đọc tin nhanh

Tôi đang chứng kiến những câu chuyện vừa lo vừa vui về thị trường và cách doanh nghiệp đón Tết.

Một hệ thống siêu thị lớn chuẩn bị một vạn gói quà Tết với giá không cao, bao bì rực rỡ hấp dẫn. Vậy mà sau suốt một tuần, không thấy người tiêu dùng quan tâm chọn mua. Một hệ thống siêu thị khác, giữa tình thế doanh nghiệp ngặt nghèo thế này mà đòi nhà cung cấp phải tăng chiết khấu. Doanh nghiệp tuy ráo riết chạy đua bán hàng mùa Tết, nhưng hàng chục đơn vị đành phải bỏ kệ hàng vì “chịu hết xiết”.

Tôi cũng vừa dự hai cuộc họp đầu năm của hai tổ chức gồm các doanh nghiệp Việt. Tổng kết và bàn kế hoạch mới là việc bình thường, nhưng thảo luận sôi nổi nhất lại về một đề tài không thuộc nghị trình chính.

Ở cuộc họp thứ nhất, một anh trong Ban chấp hành Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đưa ra câu hỏi: Năm nay dịch Covid lấy hầu hết thời gian kinh doanh của doanh nghiệp, rất nhiều công ty lao đao, chưa gượng dậy nổi. Nhưng đã có những doanh nghiệp nỗ lực phi thường, thay đổi quản trị, mô hình kinh doanh, mạng lưới phân phối và cuối cùng thành công ngoạn mục. Ví dụ, PNJ, Minh Long, Biti’s, Bita’s, Vinamit, Thiên Long, SaigonFoods, nhựa Bình Minh, Điện Quang… Phải chăng cần tổ chức sự kiện để ghi nhận cố gắng và thành công của họ?

Mọi người im lặng. Không ai phản đối nhưng có sự lựng khựng. Giọng rất buồn của nữ doanh nhân, Tổng giám đốc công ty nước mắm Khải Hoàn. Chị nói, công ty tôi năm qua làm ăn khó những còn xoay sở được. Nhưng rất nhiều doanh nghiệp nước mắm truyền thống sa sút thảm hại. Không phải vì họ làm ăn dở, quản lý kém mà vì người tiêu dùng khó khăn quá, không có tiền, hết tiền.

Trước mặt tôi là những doanh nghiệp đã thành công rạng rỡ: Minh Long, PNJ, ABC bakery, An Phước, Nutifood, Vissan… Anh Lý Huy Sáng cất giọng điềm đạm, rằng không ít doanh nghiệp đã kết thúc năm trong tâm trạng không tốt. Số đông buồn, một số ít vui, không nên khiến người không thành công thấy lạc lõng. Tình hình dịch bệnh còn kéo dài, sự gắn kết doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng quan trọng hơn lúc nào hết. Tuy khó, nghèo, nhưng nhiều người vẫn ủng hộ hàng Việt. Anh Lê Trí Thông tiếp lời, đây là lúc chúng ta tri ân họ. Cả xã hội ai cũng làm ăn khó nên không thể tiêu dùng như trước. Nhưng nếu họ không ủng hộ, doanh nghiệp làm sao đứng vững và lao động còn khó khăn, mất việc nhiều hơn.

Cuối cùng, chúng tôi đồng tình rằng, năm Covid cho doanh nhân một bài học: biết ơn người tiêu dùng và chăm lo cho công nhân – lực lượng khó khăn nhất.

Cuộc họp thứ hai của Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu tuần sau đó cũng nhanh chóng đồng thuận, xúc tiến soạn thư gửi doanh nghiệp để cùng chăm lo cho người lao động gặp khó. Ý tưởng tặng 5.000 nồi thịt kho cho 5.000 gia đình ban đầu khó thực hiện, chúng tôi đành chuyển qua tặng quà gồm gạo ngon, nước mắm truyền thống, bánh kẹo và bao thư để các gia đình tự đi chợ hay siêu thị. Ngoài ra, mỗi gói quà sẽ có vé vào cửa công viên Đầm Sen.

Thật nhanh và ấm lòng, khu công viên Đầm sen nước và Đầm sen khô gửi tặng ngay 5.000 vé vui chơi miễn phí cho các cháu của gia đình công nhân nghèo. Hỏi mua gạo, ngay lập tức một anh lãnh đạo doanh nghiệp nói: “Công ty tôi, trường hợp này không bán gạo nhé, chỉ tặng thôi. Hai tấn, gạo ngon hay hữu cơ, được không?”. Chị sếp tổng công ty nước mắm cũng không suy nghĩ lâu, “5.000 chai nước mắm ngon, 30 độ đạm, chai nửa lít thôi hay một lít hả chị? Rồi, xong ngay, mình chỉ lấy 50% giá bán sỉ. Chừng nào giao hàng để còn chuẩn bị?”.

Ngày đầu chuẩn bị quà Tết đã diễn ra như vậy. Tôi đi ngủ mang theo giấc mộng thật ấm áp. Sáng sớm, mở máy check e-mail, ông bạn doanh nhân gửi cái thư ngắn: “chị gửi cho tôi văn bản của Hội về việc tặng quà Tết, tôi đi vận động thêm nhé”.

Nghĩa tình của doanh nghiệp, người tiêu dùng và lao động nghèo làm tôi thực sự cảm động. Bài học về đạo đức kinh doanh và nhân nghĩa ở đời, sau một năm chịu sức ép tàn tệ của dịch bệnh đã hiển lộ. Những nhà kinh doanh, sau cuộc chiến gian nan với mối nguy Covid-19, hiểu rõ hơn: mình sống còn nhờ ai, cần biết ơn ai và cần làm gì.

Gặp những thợ nghèo trong xóm trọ gần nhà, tôi không khỏi chùng lòng khi nghe những phát biểu cam chịu: “Dịch bệnh vầy, có việc làm là may phước rồi, không dám mong thưởng, lương tháng 13 hay về quê ăn Tết, chị ơi!”.

Tết năm nay, một cái Tết chưa từng có vì con số thống kê 860 nghìn công nhân mất việc. Chung quanh tôi, quá nhiều doanh nghiệp giải thể, đóng băng hay trả mặt bằng, chờ bão qua. Rất nhiều công nhân không có tiền lo Tết, mua hàng. Câu chuyện còn có thể kéo dài đến hết năm hay xa hơn nữa.

Đó cũng là lúc thử thách những tấm lòng nhân ái thật, không phải chỉ là lời đầu môi.

Vũ Kim Hạnh/ Theo VNExpress