Giao lưu với các Phật tử trong khoá tu “Ngày an lạc” tại chùa Giác Ngộ diễn ra vào đầu tháng 8 vừa qua, nữ diễn viên Việt Trinh đã nhiều lần khóc nghẹn khi nhắc về mẹ, về tuổi thơ nhiều cơ cực của mình.
Vào những năm của thập niên 90, Việt Trinh là một trong những diễn viên nữ nổi tiếng hàng đầu của điện ảnh Việt Nam. Với khuôn mặt đẹp và lối diễn xuất duyên dáng, xuất thần, Việt Trinh đã trở thành ngôi sao điện ảnh gây nhiều sóng gió ở các rạp chiếu phim thời bấy giờ. Tên tuổi chị gắn liền với nhiều bộ phim như: Ngọc trong đá, Người đẹp Tây Đô, Vĩnh biệt mùa hè, Công tử Bạc Liêu…
Mới đây, khi được mời đến chia sẻ trong khóa tu “Ngày an lạc” lần thứ 25 tại chùa Giác Ngộ, Việt Trinh đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện liên quan đến cuộc đời mình. Nữ diễn viên “Người đẹp Tây Đô” chia sẻ rằng, ai cũng phải đi qua một thời tuổi thơ và dù tuổi thơ đó ngọt ngào hay dữ dội thì ai cũng yêu thương tuổi thơ của mình.
“Khi lớn lên, nhớ lại tuổi thơ của mình, mình cảm thấy rất hạnh phúc, cho dù đó là tuổi thơ rất cực khổ, thậm chí mình thua bạn kém bè rất nhiều thứ. Nhưng chính từ những khó khăn, cực khổ đó mà mình bản lĩnh hơn khi đối diện với những sóng gió của cuộc đời.
Tôi may mắn sinh ra trong gia đình hạnh phúc. Dù mẹ nuôi con một mình nhưng tấm lòng của mẹ rất bao la. Tuổi thơ, tôi đã được chứng kiến những nỗi nhọc nhằn và cơ cực mà mẹ phải trai qua để nuôi các con khôn lớn. Với tôi, mẹ là người phụ nữ vĩ đại và tôi yêu thương nhất.
Tôi là con gái út nên trong nhà tôi gần gũi mẹ nhiều nhất. Từ bé, tôi đã được chứng kiến những giọt nước mắt và những nỗi cơ cực mà mẹ phải gồng gánh để nuôi 7 anh em chúng tôi thành người. Nhiều khi thấy mẹ với thân hình nhỏ nhắn (chỉ cao có 1m5) nhưng gánh nặng oằn lên vai, tôi cứ ước mình phải làm gì đó để mẹ bớt cực. Lúc 7 – 8 tuổi, tôi cứ nghĩ mình phải làm ra thật nhiều tiền để mẹ bớt cực khổ.
Với tâm hồn non nớt của một đứa trẻ, tôi chỉ nghĩ làm ra tiền thì mẹ sẽ bớt cực nhưng không biết rằng, cố gắng học giỏi để sau này thành tài thì sẽ có nhiều cơ hội giúp mẹ bớt cơ cực. Cho nên, hồi đó tôi ngang ngạnh lắm. Tôi hay trốn mẹ đi làm thuê, làm mướn… rồi mẹ biết được lại bắt về đánh đòn.
Có một trận đòn mẹ đánh kinh khủng lắm. Mẹ vừa đánh vừa bảo rằng: “Mẹ có cực khổ tới mấy cũng cố gắng nuôi các con ăn học đàng hoàng chứ không để cho các con thất học”. Lúc đó, tôi rất ngạc nhiên, không hiểu sao mình chăm chỉ đi làm mướn để kiếm tiền phụ giúp mẹ mà còn bị mẹ đánh.
Nhưng sau này, khi học hết lớp 12, biết chữ nghĩa, biết tính toán, có công ăn việc làm ổn định… mới hiểu tấm lòng mẹ bao la vô cùng. Nếu như lúc đó, mẹ yếu lòng, mẹ nghĩ “Con mình học ngần đó đủ rồi, cho nó đi làm đi, mình đỡ cực” thì chắc là không có Việt Trinh của ngày hôm nay. Nghĩ lại những tháng ngày đó, lúc nào tôi cũng nghẹn ngào nhưng thực sự rất hạnh phúc. Hạnh phúc vì nhờ mẹ như thế mà ngày đó tôi đã không thất học”, Việt Trinh nghẹn ngào kể lại tuổi thơ.
Theo nữ diễn viên “Người đẹp Tây Đô”, vào những năm của thập niên 70, khi gia đình chị rời TP.HCM lên Bình Phước theo diện xây dựng vùng kinh tế mới thì gặp rất nhiều khó khăn. Hàng ngày, cả nhà phải ăn cơm bo bo độn với khoai sắn, khoai lang. Riêng chị, vì là con út nên được ăn cơm nhiều hơn các anh chị.
“Nhiều lúc nhìn bạn bè có bàn tay thon gọn, nuột nà, mềm mại… tôi rất thèm vì tôi không có được bàn tay như vậy. Tay của tôi rất thô, gân guốc và xấu xí vì hồi bé làm nhiều việc nặng nhọc. Nào là đi theo mấy anh đi lượm củi, kéo nước bằng dây thừng, xách nước đi tưới tiêu… Nhiều khi nhìn vào tay mình có chút xấu hổ nhưng cũng rất tự hào. Nhìn vào mỗi đường gần trên bàn tay lại nhớ lại quãng thời gian thơ ấy từng làm gì với các anh, các bạn trong xóm của mình. Kể lại thấy tuổi thơ cơ cực và dữ dội nhưng tôi rất hạnh phúc. Trong suốt cuộc đời, tôi không bao giờ quên được tuổi thơ của mình. Mãi mãi sẽ là như vậy”, Việt Trinh kể thêm.
Nói về cơ duyên đến với điện ảnh, Việt Trinh cho biết, bất kỳ một đứa trẻ nào cũng có những ước mơ. Ước mơ đó đổi thay theo từng giai đoạn. Đến bây giờ, khi đã ở tuổi 45 nhưng Việt Trinh vẫn nghĩ nghề diễn đã tìm đến mình bởi trong ký ức tuổi thơ chị không hề nghĩ đến nghề này.
“Hồi bé, tôi rất mê hát cải lương lắm lắm. Mê tới mức, các đoàn cải lương về quê biểu diễn là mẹ cấm tới mấy cũng trốn đi xem bằng được. Nhìn những người đóng công chúa hoặc bà hoàng là thần tượng lắm, chỉ ước sau này mình được như công chúa. Tôi còn nhớ, thời đó rất mê vở tuồng “Phạm Công Cúc Khoa” nên cứ rủ bạn bè trong xóm lấy lá chuối với lá khoai sắn kết lại làm lọng, may áo giáp rồi diễn chơi với nhau.
Lên lớp 8 – lớp 9 lại mê làm ca sĩ. Mỗi lần phụ mẹ nấu cám cho heo ăn, hái lá so đũa cho dê ăn, giặt quần áo giúp các anh… là miệng nghêu ngao hát hết bài này đến bài khác. Nhiều khi còn lấy ghế ra làm sân khấu, dạt quần áo sang hai bên làm màn nhung… rồi biểu diễn như đang biểu diễn trên sân khấu vậy dù không có khán giả.
Năm 13 tuổi, mỗi lần từ Bình Phước về TP.HCM lại ở trong một xóm lao động nghèo mà các đoàn làm phim rất hay về đó quay. Tôi còn nhớ, thời điểm đó nghệ sĩ Thương Tín đang quay phim “Tiếng gọi lúc mờ sáng”, tôi cùng với mấy đứa trẻ con trong xóm nhào ra xem rất say mê.
Lúc đang cùng bọn trẻ chen chúc xem thì thấy đạo diễn Lê Mộng Hoài ngoắt lại. Lúc lại gần các chú kêu: “Xoè cái tay ra xem bói coi”, tôi cũng xòe tay ra. Chú Lê Mộng Hoài xem xong nói: “Con nhỏ này sau này đóng phim nổi tiếng lắm nè!”. Vì câu nói đó mà từ chỗ rất ước ao trở thành ca sĩ tôi lại chuyển sang mong mình trở thành diễn viên. Cho đến bây giờ, tôi vẫn xem đó là bước ngoặt lớn trong cuộc đời diễn viên của mình.
Sau này, khi học hết lớp 12, gia đình chuyển về TP.HCM sống lại, gia đình muốn tôi theo học sư phạm nhưng vì đầu đã “tư tình” với điện ảnh rồi nên không còn chút hứng thú với sư phạm nữa cả. Đầu óc lúc đó chỉ có tiểu phẩm này, nhân vật kia, vai diễn nọ… để nhìn vào gương tự diễn rồi tự xem chứ không có gì khác có thể chen vào đó được. Cuối cùng, tôi đăng ký thi vào trường điện ảnh TP.HCM và bắt đầu nghiệp diễn viên từ đó”, Việt Trinh kể thêm.
(Còn tiếp…)
Hà Tùng Long