Grab và người dùng đóng góp 4,66 tỷ xây 5 cây cầu tại vùng sâu giúp gần 3.000 trẻ em bớt gian nan khi đến trường.
Dự án “Xây cầu đến lớp” triển khai từ tháng 5/2019, tạo điều kiện thuận lợi giúp các em nhỏ đến lớp an toàn hơn, cũng như đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con địa phương, nhất là trong mùa mưa, lũ. Grab cùng cộng đồng đã chung tay đóng góp thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam với tổng kinh phí 4,66 tỷ đồng trong năm đầu tiên. Trong năm cây cầu được đưa vào sử dụng, có hai cây cầu ở Vĩnh Long, hai cầu ở Hà Giang và một cầu ở Tiền Giang.
Trong đó cây cầu Phú Quới, xã Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long được xây dựng gần ở trường mầm non, trường tiểu học và trường THCS. Cầu đã phục vụ hơn 250 em hàng ngày, rút ngắn thời gian di chuyển từ 5-15 phút. Cầu Phụng Thới, xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, Tiền Giang phục vụ 170 học sinh. Cầu Phước Thới B phục vụ 100 học sinh và tiếp theo là các cây cầu ở xã Tân Lập và Nậm Ty. Về quãng đường, dự án giúp rút ngắn phạm vi di chuyển đến hơn 20 km và tiết kiệm hơn một giờ đồng hồ.
“Trước khi có cầu, gia đình tôi luôn chuẩn bị sẵn một đoạn dây có móc, mỗi khi nghe tiếng ‘ùm’ hoặc tiếng kêu cứu thì phải chạy ra ngay để cứu người và xe rơi xuống sông”, một người dân sống gần cầu Phước Thới B chia sẻ về khó khăn trước khi có cây cầu mới khang trang.
Trong khi đó ở khu vực xã Nậm Ty, Hà Giang, những ngày nắng các em phải đi từ ba em trở lên, cùng nhau lội qua suối. Tình trạng ngã ướt, trôi dép, cặp sách… thường xuyên xảy ra. Nếu mưa to, các em buộc nghỉ học. Cầu mới kiên cố giúp em các tiết kiệm 1,5 giờ mỗi lần đến lớp, đảm bảo an toàn vào mùa mưa lũ.
Các cây cầu không chỉ góp phần giúp đường đến trường của các em thêm thuận tiện, đảm bảo an toàn giao thông, mà còn tác động tích cực đến kinh tế – xã hội địa phương. Cầu khang trang góp phần thúc đẩy giao thương, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại qua lại hai đầu cầu.
Điển hình với khu vực cầu Phước Thới B, nông sản chủ yếu vận chuyển qua đường thủy. Với cây cầu mới cao hơn nhiều so với cầu cũ, giao thông đường thủy diễn ra thuận lợi, giúp nông dân, thương lái… dễ dàng vận chuyển nông sản. Trong khi đó với Đập tràn của xã Nậm Ty, đây là con đường giao thông độc đạo nối đến con đường giao thông chính. Vì vậy mọi hàng hóa đều được vận chuyển qua Đập tràn này. Từ khi Đập tràn được xây dựng, đã tạo điều kiện cho lượng lớn nông sản được vận chuyển qua đây, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Đánh giá về hoạt động của dự án, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chia sẻ, những cây cầu xây dựng tại vùng nông thôn hẻo lánh không chỉ giúp các em học sinh đến trường an toàn mà còn giúp cho người dân đi lại, buôn bán, làm ăn, ổn định cuộc sống. Nhiều hộ dân sẵn sàng hiến đất làm đường dẫn, góp sức xây cầu khang trang hơn.
“Năm cây cầu mang hình ảnh đẹp đẽ của Grab đến với người dân. Hy vọng doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đóng góp nhiều hoạt động ý nghĩa cho xã hội”, bà Nguyễn Thị Hà nói.
Hỗ trợ của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Grab được xem là tiền đề để chính quyền các địa phương huy động các nguồn lực của xã hội cũng như công tác xã hội hoá để phát triển cơ sở hạ tầng của địa phương. Đại diện chính quyền một số địa phương cho biết đang tiếp tục vận động nhà hảo tâm để hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng, đường dẫn, đường nối… tạo thuận lợi cho các em nhỏ và người dân trong khu vực.
Đây cũng là dự án giúp lan tỏa thông điệp tương thân, tương ái trong cộng đồng. Theo đó, tổng số tiền gần 5 tỷ đồng huy động được trong chương trình có phần lớn từ sự đóng góp của người dùng Grab thông qua đổi điểm GrabRewards.
Đại diện Grab cho biết trong năm nay sẽ hỗ trợ xây dựng ba cây cầu giao thông tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa, miền sông nước đi lại khó khăn với kinh phí khoảng ba tỷ đồng. Dự án là một phần trong lộ trình thực hiện sứ mệnh “Grab Vì Cộng Đồng” mà Grab đã cam kết tại Việt Nam. Thông qua công nghệ, Grab sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Minh Anh/ VNExpress