đọc tin nhanh

Luôn hướng về quê hương, nghĩ về bà con còn khó khăn ở trong nước là mong muốn, tâm niệm hàng ngày, hàng giờ của người Việt ở nước ngoài. Không nằm ngoài mong muốn ấy, trong suốt 18 năm qua, nhóm Việt Kiều (VK) đã đóng góp xây gần 300 chiếc cầu trị giá 2 triệu EURO tặng cho bà con vùng nông thôn trên mọi miền đất nước…

Những chiếc cầu mang tên VK

Ngày 26/3, là một ngày đáng nhớ của bà con ấp E1, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ khi chiếc cầu bê tông vững chãi bắt qua kênh E được đưa vào sử dụng. Có chiếc cầu này hành trình vượt sông của người dân địa phương, nhất là các em học sinh được thuận tiện hơn, qua sông không phải lụy đò.

Chủ tịch UBND xã Thạnh An – ông Phạm Minh Trí vui mừng cho biết, trong ngày 26/3, xã đã đưa 2 chiếc cầu, với tổng mức đầu tư 535 triệu đồng, trong đó nhóm VK đóng góp 410 triệu đồng và ngày công, chịu trách nhiệm về thiết kế, kỹ thuật thi công hoàn thành.

“Xã Thạnh An là xã nông thôn mới nhưng trên địa bàn xã vẫn còn 3 cây cầu chưa được bê tông hóa. Với sự tài trợ của nhóm VK cùng với ngân sách địa phương xóa cầu khỉ trên địa bàn đã giúp xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Đường xá giao thông thuận tiện là một trong những điều kiện quan trọng để vực dậy tiềm năng phát triển về mọi mặt cho địa phương”, ông Trí chia sẻ.

noi nhip bo vui

Mỗi chiếc cầu nối nhịp đôi bờ là mỗi niềm vui của nhóm VK và và bà con vùng sâu, vùng xa

Ông Hoàng Văn Thơ, đại diện cho người dân ấp E1 bày tỏ lời cảm ơn nhóm VK đã hỗ trợ cho người dân ở đây một chiếc cầu vững chãi. Có chiếc cầu này việc đi lại của người dân nói chung, của các cháu học sinh nói riêng cũng được thuận tiện hơn.

“Giao thông thuận tiện chính là điều kiện để người dân chúng tôi đẩy mạnh phát triển kinh tế, vươn lên khá giàu”, ông Thơ phấn khởi nói.

Chia sẻ tại buổi lễ khánh thành 2 cây cầu VK 273 và VK 274, bà Trần Thị Ngọc Lan, đại diện cho Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài – TP. HCM cho rằng, hoạt động chung tay đóng góp thay cầu khỉ bằng cầu bê tông cốt thép của nhóm VK huyện Hóc Môn, TP. HCM là một nghĩa cử cao đẹp, một việc làm thiết thực, góp sức xây dựng quê hương, hướng về cội nguồn dân tộc của bà con kiều bào.

Phó trưởng nhóm VK – bà Nguyễn Thị Yến Thu cho biết, ngoài xây cầu nông thôn, trong những dịp khánh thành cầu như thế này, nhóm VK còn đóng góp tặng quà cho bà con nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Cùng với đó, nhóm VK cũng tham gia nhiều công tác thiện nguyện khác như hỗ trợ tu bổ trường học cho học sinh ở những vùng khó khăn.

vo chong ong cong

Dù tuổi tác đã cao nhưng ông Công và bà Linh vẫn ‘xông pha’ với công tác thiện nguyện

Thủ lĩnh những chiếc cầu VK

Là một du học sinh tại Pháp, sau năm 1975, ông Nguyễn Văn Công, quê gốc ở huyện Hóc Môn, TP, HCM đã quay về Việt Nam với tấm bằng kỹ sư xây dựng chuyên về nền móng công trình và làm việc cho một công ty xây dựng nước ngoài tại Việt Nam.

Với tính chất công việc, ông Công có dịp ngược xuôi mọi miền đất nước, khi đi đến các vùng quê ông đã chứng kiến cảnh người dân vùng quê nhất là các em học sinh phải dò dẫm từng bước để qua những chiếc cầu khỉ sang sông, đến trường tìm con chữ.

ba Linh tang qua cho HS

Vượt hàng trăm cây số, bà Linh đã mang những món quà nghĩa tình đến với trẻ em vùng sâu, vùng xa

Hình ảnh bà con vùng quê muốn qua sông phải “lụy đò” đã thôi thúc ông cần phải làm một việc gì đó giúp cho việc đi lại của bà con vùng nông thôn thuận tiện hơn.

Xuất phát từ ý nghĩ đó, năm 2004, ông Công và vợ là bà Nguyễn Thị Mỹ Linh – Việt kiều Mỹ cùng 8 Việt kiều khác đồng sáng lập nhóm Việt kiều, tên viết tắt “VK” với mục đích chung sức làm thiện nguyện, đặc biệt là xây những cây cầu ở nhiều vùng quê nghèo trên khắp mọi miền đất nước.

Ban đầu, mục tiêu của “nhóm VK” là mỗi thành viên sáng lập sẽ tự nguyện đóng góp 300 EUR để xây dựng 10 cây cầu bê tông cốt thép thay cầu khỉ, trong thời gian 3 năm.

Tiếng lành đồn xa, chỉ sau vài chiếc cầu được trao tặng cho bà con vùng sâu, vùng xa thì việc làm ý nghĩa của nhóm VK đã được nhiều bà con kiều bào biết đến, và như thế những chiếc cầu nối nhịp bờ vui liên tiếp ra đời, tính đến thời điểm hiện tại nhóm VK đã xây dựng được 275 cây cầu với tổng trị giá trên 2 triệu EUR ( hơn 50 tỷ đồng). Kỹ thuật xây cầu của nhóm VK cũng được đánh giá là độc đáo, hiệu quả và chất lượng.

Chia sẻ với phóng viên, Kỹ sư Nguyễn Văn Công – hiện nay là Nguyên Trưởng nhóm VK cho biết với địa hình kênh rạch chằng chịt như khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì việc thi công cầu sẽ rất khó khăn nếu áp dụng phương pháp cọc đúc sẵn và dùng búa khí nén để đóng xuống. Đó là chưa nói đến nhược điểm của phương pháp thi công này là khó đưa phương tiện vào công trình; trong quá trình đóng cọc, cọc bị gãy, nứt không đảm bảo được tuổi thọ của công trình.

Do vậy, nhóm VK chọn giải pháp kỹ thuật là khoan cọc nhồi, đổ bê tông trực tiếp để thi công các trụ cầu. Đây chính là bí quyết giúp xây cầu nhanh, thay vì đổ sẵn trụ ở trên bờ, chờ ninh kết ít nhất 14 ngày mới đóng xuống nước được. Nhờ kỹ thuật thi công cọc nhồi này mà mỗi cây cầu có thể xây trong vòng 1 tháng là xong. Dù thi công nhanh nhưng cầu vẫn đảm bảo chất lượng, tính thẩm mỹ, giá thành ở mức thấp nhất; tuổi thọ có thể sử dụng từ 40 năm trở lên.

hinh tap the

Hành trình của nhóm VK đã qua 18 năm và đang được tiếp nối

“Những chiếc cầu nối nhịp đôi bờ như những sợ dây vô hình kết nối trái tim với trái tim. Những nhịp cầu kết nối vùng nông thôn với thành thị; kết nối những con đường làng với quốc lộ, tiểu lộ với đại lộ sẽ là điều kiện để khai mở, đánh thức tiềm năng phát triển vùng quê xa xôi, kéo nông thôn xích lại gần thành thị hơn.

Những chiếc cầu được ví như những chiếc “cần câu”, đường xá thông thương chính là điều kiện tiên quyết để bà con vùng sâu, vùng xa đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế, vươn lên khá giàu; con đường đến trường tìm “con chữ” của học sinh vùng sâu thuận lợi sẽ chấp cánh cho tương lai tươi sáng rạng ngời”, ông Công cho biết cảm nghĩ qua việc làm ý nghĩa của nhóm VK.

Đồng hành cùng chồng của mình, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh – một trong số những thành viên ban sáng lập nhóm, đồng thời cũng là một người con của vùng đồng bằng sông Cửu Long hầu như không khi nào vắng mặt trong các buổi lễ khánh thành và bàn giao cầu cho địa phương do nhóm VK xây dựng.

“Tôi năm nay tuổi cũng đã cao, những chuyến đi vượt hàng trăm cây số đến các vùng quê làm công tác thiện nguyện khi về đến nhà ê ẩm hết cả người nhưng khi nhớ lại nét mặt hân hoan, phấn khởi của người dân khi được đi trên những chiếc cầu mới, mình thấy việc làm của nhóm VK hết sức có ý nghĩa, chính động lực tinh thần đó đã thôi thúc tôi không ngừng nghỉ mà sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi nào sức khỏe không cho phép nữa”, bà Linh bộc bạch.

Cũng vì lý do tuổi đã cao nên ông Nguyễn Văn Công đã lui về vị trí hỗ trợ, chuyển giao cho một Ban kế nhiệm mới trẻ hơn, khoẻ hơn và vô cùng tâm huyết với hành trình thiện nguyện. Đó là ông Lê Phan Khôi, Giám đốc công ty Innochems – Trưởng nhóm VK và bà Nguyễn Thị Yến Thu – Phó Trưởng nhóm VK. Nhóm kế nhiệm là những thành viên kỳ cựu và tâm huyết, đã đồng hành cùng nhóm VK trong suốt thời gian qua và sẽ vẫn tiếp tục nêu cao tinh thần bác ái, xây dựng cầu giúp bà con vùng sâu, vùng xa trong nước.

z3295697660189_2132b6402700e7bcdd2715c073570333

Ông Lê Phan Khôi, Giám đốc công ty Innochems – Trưởng nhóm VK luôn tâm huyết với công việc bác ái

abc

Bà Nguyễn Thị Yến Thu – Phó Trưởng nhóm VK luôn đồng hành với nhóm VK trong các chương trình thiện nguyện

Làm từ thiện bằng tấm lòng, trái tim, bằng tâm huyết là suy nghĩ của hầu hết những Việt kiều trong nhóm VK. Dẫu có cách xa ngàn vạn dặm, nhưng tình cảm của họ với quê hương thì ở rất gần.

PV