đọc tin nhanh

Cuối năm là thời điểm các sự kiện tổng kết, tất niên của các công ty, doanh nghiệp diễn ra nhiều nhất. Và trong nhịp điệu sôi động, hối hả đó, các bạn MC – người dẫn chương trình – được dịp “chạy show” tất bật. Ban biên tập của tạp chí Sức khoẻ và Sắc đẹp đã tranh thủ trò chuyện với MC Henry Dang – MC Đặng Trường Giang – một gương mặt MC song ngữ trẻ đầy tiềm năng.

PV: Chào Henry, những ngày này chắc bạn có nhiều cơ hội chạy khắp nơi với các sự kiện cuối năm nhỉ?

Henry: Dạ cảm ơn chị. Ông bà mình hay nói là “trộm vía” đó chị (cười). Mặc dù so với thời điểm này của những năm trước, số lượng công việc có giảm sút hơn do nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vẫn có nhiều doanh nghiệp cố gắng hết sức để có được một bữa tiệc Tất niên theo đúng truyền thống của dân tộc ta. Càng trải qua nhiều thử thách, doanh nghiệp lại càng cần sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể cán bộ nhân viên, càng cần hơn sự tin tưởng, đồng hành của các đối tác, khách hàng. Nên sau một năm nhìn lại, BGĐ các công ty vẫn mong muốn dành một sự kiện thật trang trọng, ấm cúng, thân mật, tạo ra không khí gắn kết, vui vẻ cho cả đối tác khách hàng và anh chị em nội bộ công ty.

PV: Vậy với những thay đổi chung của thời cuộc cũng như những yêu cầu từ phía khách hàng, Henry có gặp khó khăn gì không?

Henry: (cười) Cũng khó chứ chị. Ngân sách từ phía khách hàng sẽ eo hẹp hơn, trong mỗi chọn lựa về địa điểm tổ chức, trang trí sân khấu, âm thanh ánh sáng đến cả lựa chọn thực đơn bữa tiệc hay đặc biệt là nhân sự (bao gồm ca sĩ, vũ đoàn biểu diễn… trong đó có cả MC) đều sẽ phải cân nhắc kỹ hơn. Đặc biệt, BLĐ công ty sẽ có những ái ngại nhất định về tâm lý của khách mời hay nhân viên tham dự tiệc, vì có thể có một số điều kiện nhất định sẽ phải khác hơn năm ngoái (ý là không được bằng do phải cắt giảm). Nhưng nếu các agency (đơn vị tổ chức sự kiện – PV) và MC ngồi xuống, trao đổi rất kỹ với BTC để hiểu được đối tượng khách tham dự, những yêu cầu hay thông điệp mà công ty muốn truyền tải đến toàn bộ nhân viên thì hoàn toàn có thể tư vấn những phương án tổ chức sáng tạo, hợp lý và tiết kiệm nhất.

PV: Ồ vậy là MC không chỉ nhận kịch bản rồi lên sân khấu dẫn luôn mà có thể tham gia vào quá trình thiết kế kịch bản chương trình luôn?

Henry: Dạ đúng rồi chị. Trong một chương trình sự kiện thì thời gian MC xuất hiện có lẽ là nhiều nhất, phải nắm được đường dây kịch bản, hiểu được tiến độ công việc của từng bộ phận và theo sát và xử lý tất cả những tình huống diễn ra tại sự kiện. Em cũng đã có gần 7 năm kinh nghiệm làm MC, đứng trên sân khấu hàng trăm sự kiện lớn nhỏ. Tham gia cùng với BTC từ khâu lên ý tưởng cho đến khi chuẩn bị các hạng mục và triển khai chạy chương trình, MC sẽ hiểu được phần nào những khó khăn, những tâm huyết, nỗ lực của BTC, có điều kiện hiểu thêm về con người, về văn hoá doanh nghiệp để từ đó có những lời dẫn gần gũi, chân thật hơn khi đứng trên sân khấu.

PV: Vậy theo bạn thì một MC như thế nào được coi là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?

Henry: Thực ra mình làm dâu trăm họ mà, nên cũng khó để hoàn hảo 10 điểm trong mắt tất cả mọi người lắm ạ. Cá nhân em sau mỗi chương trình vẫn luôn nhìn nhận lại xem mình có cần phải rút kinh nghiệm gì, hay có thể thay đổi điều gì để lần sau luôn tốt hơn hay không. Nhưng hạnh phúc nhất là khi được khách hàng “hiểu nhầm” đó chị.

PV: “Hiểu nhầm”? Sao lại hạnh phúc được vậy em?

Henry: (cười) Thì cứ khoảng giữa chương trình hoặc có thể sau chương trình, khi gặp em ở phòng nghỉ, cánh gà hay sảnh chờ trước khi về, các anh chị nhân viên hỏi “Ủa em làm ở bộ phận nào?”. Các anh chị ấy nghĩ em là người công ty luôn á. Rồi như có lần dẫn sự kiện ra mắt xe hơi, các anh chị nhân viên sale lại hỏi “Ủa em là người bên nhà máy hả?”. Dẫn sự kiện hội thảo cho các đơn vị quản lý toà nhà xong, xuống các anh chị hỏi “Em đang quản lý chung cư nào?”… Em hay “được” hiểu nhầm như vậy lắm. Mà sướng lắm chị ơi (cười).

PV: Vậy là họ cảm nhận được bạn rất gần gũi và chân thành rồi. Có vẻ như việc tìm hiểu kỹ về công ty cả về ngành nghề kinh doanh và văn hoá doanh nghiệp đã giúp em có được thiện cảm đó. À đó là các sự kiện cho các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam. Gần đây Henry cũng nhận nhiều sự kiện song ngữ Anh – Việt phải không?

Henry: Dạ đúng rồi chị. Hai năm vừa rồi, tranh thủ khoảng thời gian ngành sự kiện nói chung đang dần phục hồi sau dịch, ít việc, em đã đăng ký hai tháng học tiếng Anh ở nước ngoài. Cụ thể là một tháng học tại Malaysia (T7/2022) và một tháng tại Philippines (T2/2023). Đó thực sự là khoảng thời gian vô cùng giá trị đối với em. Với thời gian học mỗi ngày 5-6 tiếng liên tục, cộng thêm việc được sống ở nước ngoài, giao tiếp với bạn bè, thầy cô hay ra ngoài ăn uống, mua sắm đều phải sử dụng tiếng Anh đã giúp khả năng giao tiếp và phản xạ của em tiến bộ hơn rất nhiều. Sau khi về nước, em có tiếp tục học online với cô giáo bên đó khoảng 3 tháng nữa. Khi thấy được năng lực của mình ngày càng được cải thiện, em mạnh dạn nhận show song ngữ nhiều hơn và may mắn là sau mỗi chương trình, khách hàng đều hài lòng.

PV: Bạn có ngại mình làm một gương mặt MC song ngữ mới nên khách hàng sẽ nghĩ mình ít kinh nghiệm không?

Henry: Thì em mới thật mà (cười). So với nhiều anh chị và thậm chí giờ các bạn trẻ hơn mà giỏi tiếng Anh hơn thì em còn cần phải cố gắng nhiều lắm. Nhưng có một người chị cũng là một MC kỳ cựu đã từng chia sẻ với em “Muốn làm MC song ngữ thì trước tiên vẫn phải là MC trước đã, tiếng Việt phải tốt, các kỹ năng của MC phải cứng, thì ngoại ngữ sẽ là một công cụ bổ trợ thêm để mở rộng cơ hội nghề nghiệp, thể loại sự kiện, đối tượng khách hàng”. Em hoàn toàn đồng ý với nhận định đó và em vẫn tự tin với những kiến thức và nghiệp vụ chuyên môn cũng như kinh nghiệm của mình.

PV: Vậy trong những sự kiện song ngữ năm vừa qua, sự kiện nào cá nhân bạn cảm thấy ấn tượng nhất ở góc độ làm nghề?

Henry: Có lẽ là sự kiện khai trương một công ty về da ở Bình Dương. Đó là công ty đầu tiên được đầu tư vốn 100% Argentina và có sự tham dự của Ngài Đại sứ. Hôm đó bác đã phát biểu liền một mạch hơn 3 phút. Để tránh ngắt mạch cảm xúc nên em đành chờ bác dừng hẳn rồi mới xin phép dịch tóm tắt để khách mời Việt Nam hiểu được. Rất may đó là một câu chuyện thể hiện quan tâm, ủng hộ tâm huyết của chủ doanh nghiệp cũng như sự vui mừng của bác khi nhìn thấy thành quả từ hợp tác ngoại giao hai nước, và phần vì bác nói tiếng Anh cũng rất hay và dễ nghe nên em có thể dịch lại khoảng 80% nội dung. Sau phần đó được mọi người vỗ tay quá chừng. Trước thì lo mà xong thì mừng hết lớn (cười).

PV: Thường thì các MC song ngữ sẽ hơi e ngại phần dịch trực tiếp bài phát biểu của đại biểu, nhưng có vẻ như bạn làm khá tốt phần này.

Henry: Dạ thực ra em cũng ngại như mấy bạn chị ơi (cười). Vì nếu theo kịch bản để dẫn dắt chương trình song ngữ thì không quá khó, nhưng để dịch bài phát biểu thì MC cần chuẩn bị rất kỹ về kiến thức và từ vựng chuyên ngành. Nói ngại vậy chứ được nhận show tụi em sướng lắm. Càng khó thì càng có cơ hội để mình rèn luyện và thể hiện năng lực bản thân. Càng được tìm hiểu nhiều về một sản phẩm, dịch vụ hay lĩnh vực mới, mình lại càng có thêm kiến thức và vốn sống – những điều vô cùng cần thiết và quan trọng cần được tích luỹ bổ sung thường xuyên, liên tục trong suốt hành trình làm nghề.

PV: Vậy là đối với bạn, MC không chỉ là một công việc mà như một nghề luôn rồi phải không?

Henry: Dạ chị. Nghề đã chọn em và em cũng đã chọn theo đuổi con đường MC chuyên nghiệp. Tổ đã thương và cho em cơ hội thì em cũng quyết tâm hết mình với con đường ấy, làm cho đến khi được bằng tuổi chú Ngạn chú Sâm (MC Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn và MC Nhà báo Lại Văn Sâm) vẫn được đứng trên sân khấu.

PV: Cảm ơn Henry đã dành thời gian trò chuyện cùng với chúng tôi. Chúc bạn sẽ gặp nhiều thuận lợi và thăng tiến với sự nghiệp của người dẫn chương trình.

PV