Nghệ thuật, suy cho cùng về bản chất đều là khát vọng nguyên sơ của con người tìm về những giá trị tinh khiết nhất trong tâm hồn mình. Tuỳ theo cách thức, phương tiện thể hiện mà nghệ thuật phân nhánh thành những lĩnh vực khác nhau. Có một sự kết hợp đặc biệt giữa tư duy nhiếp ảnh và thời trang đang là bước khởi đầu vững chắc cho đam mê nghệ thuật của một bạn trẻ, đó là Đỗ Nguyễn Tự Quan.
Nếu định nghĩa nhiếp ảnh thời trang là chụp một người nào đó chưng diện quần áo và nhìn vào ống kính thì có lẽ, nhiếp ảnh thời trang đã có mặt ngay từ khi nhiếp ảnh ra đời, chứ không phải đợi đến năm 1856 khi cuốn sách ảnh với 288 bức ảnh của Adolphe Braun xuất bản. Ngày nay, nhiếp ảnh thời trang dần trở thành nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh. Bởi vậy, mỗi bộ ảnh giống như những thước phim nhỏ sống động. Các nhiếp ảnh gia lấy một nguyên liệu từ thực tại và dựng lại chúng qua lăng kính rất mực điện ảnh của mình. Theo đó, người xem sẽ tham gia vào quá trình đồng sáng tạo. Nhìn vào ảnh, họ tự tưởng tượng ra câu chuyện và cảm nhận cái đẹp theo gu thẩm mỹ riêng.
Đỗ Nguyễn Tự Quan tuy chỉ xuất hiện ở sân chơi nhiếp ảnh thời trang trong thời gian ngắn, nhưng đã để lại được dấu ấn sau triển lãm Art Exhibition. Một “tâm huyết” được gầy dựng từ tập thể những tay máy trẻ dưới sự dẫn dắt của người thầy tài năng, nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Đức. Từ những bước khởi đầu là niềm yêu thích thời trang, sau đó Tự Quan đã mang nhiếp ảnh để hoà quyện đam mê trên thành một con đường nghệ thuật lâu dài. Phóng viên trang Văn hoá Doanh nhân Việt Nam có cơ hội để trò chuyện cùng người bạn trẻ với niềm đam mê về bộ môn nghệ thuật khá mới lạ ở Việt Nam này.
Niềm đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh thời trang của Quan xuất phát từ đâu?
Điều em theo đuổi không hẳn là nghệ thuật mà đó là thời trang. Sau khi yêu thời trang rồi thì em mới biết đến và thích tìm hiểu nhiều lĩnh vực liên quan như nhiếp ảnh, nghệ thuật thị giác, nghệ thuật sắp đặt, hội hoạ và đồ họa.
Từ khi học tiểu học thì em đã dần có nhận thức về cái đẹp của thời trang thông qua những món phụ kiện (nhẫn, dây chuyền, vòng da) và từ đó em theo đuổi cái em cho là đẹp. Cho đến năm lớp 7, trong một lần đi công tác thì mẹ mua tặng em một đôi sneakers của Gucci thì lúc đó em bị hấp dẫn bởi cái đẹp lịch thiệp và kì lạ của đôi giày. Khi mang vào thì cảm giác mình đi như mình đang nhảy, nó tinh tế một cách khó tả và rồi em bắt đầu tìm hiểu về các thương hiệu thời trang (những người sáng lập lẫn nhà thiết kế) trên thế giới. Điều không ngờ là em bị ám ảnh đến thuộc lòng phong cách đặc trưng lẫn tiểu sử của các thương hiệu, đam mê của em bắt đầu từ đó.
Lý do em rời Việt Nam và chọn Emily Carr làm nơi để mình theo học, và cảm thấy những điều em học được những gì cho chuyện sáng tác của mình?
Sau khi tốt nghiệp trung học thì em học làm rập từ Nhà thiết kế Phi Phạm, sau đó khi sang Canada thì em học Fashion Merchandising (Quản lý và Kinh doanh Thời trang) để biết được cách vận hành hay quản lý buôn bán của thương hiệu. Điều em nhận ra là trường học không dạy được những thứ mà em mong đợi nên tốt nghiệp xong thì em lập tức làm portfolio để nộp vào Emily Carr University of Art + Design vì đây là trường Đại học thuần nghệ thuật lâu năm ở Canada.
Tự Quan và mẹ tham quan trường Mỹ thuật Emily Carr
Kiến thức thì không bao giờ là đủ, càng học nhiều thì em càng thấy mình cần học nhiều hơn nhưng có 3 thứ em nghĩ mình luôn phải trau dồi: kĩ năng để hiện thực hoá ý tưởng, triết lý trong sáng tạo và không bao giờ được hài lòng với bản thân quá lâu.
Những gì em học được giúp em hiểu rõ hơn về cái nhìn của những vĩ nhân đi trước, từ đó tìm được con người của mình nằm ở đâu và phong cách nghệ thuật của bản thân trông như thế nào để từ đó phát triển thành dấu ấn riêng.
Gia đình và bạn bè có ủng hộ đam mê của em không?
Gia đình thì không ngăn cản cũng không khuyến khích em đi theo hẳn vì “Phi thương bất phú”, nhưng bạn bè em thì khá thích.
Em dành bao nhiêu thời gian cho nhiếp ảnh thời trang, có cân bằng được thời gian cho những hoạt động khác trong cuộc sống không?
Hiện tại lúc này ngoài học tập, hầu hết thời gian trong ngày của em là dành để nghĩ về nhiếp ảnh thời trang.
Nhiếp ảnh gia nào em thích nhất, và ảnh hưởng đến quan điểm sáng tác của em như thế nào?
Em bị ảnh hưởng nhiều bởi nhiếp ảnh gia Rala Choi. Cái em học được ở Rala Choi là chụp ảnh thể hiện rõ quan điểm và màu sắc cá nhân không lẫn vào đâu được. Choi xây dựng nhân vật của mình thông qua những trải nghiệm riêng từ nhỏ đến lớn và lấy cảm hứng từ những điều đơn giản nhất của cuộc sống nhưng rất biết cách nghệ thuật hoá ý tưởng của bản thân. Bên cạnh đó, Rala Choi chụp thương mại rất đẹp chứ không chỉ biết nghiêng về mỗi chụp nghệ thuật. Đối với em, chụp quảng cáo tốt là một lợi thế để nuôi được đam mê vì em không phải là một con người thuần nghệ thuật. Em muốn mình có thể kiếm tiền bằng nghệ thuật để “dùng nghệ thuật nuôi nghệ thuật”.
Em đã học hỏi và chia sẻ được những gì từ khi tham gia nhóm MDK3 và người thầy Nguyễn Minh Đức đã truyền cảm hứng cho em như thế nào?
Ý chí và sự cố gắng theo đuổi đam mê là thứ em học được nhiều nhất. Anh Đức là người truyền lửa rất tốt, đặc biệt là khiến em cảm thấy bị khiêu khích và bức bối mỗi khi em không làm được cái mình muốn, điều đó khiến em cố gắng bằng mọi giá để tạo ra được tác phẩm đúng ý mình muốn, chân thật với bản thân mình nhất.
Anh Đức cũng từng là du học sinh, cũng tích góp và phấn đấu bằng chính sức lực của mình để theo đuổi đam mê ở nước ngoài. Chắc cũng vì vậy mà em cũng muốn “lì” như thầy của mình, không ngừng học hỏi và không than thở.
Buổi triển lãm Art Exhibition là buổi triển lãm thứ mấy của em và cảm giác mang tác phẩm nghệ thuật của mình ra công chúng ra sao?
Triển lãm này là lần đầu em được trưng bày “cái tôi” của mình đến với công chúng cùng với tập thể MDK3 mà mỗi người 1 dấu ấn riêng nên em thấy khá là hãnh diện với bản thân. Những tác phẩm em đưa ra triển lãm chỉ là 1 trong số ít những kế hoạch em ấp ủ “phải” thực hiện trong năm nay nên em hy vọng đây sẽ là 1 bước đệm để mình có thể tiến xa hơn nữa trong sáng tạo.
Tự Quan tại triển lãm Art Exhibition
Em có thể chia sẻ về những tác phẩm tiêu biểu và trường phái Nhiếp ảnh thời trang của mình.
Bộ hình mà em thích nhất là Nomophobia, kể về sự lệ thuộc của con người đến mức trở thành nô lệ của máy móc, thiết bị, hoá chất từ đó dẫn đến nhiều hệ luỵ như trầm cảm, ảo giác, và không thể sống thiếu những thứ “nhân tạo” đó. Nên nhớ là con người tạo ra công nghệ chứ không phải công nghệ sinh ra chúng ta. Xuyên suốt bộ hình là sự ảm đạm xen lẫn chút hài hước được truyền tài từ nghĩa đen đến nghĩa bóng
Trường phái mà em đang theo đuổi là Grunge và Conceptual.
Cảm ơn em, chúc em ngày càng thành công hơn nữa trên con đường theo đuổi đam mê của mình!
Và sau đây, xin giới thiệu cùng những độc giả yêu nghệ thuật những tác phẩm đặc sắc của Tự Quan trong bộ ảnh Nomophobia:
Xuân Tùng