Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu là một công việc khó khăn, tốn thời gian, thiếu nguồn lực vì thế nhiều DN chủ doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp đã chọn hình thức nhượng quyền để khởi nghiệp kinh doanh.
Nhượng quyền – Ngành tiềm năng hậu Covid-19
Bà Nguyễn Phi Vân – Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia, thành viên sáng lập và điều hành Công ty World Franchise Associates cho biết: Ngành nhượng quyền có đóng góp đáng kể vào GDP và có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở các quốc gia có ngành nhượng quyền phát triển, mức đóng góp của nó vào khoảng 5- 10% GDP. Tại Hoa Kỳ, cái nôi của ngành nhượng quyền, con số này là 5,1%. Mức đóng góp của ngành nhượng quyền vào GDP quốc gia còn ngoạn mục hơn tại Canada với 10%, Australia là 9%, Nam Phi 9,7%.
Ở châu Á, nhượng quyền phát triển mạnh nhất tại Hàn Quốc với mức đóng góp vào GDP là 7,8%, Malaysia 6,3%, Philippines 5%, Singapore 3%. Đối với Malaysia, ngành nhượng quyền được chính phủ nước này lựa chọn như một chiến lược dài hạn để phát triển DN nhỏ và vừa, bằng cách xuất khẩu mô hình và thương hiệu thay vì xuất khẩu hàng hóa và sản phẩm.
Báo cáo “2020 Franchise Reopening” mới đây cho thấy ở Hoa Kỳ, nhượng quyền thương mại được coi là trụ cột của DN vừa và nhỏ. Trong các cuộc suy thoái trước đây, mô hình kinh doanh này đã được chứng minh là có khả năng phục hồi và là một phương thức mở rộng hàng đầu nhằm thoát khỏi suy thoái kinh tế cần được khuyến khích.
Nhượng quyền thương mại được tìm thấy trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế Hoa Kỳ, trong đó, gần một nửa số nhượng quyền thương mại là trong ngành thực phẩm và đồ uống. Các lĩnh vực chính khác bao gồm ô tô, dịch vụ thương mại, giáo dục, phòng tập thể dục, khách sạn, dịch vụ dân cư, nhà hàng, thẩm mỹ viện, dịch vụ y tế cao cấp…
Còn tại Việt Nam, bà Nguyễn Phi Vân cho biết thêm trước Covid-19 đã có các thương hiệu nhượng quyền lâu năm và rất thành công như: Trung Nguyen Coffee, Pho 24, T&T, Cafe Bobby Brewers, Kinh Do Bakery, Wrap and Roll, Café Cong, AQ Silk, Shop and Go, Highland’s Coffee… Thời kỳ hậu Covid-19, hoạt động nhượng quyền có thể phát triển mạnh mẽ ở các mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ, O2O (Online – to – Ofline), DevOps (mô hình làm việc kết hợp giữa kỹ sư phát triển phần mềm với bộ phận kỹ sư hệ thống, nhân viên bảo mật, kỹ sư mạng, kỹ sư hạ tầng… nhằm mục đích rút ngắn vòng đời phát triển sản phẩm), PANPAN (chuỗi cửa hàng Nhật nội địa) mô hình linh hoạt hay những mô hình có mức đầu tư thấp và hoàn vốn nhanh.
Rộng đường cho DN khởi nghiệp bằng mô hình nhượng quyền
Ông Nguyễn Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết: mô hình kinh doanh bằng hình thức nhượng quyền thương mại ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Đối với bên nhận nhượng quyền, mô hình này giúp hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất trong kinh doanh. Không những vậy, DN cũng có thể tiết kiệm được đáng kể chi phí tạo dựng thương hiệu cũng như quảng cáo, xúc tiến bán hàng. Hoạt động nhượng quyền thương mại giúp các DN trong nước được nhận chuyển giao từ những thương hiệu nổi tiếng, có uy tín, được học hỏi, tiếp cận với phương thức kinh doanh và quản lý tiên tiến của thế giới.
Theo đánh giá của Hiệp hội Nhượng quyền Thương mại quốc tế (IFA), Việt Nam được xác định là thị trường nhượng quyền hấp dẫn tại khu vực Đông Nam Á với nhiều lĩnh vực tiềm năng như: thực phẩm và đồ uống, giáo dục, y tế và dinh dưỡng, dịch vụ kinh doanh, khách sạn, thời trang, làm đẹp và chăm sóc da, giải trí, dịch vụ trẻ em và cửa hàng tiện lợi. Việt Nam cũng được dự báo sẽ là điểm đến của nhiều thương hiệu quốc tế nổi tiếng trong thời gian tới.
Vì thế các DN nên lựa chọn đầu tư vào những ngành phục vụ nhu cầu cơ bản, những mô hình linh hoạt, đa dạng kênh doanh thu, đầu tư vừa phải và thu hồi vốn nhanh, ứng dụng nền tảng quản trị số vào hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư mô hình phát triển bền vững. Bên cạnh đó, để có một mô hình nhượng quyền bền vững, DN phải quan tâm tới 05 yếu tố bao gồm thương hiệu và mô hình, nền tảng vận hành, nhân sự và đào tạo, hệ thống và chuỗi cung ứng, nền tảng công nghệ – bà Vân nhấn mạnh.
Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý DN và nhượng quyền thương mại tại Việt Nam, ông Lê Đăng Khoa – Chủ tịch Le Group Ventures cho hay DN luôn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường cũng như những biến cố bất ngờ, chẳng hạn như đại dịch vừa qua. Do đó, các DN phải thay đổi tư duy, luôn chủ động và linh hoạt tìm kiếm các giải pháp, dịch chuyển mô hình kinh doanh, đa dạng hóa kênh doanh thu nhằm phân tán và hạn chế rủi ro, nắm bắt cơ hội và nhanh chóng xoay chuyển tình thế trong mọi tình huống. Và nhượng quyền thương mại hiện cũng đang nổi lên là mô hình có khả năng phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ thời kỳ hậu Covid-19.
Tham khảo mô hình nhượng quyền cửa hàng Nhật Bản chính hãng PANPAN tại đây: https://panpan.today/nhuong-quyen-thuong-hieu/
Theo Ngọc Thảo (Báo Công Thương Điện Tử)