Chúng ta đang sống trong một thời kỳ thay đổi nhanh chóng “một cách khác thường”, do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tiến bộ công nghệ và các xu hướng toàn cầu hóa. Mặc dù không thể dự đoán được tương lai, nhưng chúng ta biết rõ một đặc điểm của tương lai này, đó là thay đổi sẽ là một hằng số duy nhất và nó sẽ diễn biến ngày một nhanh hơn. Chính vì vậy, thị trường lao động và đặc biệt là cách thức làm việc đã thay đổi rất nhiều. Điển hình là việc thế hệ trẻ hay thế hệ Z (GenZ) đã bắt đầu tiếp cận hình thức làm việc tự do – freelancer, với mong muốn có được một công việc hoàn toàn tự do, cả về không gian lẫn thời gian.
Thế hệ trẻ chạy theo tự do, nhưng thế nào là tự do? Liệu có phải tự do là có thể làm việc bất kỳ lúc nào mình thích, bất kỳ nơi đâu cũng có thể làm việc? Hay tự do là làm việc theo cảm hứng? Có cảm hứng mới làm việc? Còn không thì chờ tới khi có cảm hứng mới làm việc?
Nếu tự do là như vậy thì các bạn sẽ đối mặt với áp lực tài chính như thế nào? Hay chọn lựa công việc thế nào để bớt áp lực về tài chính và để được tự do?
Cùng nghe chia sẻ về tự do của chị Trang Lê – người vừa điều hành một Marketing Agency, vừa cố vấn chiến lược nội dung cho một Agency khác nhưng luôn nhận định mình là con người tự do cả trong công việc và cuộc sống.
“Trang rất thích đi, nên cứ hễ cảm thấy “tim chật chội” là lại vác balo lên đi đâu đó.
Điều may mắn nhất trong cuộc đời Trang là chọn được một công việc, mà không phải mất cả tiếng để chen chúc di chuyển, tám tiếng ngồi văn phòng, và thường xuyên phải “tranh đấu tâm lý” trước những câu chuyện “xuyên không” của hội chị em đồng nghiệp.
Có nhiều bạn chia sẻ: “Em cũng rất muốn được như chị, nhưng công việc không cho phép. Nếu giờ em nghỉ để chuyển sang một công việc tự do hơn, thì em sẽ phải bắt đầu lại. Mà chưa chắc em có thể làm tốt như công việc hiện tại. Chưa kể, em còn rất nhiều khoản phải lo. Nên em cứ trì hoãn mãi đến giờ vẫn chưa quyết định từ bỏ công việc đang làm, dù em đã chán lắm rồi.”
Thực ra muốn tự do bạn cũng cần có kế hoạch bài bản và chấp nhận “sống không tự do một quãng thời gian dài”.
Trước hết bạn cần chuẩn bị tiền, đủ để bạn sống ổn ít nhất là 6 tháng. Làm được điều này, trong quá trình làm việc bạn hãy chăm chỉ, tích cực để tích luỹ. Song song với đó, bạn đừng quên viết chi tiết về việc mình sẽ làm sau khi nghỉ ở công ty. Ví dụ bạn sẽ là một photographer, một người viết content hay một người làm marketing online… Bạn nhất định phải làm cùng lúc hai việc kể trên để khi quyết định nộp đơn xin nghỉ, bạn sẽ không mất nhiều thời gian để loay hoay xem mình cần gì, muốn gì và làm được gì?
Một việc quan trọng không kém đó là tìm hiểu về “nghề tự do” mà bạn đã chọn. Liệu bạn có khả năng với nghề đó không? Nếu làm thì thực tế bạn sẽ phải làm những việc gì? Những ai có thể hỗ trợ và trở thành người thầy trong cuộc đời bạn? Kiến thức chuyên môn và lộ trình đi rõ ràng sẽ giúp bạn tự tin hơn rất nhiều trước khi quyết định nghỉ việc.
Ngay từ cấp 2, Trang đã bắt đầu viết, thời điểm đó Trang cộng tác với báo Mực Tím, Hoa học trò, Thiếu niên Tiền phong… để viết bài, viết truyện, nhuận bút thời điểm đó khiến Trang cũng gọi là “giàu có” đó, đủ tiền đi ăn bánh tráng kẹp Đà Nẵng, ăn chè Dạ Viên, chè Xuân Trang mỗi khi thèm… Từ đó, ngoài việc xác định được rằng mình thực sự thích viết, Trang còn tin rằng việc viết hoàn toàn có thể đem lại tài chính cho bản thân.
Vì thế, Trang chọn “nghề tự do” của mình là làm Content Marketing. Đến nay cũng gần 10 năm đồng hành cùng với nghề, nhiều kỷ niệm vui và cũng lắm chuyện buồn, nhưng trên hết, Trang vẫn luôn yêu và dành hết thời gian của mình cho “nghề viết”.
Để giữ được lửa đam mê với “nghề tự do” bạn phải liên tục đào sâu và cập nhật thêm về nó, đặc biệt, việc chia sẻ nghề với những người cùng đam mê luôn là cách để mình tìm thấy sự đồng điệu và gắn kết với nghề. Cách mà Trang chia sẻ nghề Content Marketing hơn 05 năm nay chính là đi dạy.
Nếu may mắn, bạn sẽ tìm được một “tri kỷ”, một người bạn đồng hành, để lựa chọn này trở nên thú vị hơn. Vậy nên, bạn đừng quên chia sẻ về kế hoạch, về đam mê của mình cho một ai đó, để tham khảo ý kiến, để nạp thêm nhiều “pin”. Sẵn sàng cho hành trình sắp đến.
Cuộc sống là một hành trình, tự do cũng vậy. Cái tự do mà mình nhắc đến thực ra là tự do về công việc. Còn tự do trong “bộ não siêu bự” của bạn thì dù có đang ngồi trong văn phòng chỉ có vài mét vuông vẫn có thể bay nhảy cả vũ trụ.
Đọc sách, gặp gỡ nhiều người để nghe câu chuyện của họ, không ngừng học hỏi, tập viết plan ngắn hạn, dài hạn cho cuộc đời mình, để từ đó bạn sẽ tìm được “tự do” của riêng mình.”
Qua chia sẻ của chị Trang Lê, một quan điểm về tự do rất rõ ràng được thể hiện. “Cuộc sống là một hành trình, tự do cũng vậy. Cái tự do mà mình nhắc đến thực ra là tự do về công việc. Còn tự do trong “bộ não siêu bự” của bạn thì dù có đang ngồi trong văn phòng chỉ có vài mét vuông vẫn có thể bay nhảy cả vũ trụ.”
Còn bạn, bạn nghĩ thế nào về tự do và để tự do mình cần phải làm gì?
Hà Anh