khi dịch Covid-19 làm chậm quá trình lắp đặt hệ thống công nghệ thông tin mới tại sàn thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM. Tương tự câu chuyện đường sá, nhu cầu hạ tầng của Việt Nam rất lớn. Sở và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã nói về vấn đề này.
Theo Zingnews